“Đầu cơ”, chuyện bình thường

16/11/2009 04:21

Thật ra khó tìm thấy yếu tố đầu cơ trong cơn biến động giá vàng lần này. Nguyên nhân chính là do đồng USD trượt giá so với các đồng ngoại tệ khác.

“Đầu cơ”, chuyện bình thường

Trước sự hung hăng của giá vàng, trong thông báo cho phép nhập vàng trở lại Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khuyến cáo người dân "cẩn trọng trước quyết định mua vàng trong thời điểm giá vàng biến động phức tạp và có yếu tố đầu cơ". Tuy nhiên, theo Nhà báo Trần Trọng Thức: thật ra khó tìm thấy yếu tố đầu cơ trong cơn biến động giá lần này. Để minh họa, ông dẫn ba nguyên nhân đã khiến giá vàng "phát sốt" như vừa qua.

Đổ lỗi cho người khác là một cách ứng xử đáng chê trách, vậy mà buồn thay thái độ ấy vẫn nhan nhản trong đời sống xã hội chúng ta hiện nay. Nhưng tại sao người ta lại đổ lỗi? Thông thường là vì không dám nhận trách nhiệm, trong vài trường hợp là do không nắm được thấu đáo nguyên nhân của sự việc. Đổ lỗi cho ai? Tất nhiên là cho một kẻ xấu hay một hành vi mà người ta cho là xấu. Và nếu kẻ xấu ấy là người yếu thế, không có đủ điều kiện hay tư cách để tự bào chữa, thì người đổ lỗi hoàn toàn có thể ăn ngon ngủ yên.

Trong thời buổi kinh tế thị trường còn ngổn ngang trăm mối tơ vò, vàng thau lẫn lộn, đang có một "kẻ xấu" thường xuyên phải giơ đầu chịu mọi báng bổ, đó là "đầu cơ".

Thật ra khó tìm thấy yếu tố đầu cơ trong cơn biến động giá vàng lần này

Theo Đại từ điển Tiếng Việt (NXB Văn hóa - Thông tin) thì đầu cơ là "lợi dụng các cơ hội để kiếm chác lợi lộc cho mình". Cách giải thích này mặc nhiên cho đầu cơ là xấu. Tuy nhiên, đứng trên bình diện các hoạt động kinh tế, thì định nghĩa trên đây đã phần nào đơn giản khi đánh giá một hành vi, bởi trong làm ăn ai mà chẳng muốn tận dụng các cơ hội để tìm lợi nhuận. Về mặt thuật ngữ kinh tế thì đầu cơ đơn giản chỉ là đầu tư vào một cơ hội để kiếm lợi.

Vấn đề là việc kiếm lợi ấy có phù hợp với đạo đức, luật pháp và tập quán kinh doanh của kinh tế thị trường hay không. Đầu cơ mà chúng ta thường nói đến trong thị trường hàng hóa là hành vi tạo sự khan hiếm, dùng mọi thủ đoạn để găm giữ hàng, tạo ra mức cầu lớn hơn nhiều lần so với mức cung, sau đó đẩy giá bán lên cao để trục lợi. Hàng hóa bị đầu cơ là các mặt hàng thiết yếu cho đời sống như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vé tàu xe vào dịp lễ, Tết ... mà vì cần thiết người tiêu dùng buộc phải mua với bất cứ giá nào. Đó là hành vi phi đạo đức trong kinh doanh.

Thực tế tình hình của chúng ta những năm gần đây cho thấy khái niệm đầu cơ đã bị nhìn lệch lạc. Chẳng hạn vào buổi bình minh của thị trường chứng khoán, chúng ta thường nghe những lời lên án hoạt động đầu cơ, trong khi đây không phải là một hành vi xấu mà là một hoạt động bình thường của TTCK.

Có thể dẫn chứng: khi giá cổ phiếu của một công ty tăng mạnh, người đầu tư tận dụng cơ hội tung ra bán để kiếm lời, điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu đó không tăng cao thêm nữa. Hay khi cổ phiếu một công ty bắt đầu sụt giá, nhà đầu tư tung tiền thu gom với kỳ vọng tới đây khi công ty làm ăn tốt hơn, giá cổ phiếu tăng thì họ sẽ có được siêu lợi nhuận. Do cổ phiếu được mua nhiều, có nghĩa là cầu tăng, mà sự giảm giá được chặn lại. Điều này có khi giúp các nhà đầu tư nhỏ không bị trắng tay. Hành vi của người đầu cơ phần nào mang tính điều hoà thị trường làm cho cơn sốt chứng khoán bớt hung hãn.

Thế nhưng cũng có các hành vi đầu cơ không lành mạnh. Đó là khi một tổ chức hay cá nhân câu kết để nắm độc quyền thông tin nội bộ rồi tung tiền mua cổ phiếu sắp được bán ra, tạo nên tình trạng khan hiếm để trục lợi. Đây là hành vi mua bán nội gián vi phạm đạo đức kinh doanh cần phải kiên quyết ngăn chặn.

Gạt ra ngoài những yếu tố tiêu cực đó, thì đầu cơ chứng khoán vẫn mang ý nghĩa lành mạnh. Hàng hóa trên TTCK có nhiều chủng loại (cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau, trái phiếu công ty, trái phiếu Chính phủ ...) và đó không phải là loại hàng hóa thiết yếu trong đời sống con người. Người chơi chứng khoán có nhiều khả năng chọn lựa, thậm chí không mua cổ phiếu nào cả thì cuộc sống chẳng phải vì thế mà khó khăn.

Gần đây hơn, vào tuần qua, trước sự hung hăng của giá vàng lên ngất ngưởng ở mức hơn hơn 29 triệu đồng/lượng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong thông báo cho phép nhập vàng trở lại để bình ổn thị trường sau nửa năm cấm nhập khẩu vàng, đã khuyến cáo người dân "cẩn trọng trước quyết định mua vàng trong thời điểm giá vàng biến động phức tạp và có yếu tố đầu cơ".

Thật ra khó tìm thấy yếu tố đầu cơ trong cơn biến động giá lần này. Nguyên nhân chính được một số chuyên gia đưa ra cho thấy, trước tiên là do đồng USD trượt giá so với các đồng ngoại tệ khác, làm cho giá vàng thế giới tăng cao đã thúc đẩy các nhà đầu tư quốc tế tìm đến vàng để bảo toàn đồng vốn.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Mấy tháng trước đây, khi Nhà nước cho phép xuất khẩu vàng, một số doanh nghiệp đã vay vàng từ ngân hàng và các sàn giao dịch để kinh doanh. Họ chờ đợi thời cơ vàng xuống giá sẽ mua lại, thế nhưng tiên liệu ấy không xảy ra và nhiều doanh nghiệp đã phải nhanh chóng mua vàng trả nợ nhằm cắt lỗ.

Thứ ba là do nguồn cung trong nước khan hiếm sau khi hồi đầu năm 2009, nhằm giảm mức nhập siêu chúng ta đã xuất khẩu một lượng vàng lớn trị giá cả tỷ USD. Thị trường vàng là một thị trường liên thông cả xuất lẫn nhập, nhưng chúng ta đã chưa quan tâm đúng mức qui luật này. Thế nên nếu có xảy ra tình trạng biến động giá vàng thì đó cũng là do công tác điều hành thị trường của chúng ta yếu kém.

Vậy thì đổ lỗi cho đầu cơ trong trường hợp này có đúng hay không, nhất là khi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu và đại bộ phận người dân không có miếng vàng nào trong tay cũng chẳng vì thế mà nghèo hơn.

Nếu khái niệm đầu cơ chỉ dừng lại ở mức tranh cãi về ngữ nghĩa thì cũng không phải chuyện gì lớn. Điều lớn hơn là một khi luật pháp chưa theo kịp với những phương thức làm ăn mới chưa làm rõ một số khái niệm, thì việc đầu tư vào cơ hội của người kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận chính đáng có thể sẽ bị chế tài. Khi ấy thì làm gì còn kinh tế thị trường nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Đầu cơ”, chuyện bình thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO