Công nghiệp giấy bao bì: Cơ hội chia đều

KIẾN QUỐC| 16/05/2015 08:37

Mới bước vào quý II, nhưng đã có đến ba nhà đầu tư lớn thuộc khối FDI rót vốn vào ngành công nghiệp giấy bao bì.

Công nghiệp giấy bao bì: Cơ hội chia đều

Mới bước vào quý II, nhưng đã có đến ba nhà đầu tư lớn thuộc khối FDI rót vốn vào ngành công nghiệp giấy bao bì.

Đọc E-paper

Trong khi các DN khối nội vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn về vốn, công nghệ, nguồn nguyên liệu... thì các "ông lớn" trong ngành giấy như SCG, Lee & Man, Nine Dragons... lại liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Mới đây, trong công bố báo cáo kinh doanh quý I/2015, Tập đoàn SCG (Thái Lan), cho hay, Công ty TNHH Giấy Vina Kraft (VKPC), một liên doanh giữa Công ty TNHH Siam Kraft Industry (thành viên của SCG) và Công ty TNHH Rengo (Nhật Bản) theo tỷ lệ 70:30 sẽ chi khoảng 2.750 tỷ đồng để tăng gấp đôi năng lực sản xuất bao bì (công suất hiện tại của VKPC là 243.500 tấn/năm).

Theo ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành SCG, việc mở rộng này nhằm đón đầu nhu cầu giấy bao bì hiện vẫn đang nhập khẩu ròng về thị trường Việt Nam. Dự kiến cơ sở sản xuất mới sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2017.

Với tổng vốn đầu tư (tính cả hai giai đoạn) gần 6.101 tỷ đồng, VKPC được SCG kỳ vọng sẽ là đơn vị sản xuất giấy bao bì lớn nhất với khoảng 90% công suất phục vụ thị trường tại Việt Nam.

Trước đó, tháng 3/2015, sau nhiều lần thương thuyết với UBND tỉnh Hậu Giang, Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) đã khởi công dự án nhà máy sản xuất giấy và bột giấy tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành với tổng vốn thực hiện lên đến 1,2 tỷ USD. (Vốn cho giai đoạn 1 trên 350 triệu USD). Dự kiến, cuối năm 2015, nhà máy sẽ đi vào hoạt động với công suất khoảng 600.000 tấn giấy/năm.

Trong khi đó, thông qua Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương (Cheng Yang), nhà tái chế khổng lồ Nine Dragons Paper (Trung Quốc), đơn vị sở hữu 60% cổ phần tại Cheng Yang, cũng công bố kế hoạch dời máy móc, thiết bị từ Trung Quốc tới Cheng Yang nhằm giúp công ty ở Việt Nam tăng sản lượng từ 100.000 tấn giấy/năm lên 500.000 tấn/năm. Ngay từ đầu năm 2015, Cheng Yang đã ráo riết tuyển dụng nhận sự, chuẩn bị mở rộng dự án có công suất 400.000 tấn giấy/năm.

Đánh giá động thái của các DN FDI, cụ thể là từ công bố rót thêm vốn của VKPC nhằm mở rộng nhà máy, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, chia sẻ: "Việc VKPC mở rộng đầu tư là điều tất yếu, vì họ đã hoàn tất đầu tư giai đoạn 1, và sử dụng hết công suất cách đây 2 năm. Về mặt lý thuyết, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, DN Việt Nam nói chung và các DN ngành giấy bao bì nói riêng dù muốn hay không cũng phải chấp nhận hội nhập. Theo đó, thời gian tới, thị trường giấy bao bì Việt Nam sẽ còn đón nhận sự du nhập của nhiều nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia nữa. Cuộc chơi sẽ được mở rộng một cách công bằng, sòng phẳng cho tất cả các DN trong và ngoài nước".

Nhà đầu tư tư nhân lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực giấy bao bì với khoảng 10% thị phần không quá lo ngại sự "bành trướng" SCG, ngược lại còn cho rằng, việc SCG đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng để mở rộng nhà máy, sẽ góp phần giúp các DN Việt Nam tiết giảm nhập khẩu giấy nguyên liệu thay thế. Vì đối với giấy bao bì cao cấp, Việt Nam vẫn chưa cung ứng được nguồn nguyên liệu.

Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (Rồng Việt Research), năm 2015 cũng cho thấy mức độ cạnh tranh của các DN FDI đối với các công ty niêm yết ngành giấy bao bì là không cao. Theo Rồng Việt Research, sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ nội địa, do đó cơ hội tăng trưởng vẫn chia đều cho cả DN trong và ngoài nước.

Trong khi các DN FDI tập trung vào phân khúc giấy kraft cao cấp, thì các DN niêm yết chủ yếu tập trung vào phân khúc thấp hơn. Ngoài ra, phần lớn các dự án vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch và bước đầu thực hiện kế hoạch, do đó, sản lượng sẽ không tăng trưởng đột biến khiến gia tăng sức ép cạnh tranh ngay trong năm nay.

Dù không lo ngại về sự "bành trướng" của các DN FDI nhưng ông Vị lại lo lắng về những khó khăn mà các DN trong nước đang gặp phải. Cụ thể, từ ngày 15/6, các DN sản xuất giấy buộc phải ký quỹ tối đa 20% trên tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu (trọng lượng tương ứng trên 500 tấn) để làm nguyên liệu sản xuất nhằm đảm bảo khả năng chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu, theo quy định tại Nghị định 38/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của DN. Vì theo ông Vị, hiện nay, các DN trong nước đang phải vay ngân hàng với lãi suất ở mức 8 - 10% trong khi DN các nước chỉ chịu lãi suất từ 0% - 5%. Vì vậy, với quy định này, 90% DN nhỏ và vừa của ngành giấy nói chung và giấy bao bì nói riêng sẽ khó xoay xở nguồn vốn. Và như vậy, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sẽ rất lớn.

> Bao bì xanh – Hoạt động sản xuất theo xu hướng thân thiện môi trường
>Ngành sản xuất bao bì: Tìm lợi thế hẹp
>Thị trường bao bì: Vạn nhãn ruột, hai nhãn vỏ
>Người đam mê...bao bì giấy

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp giấy bao bì: Cơ hội chia đều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO