Cửa vào thị trường Mỹ sẽ hẹp hơn?

HẢI VÂN| 31/05/2017 08:33

Một mặt, doanh nghiệp Việt muốn bán nhanh, bán nhiều để phát triển, nhưng mặt khác lại đứng trước nguy cơ cao về hàng rào thương mại. Việc tìm ra điểm cân bằng giữa 2 vấn đề này là rất khó.

Cửa vào thị trường Mỹ sẽ hẹp hơn?

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ đã tăng từ khoảng 1 tỷ USD năm 2001 lên 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 40 tỷ vào năm 2017. Năm 2016, Việt Nam là nước xuất khẩu đứng thứ 13 vào thị trường Mỹ, tăng 14,9% so với năm 2015.  

Đọc E-paper

Nhưng hiện tại, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ bắt đầu cảm thấy khó. Bích Chi - một công ty ở Đồng Tháp xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gạo mới đây đã dừng bán hàng vào New York, trong khi việc tiếp cận hệ thống siêu thị của Mỹ ở các bang khác cũng hết sức khó khăn.

Một năm Bích Chi xuất hàng sang Mỹ trị giá khoảng 6 triệu USD, nhưng sản phẩm chủ yếu được bán trong các siêu thị nhỏ của người Việt, hoặc hệ thống siêu thị Walong và Gia Thành của người Hoa. Hệ thống bán lẻ Walmart cũng bán sản phẩm của Bích Chi nhưng lại thông qua các công ty thu mua của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Xuất khẩu vào Mỹ năm qua vẫn giữ được tăng trưởng, nhưng rất dễ bị giảm sút do năng lực dự báo, nhận biết chính sách cũng như những thay đổi của thị trường Mỹ, khả năng thích ứng với bối cảnh mới và thích nghi với các rào cản thương mại của DN Việt Nam còn yếu. Thêm nữa, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tỷ lệ nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa lớn nên thường gặp bất lợi khi giá thế giới biến động.

Sức ép lên các DN xuất khẩu sang Mỹ tới đây sẽ lớn hơn khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump thực hiện 2 sắc lệnh hành pháp về thương mại, mà trong đó Việt Nam là một trong 16 quốc gia bị cho là "đánh cắp sự thịnh vượng" của Mỹ, đồng thời khởi động cuộc điều tra "từng quốc gia một, từng sản phẩm một" trong 90 ngày.

Ngoài lý do thâm hụt thương mại lớn, với Việt Nam khoảng 32 tỷ USD, ông Trump còn thực hiện lời hứa đem lại việc làm cho người Mỹ. Trong tháng 3/2017, đã có tới 98.000 việc làm được tạo ra từ khu vực phi nông nghiệp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, còn 4,5%, theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ. Động lực này khiến Tổng thống Mỹ càng rốt ráo hơn khi thực hiện chủ trương "nước Mỹ trước hết" nhằm hồi phục tăng trưởng kinh tế ở mức 3% trong quý II/2017.

>>Ngành điều: Cơ hội phát triển từ thị trường Mỹ

Ông Lê Sỹ Giảng - một chuyên gia từng nhiều năm làm việc tại Cục Cạnh tranh, Bộ Công Thương, nhận xét, việc Việt Nam nằm trong danh sách "gian lận thương mại" của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến các DN làm ăn với thị trường này. Cạnh đó, điều tra thương mại vốn là mảng rất mạnh của các cơ quan thương mại Mỹ, bây giờ, với sắc lệnh của Tổng thống, họ sẽ làm mạnh hơn.

Hơn nữa, nhiều khả năng Mỹ sẽ giám sát chặt các mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng nhanh thay vì giám sát chung như trước đây. Đặc biệt là những mặt hàng Mỹ có sự tương đồng, như cá basa của Việt Nam.

Nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tới đây sẽ chậm lại, trong đó 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra, có thể tăng trưởng thấp do phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bị hạn chế tiêu thụ ở một số bang của Mỹ.

Chưa hết, từ ngày 1/9/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ giám sát cá da trơn đối với cá tra của Việt Nam. Thậm chí, nếu Việt Nam không nộp danh sách DN xuất khẩu vào Mỹ cùng tài liệu chứng minh về an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia theo yêu cầu của Cục Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ thì sẽ không được xuất khẩu sản phẩm vào Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang có chuyến thăm Mỹ (29 - 31/5) theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Các vấn đề liên quan đến thương mại là một trong những nội dung chính được 2 bên thảo luận trong chuyến thăm này.

Thêm nữa, một hiệp định kinh tế song phương với Mỹ dựa trên những nguyên tắc đã có từ TPP nhiều khả năng sẽ được Việt Nam đề xuất với Mỹ trong bối cảnh RCEP (Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực) khó đạt được đồng thuận vào cuối năm nay.

"Nhiều DN Việt Nam đang trong thế lưỡng nan. Một mặt, DN muốn bán nhanh, bán nhiều để phát triển, nhưng mặt khác lại đứng trước nguy cơ cao về hàng rào thương mại, mà việc tìm ra điểm cân bằng giữa 2 vấn đề này là rất khó”, ông Giảng nói.

Ông Giảng cho đó là lý do khiến nhiều DN dù biết là có rủi ro nhưng vẫn phải ưu tiên bán hàng nhanh và chỉ khi có rủi ro mới lo tìm cách giải quyết. Điều đó khiến nhiều DN phải trả chi phí rất lớn để xử lý rủi ro, không chỉ là tiền bạc mà còn là cơ hội kinh doanh.

Mỹ đang điều chỉnh chính sách thương mại với Việt Nam theo hướng có lợi cho Mỹ, tuy nhiên, sự điều chỉnh này cũng như "con dao hai lưỡi". Việc Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam là một thực tế nhưng Việt Nam cũng là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất đối với các mặt hàng của Mỹ ở châu Á.

Năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ đạt 8,7%, chiếm 4,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2016 mới chỉ tương đương 1,96% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Dù vậy, làm ăn trong thời Tổng thống Trump, theo ông Giảng, DN Việt "phải khôn ngoan hơn", phải nắm được hệ thống pháp luật của Mỹ, cách thức người Mỹ sử dụng để áp dụng các rào cản thương mại.

Muốn vậy, DN phải theo dõi sát thông tin thị trường để có phương án xử lý kịp thời, nên sử dụng tư vấn để có bước đi thích hợp, đặc biệt là chuẩn bị năng lực cho chính đội ngũ chủ chốt của DN thay vì chỉ người lãnh nắm được vấn đề của thị trường. Một điểm quan trọng nữa là các hiệp hội ngành hàng và DN làm ăn với thị trường này cần sớm chuẩn bị các phương án xử lý rủi ro, không nên đợi phía Mỹ tiến hành điều tra mới loay hoay đối phó.

>>Nhiều quy định mới về thực phẩm nhập vào Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cửa vào thị trường Mỹ sẽ hẹp hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO