Covid-19 không ngăn được ngành gỗ

Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA| 05/02/2022 05:26

Dù hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành nhưng Việt Nam vẫn nổi lên là một trung tâm sản xuất chế biến gỗ của thế giới và hấp dẫn dòng vốn ngoại. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp (DN) ngành chế biến gỗ và nội thất đang đặt mục tiêu hướng đến sản xuất các mặt hàng giá trị cao.

Về đích sớm

Năm 2021, dù đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều ngành kinh tế, nhưng năm nay ngành gỗ và và nội thất lại về đích sớm với kết quả ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 15 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020 và vượt 20% kế hoạch. Trong đó, riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu ước đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1%. Đây là năm đầu tiên, ngành gỗ Việt Nam vượt mặt Trung Quốc, trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ, thị trường nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất lớn nhất trên thế giới. Nhìn lại những thách thức mà DN phải đối mặt thời gian qua, từ việc giãn cách xã hội diện rộng trong thời gian khá dài đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguyên liệu lẫn cước vận chuyển đều tăng mạnh... sẽ thấy những con số ấn tượng trên là nỗ lực cực kỳ lớn của toàn ngành. Từng DN trong năm qua đã không ngừng cố gắng để ứng biến, thích nghi và vượt lên phía trước.

Khả năng phục hồi thương mại toàn cầu trong năm 2021 - năm thứ hai đại dịch được đánh giá là tích cực và nhanh hơn so với dự báo trước đây. Đó cũng là thuận lợi giúp các mặt hàng nội thất Việt Nam được tiêu thụ tốt hơn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Italia (CSIL), thị trường đồ nội thất thế giới đã phục hồi trở lại vào năm 2021, với mức tiêu thụ đồ nội thất cao hơn nhiều so với giá trị trước đại dịch và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 và 2023.

DSC6569-JPG-6061-1643338747.jpg

Năm 2022, vì đã thích ứng với việc sống chung với Covid-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây sẽ là năm quan trọng chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội của các quốc gia châu Á. Và Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Nhìn lại các mặt hàng nội thất xuất khẩu của Việt Nam, có thể kể đến là mặt hàng ghế khung gỗ. Mặt hàng này của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường trên thế giới. Tiếp theo đó là đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 2,76 tỷ USD, tăng 13,3%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,2%; gỗ, ván và ván sàn đạt 1,8 tỷ USD, 53,3%... Tuy nhiên, đây mới chỉ là nền tảng đầu tiên của một quốc gia sản xuất nội thất mạnh. Thị trường đang chứng kiến biểu giá logistics tăng theo chiều thẳng đứng. DN đang phải trả cho logistics gấp 4 lần so với bình thường. Với một quốc gia có vị trí địa lý khá xa so với thị trường tiêu thụ là Mỹ, châu Âu... như Việt Nam, phần chi phí tăng thêm trên sẽ khiến ngành mất hẳn lợi thế cạnh tranh. Bù đắp cho khoản thâm hụt này, DN Việt phải đặt mục tiêu sản xuất được những mặt hàng có giá trị cao hơn. Tất nhiên, việc sản xuất nội thất giá trị cao đòi hỏi khả năng quản trị và tay nghề cũng cao hơn rất nhiều. Nghĩa là, DN trong ngành sẽ phải tiếp tục cải thiện nội lực, đầu tư thiết bị, sáng tạo và đổi mới.

Công thức chuyển đổi số (CĐS) + ODM

Lấn sang các bước cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành nội thất mà từ trước đến giờ DN Việt Nam vẫn thua mọi người, bao gồm thiết kế, bán lẻ, thương hiệu... là câu chuyện mà những doanh nhân trong ngành chế biến gỗ nói với nhau suốt năm vừa qua.

Ngoài việc sản xuất, thi công các không gian nội thất, chúng tôi theo đuổi việc xây dựng những thương hiệu nội thất cao cấp, mang ra thị trường thế giới. Gỗ Trường Thành với Casadora, AA Corporation với George Bensley... là những thử nghiệm đã bắt đầu có được phản hồi tích cực từ người dùng thế giới. DN nội thất Việt Nam đang dần tự tin hơn trong việc phát triển thiết kế mẫu mã sản phẩm, chuẩn bị cho việc dịch chuyển từ OEM sang ODM. Con đường này, tất nhiên cũng nhiều thử thách nhưng đến hiện nay thì hoàn toàn khả thi và có giải pháp, từ việc hợp tác với đội ngũ thiết kế quốc tế đến việc xây dựng thế hệ thiết kế nội thất trong nước.  

Hành trình chinh phục giá trị ODM của DN Việt Nam hiện thuận lợi hơn rất nhiều, khi có thêm quyết tâm đầu tư phát triển công nghệ và CĐS từ phía DN. Trải qua hai năm sống chung với Covid-19, nhất là đợt giãn cách diện rộng trong năm 2020, DN ngành gỗ đã thấy được các giá trị CĐS mang lại. Không chỉ nâng cao năng lực sản xuất bằng các thiết bị công nghệ, độ chính xác cao, CĐS từ phía DN nội thất Việt Nam ghi nhận việc ứng dụng AI, cải tiến máy móc, công nghệ vào vận hành kinh doanh, vào công tác thiết kế, tương tác khách hàng...

May mắn hơn nữa là hành trình CĐS của DN ngành gỗ còn có sự hậu thuẫn lớn từ phía cơ quan quản lý, từ việc khảo sát, tư vấn đến hỗ trợ ngân sách... Các tổ chức ngành nghề như HAWA chẳng hạn, cũng đã đầu tư một nền tảng mang tên HOPE, mang đến DN con đường tiếp cận khách hàng toàn cầu bằng công nghệ. Năm 2021, HOPE đã "lột xác" với hàng loạt cải tiến, giúp DN dễ dàng xây dựng gian hàng ảo hơn, trải nghiệm tương tác với khách hàng mượt mà hơn... Số lượng thương hiệu nội thất tham gia HOPE tăng đột biến trong năm vừa qua, chính là minh chứng cho tinh thần đón nhận, sẵn sàng CĐS từ phía các DN trong ngành.

Kết hợp CĐS lẫn định hướng ODM, vị thế của công nghiệp nội thất Việt Nam chắc chắn sẽ còn vững vàng hơn trong thời gian tới.

DSC00880-JPG-3806-1643338747.jpg

Thu hút nguồn lực nội

Việc tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do cũng đang mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi, giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra việc làm yêu cầu tay nghề cao. Điều này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh hơn nữa đối với các sản phẩm nội thất của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất chế biến gỗ của thế giới, thu hút các DN nước ngoài đầu tư nhưng góp phần cho các chỉ số xuất khẩu "đẹp đẽ” lại là các DN FDI, còn DN Việt Nam chỉ làm sản phẩm giá trị thấp. Như thế, giá trị thực không thực sự thuộc về thặng dư quốc gia. 

Trong chiến lược phát triển bền vững, cần sự tham gia của thế hệ kế thừa. Không chỉ là con cháu của những người trong ngành mà cần được rộng mở, kêu gọi sự tham gia của các startup trẻ. Như vậy, làm thế nào để hấp dẫn các startup trẻ tiếp cận và tập trung chất xám, đam mê vào ngành gỗ và nội thất là điều mà những người làm nghề trăn trở nhất.

Một thực tế nữa là hiện nay, nhu cầu trên thị trường thế giới ở mức cao, nhưng thị phần xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 10%. Vẫn còn rất nhiều dư địa để DN trong ngành mở rộng và đón nhận sự tham gia của những cái tên mới. Chế biến gỗ Việt Nam - quốc gia đang giữ ngôi á quân xuất khẩu nội thất toàn cầu, thực sự rất cần nguồn lực trẻ để giữ vững và nâng cao vị trí này. 

Cùng đó, rất cần chính sách nhà nước quan tâm đến các hiệp ước đã ký với các nước châu Âu về việc sử dụng nguồn gỗ hợp tác. Đây là bài toán khó vì số liệu gỗ không hợp tác còn trôi nổi nhiều. Vậy nên, Việt Nam phải tích cực hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần có chính sách để DN tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ hay các tổ chức lớn, ưu đãi lãi suất để DN đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất. Cuối cùng, DN cần hỗ trợ quỹ đất lớn và rẻ vì ngành gỗ và nội thất là những mặt hàng cồng kềnh, rất cần mặt bằng nhà xưởng lớn và quỹ đất rộng.

Về phía các hội, hiệp hội, cần hỗ trợ DN tiếp thị thương mại để thay thế DN FDI xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm có giá trị cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Covid-19 không ngăn được ngành gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO