Chuyên nghiệp là hướng đến sự phát triển lâu dài

NGÂN KIM thực hiện| 07/01/2017 09:51

Tuy mới nhập cuộc gần 4 năm, nhưng ông Phan Minh Thông đã sưu tập được khoảng 200 tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi

Chuyên nghiệp là hướng đến sự phát triển lâu dài

Được biết đến là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bên cạnh các công việc chuyên môn, Phan Minh Thông còn là mộtnhà sưu tập nghệ thuật.

Tuy mới nhập cuộc gần 4 năm, nhưng ông đã sưu tập được khoảng 200 tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi, như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa... và một số họa sĩ trẻ khác. Không chỉ “chơi tranh” ông còn mong muốn các họa sĩ trẻ chuyên nghiệp phát huy thêm tài năng sáng tác. Đó chính là lý do ông đã hỗ trợ với tư cách là nhà tài trợ phụ Cuộc thi  “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp - Viet Art Today 2016” do The V Art kết hợp với Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) dưới sự tài trợ chính của Galerie Nguyen.

* Thưa ông! Lý do nào khiến ông “rẽ” vào lĩnh vực mỹ thuật?

- Năm 2012, tôi chuyển về ngôi nhà mới và cần một số tranh để treo cho đẹp nhà, đẹp cửa, thì được một người bạn giới thiệu ra Bến Thành Art. Lúc đầu, tôi chỉ mua 2 bức về treo phòng khách cho vui. Khi treo xong, thấy đẹp quá, nên tôi cùng bà xã quay trở lại gallery mua thêm bức tranh của Trần Lưu Hậu. Nhưng khi gallery nói giá 7.000USD, tôi thấy đắt quá nên không mua.

Về nhà tôi đã tìm hiểu tại sao tranh lại có sự chênh lệch giá nhiều như vậy và từ đấy tôi lao vào nghiên cứu về tranh Việt. Sau một thời gian nghiên cứu, kết hợp trong các chuyến công tác ở châu Âu, Mỹ, tôi đã tham quan hầu hết các bảo tàng ở đó. Khi quay về Việt Nam, tôi lập tức ra Bến Thành Art hẹn gặp cô chủ gallery và quyết định “đầu tư tranh”. Bởi đến nhiều nơi, nghiên cứu và quan sát nhiều, tôi thấy tranh Việt đẹp  nhưng giá lại quá rẻ so với thế giới!

* Bộ sưu tập của ông hiện nay gồm những họa sĩ nào, có khoảng bao nhiêu bức? Ông đặt ra những tiêu chí gì cho mình để sưu tập?

- Bộ sưu tập của tôi cũng chưa nhiều lắm vì mới bắt đầu việc sưu tập khoảng 4 năm nay. Tôi thích có thật nhiều tranh nữa, nhưng hiện tại vẫn đang mua từ từ và mua theo cảm hứng mà thôi. Tôi có khoảng trên 200 bức, chủ yếu là của Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung... cũng có thêm vài họa sĩ trẻ nữa nhưng không đáng kể. 

* Mua tranh tại xưởng của họa sĩ thường rẻ hơn, lại bắt được nhịp cầu văn nghệ và tình cảm, tại sao ông lại chọn mua tranh từ các gallery? 

- Có nhiều lý do. Mặc dù mua tranh trực tiếp từ họa sĩ thì tình cảm và sự chia sẻ cảm hứng cho tác phẩm hay hơn, chân thật hơn, nhưng xét các yếu tố khác chưa chắc đã hoàn toàn ổn thỏa. Ví dụ nhiều người cứ nghĩ đến nhà họa sĩ mua trực tiếp để rẻ hơn. Chưa chắc. Vì gallery họ có giá đặc biệt và họ làm ăn lâu dài nên giá cả sẽ khác so với những người đi mua lẻ một đến vài bức tranh. Quan trọng hơn là mua tranh vì bức tranh đó, chứ không phải vì “cảm” cá nhân họa sĩ, nên tôi nghĩ cũng không cần thiết gặp trực tiếp họa sĩ. Đôi khi như vậy lại hay, vì cái gì mà mơ mơ mộng mộng thì có lúc lại đẹp hơn là “lộ diện” tất cả.

Ngoài ra, mua tại gallery thì tôi có được đầy đủ các dịch vụ cần thiết và được phục vụ chu đáo, như hóa đơn tài chính, hợp đồng rõ ràng, làm khung, đóng gói, vận chuyển, treo tranh... Đặc biệt là tôi có thể đổi tranh, bán lại tranh cho họ, mà điều này không thể có được từ việc mua trực tiếp với họa sĩ. Ngoài ra, mua tranh ở gallery dễ thương lượng giá cả, và có nhiều tranh để lựa chọn. Nếu mua trực tiếp từ họa sĩ thì đôi khi không có nhiều tranh, vì gallery đã chọn trước mất rồi.

Một lý do nữa là do bản thân tôi cũng thích sự quy củ, và thị trường chuyên nghiệp nên không muốn mua trực tiếp với họa sĩ. Nếu ai cũng đi mua trực tiếp với họa sĩ với giá rẻ như thế, thì làm gì còn thị trường tranh để mà đầu tư. Và tôi nghĩ như vậy là chưa “nhân văn trong thương nghiệp”.

* Những gallery nào cho ông niềm tin đó?

- Có nhiều gallery cho tôi niềm tin để mua tranh lắm, nhưng đa số tôi chỉ mua ở Bến Thành Art & Frame và Galerie Nguyen...

* Đa số họa sĩ và gallery tại Việt Nam không mua lại những gì mà mình đã bán, thường không đền bù nếu cung cấp tranh kém chất lượng, hàng giả. Theo ông, điều này có phải là một cản trở, gây mất niềm tin với giới sưu tập không?

- Gần như tôi không mua trực tiếp với họa sĩ nên chưa bao giờ gặp trường hợp như bạn hỏi. Tôi mua ở gallery thì khi muốn đổi hay trả gì đều được đáp ứng ngay - vì tôi là khách VIP hay toàn bộ khách đến đây đều được thế ! (Cười)

Tôi nghĩ, thực trạng mua tranh và mua rồi phát hiện ra tranh nhái, tranh in lên rồi vẽ, tranh kém chất lượng vẫn có thể xảy ra tại xưởng vẽ của họa sĩ, chứ không chỉ ở gallery. Nhưng nếu bạn là người am hiểu và biết chọn nơi uy tín để “chơi” thì bạn sẽ ung dung hạnh phúc với những gì bạn sở hữu.

Theo tôi, nếu tình trạng mua tranh rồi muốn bán lại không ai mua, kiểu như “tranh ta chẳng có giá trị về kinh tế hay về tài sản gì cả, mà chỉ là món hàng trang trí không hơn không kém”... mà kéo dài thì chắc không ai dám đầu tư tranh nữa.

* Còn có chuyện không ít  họa sĩ và gallery thấy kiểu vẽ nào bán được thì cứ thế làm phiên phiến, làm giông giống (kiểu nhân bản vô tính) để bán, gây nhàm mắt ?

- Trong mấy năm làm sưu tập, tôi nhận thấy đa số họa sĩ bây giờ hình như họ vẽ cho thị trường và chiều theo thị trường, chứ không phải vẽ cho bản thân mình. Vì vậy, tôi rất ủng hộ cuộc thi của The V Art và Galerie Nguyen trong việc tìm kiếm họa sĩ trẻ chuyên nghiệp, để họ vẽ những gì họ thích. Sau đó phòng tranh tài trợ sẽ đi cùng họa sĩ kiểm soát số lượng và chất lượng tranh, như thế  sẽ có thị trường thứ cấp và có thể đầu tư chuyên nghiệp được. Nhưng với điều kiện là họ kết hợp lâu dài chứ tôi nghĩ chỉ bó hẹp trong hợp đồng có 5 năm như cuộc thi đang làm thì chưa là gì hết. Vì họa sĩ vừa mới nổi tiếng, mà phòng tranh ngưng độc quyền hoặc có thể họa sĩ thấy nổi tiếng rồi thì tự ngưng độc quyền, thế thì cũng quay lại ban đầu là họa sĩ vẽ tự do.

Theo tôi, The V Art nên độc quyền 20 năm cho họa sĩ trẻ và 10 năm cho họa sĩ tên tuổi thì may ra mới có thể đầu tư được. Tất nhiên với điều kiện The V Art, hay bất kì phòng tranh nào muốn đi theo hướng “độc quyền” họa sĩ, tôi nghĩ cũng đều cần có tầm vóc, năng lực và tầm nhìn, tấm lòng với nghệ thuật, không đơn thuần là “độc quyền” - “dựng” lên một họa sĩ để rồi khai thác hoặc định hướng họa sĩ, như thế  làm giảm hay triệt tiêu sáng tạo - quyền năng tối cao của họ.

* Với kinh nghiệm về thị trường nói chung, ông nghĩ để giải quyết bài toán này dễ hay khó?

- Tôi nghĩ sẽ không khó! Chỉ cần các nhà sưu tập, họa sĩ và gallery chung tay làm việc chuyên nghiệp và hướng đến con đường lâu dài. Đừng nghĩ tới cái lợi trước mắt, và song hành đó còn là cái tâm, sự trung thực, hướng đến giá trị nhân văn.

* Xin cảm ơn ông.

The V Art cùng CLB Họa sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật TP.HCM) dưới sự tài trợ chính của Galerie Nguyen đang tổ chức cuộc thi “Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp - Vietart Today 2016” với  giải Nhất lên đến 2,6 tỷ đồng. Cách tính giải cho cuộc thi là ngoài 50% số điểm của BGK, còn có 50% số điểm từ phiếu chấm của nhà sưu tập. Cuộc thi Vietart Today 2016 sẽ trao giải ngày 26/2/2017 tại khách sạn Park Hyatt Sài Gòn. Chi tiết tham khảo tại website: http://thevart.com/vn
CÁC TÁC PHẨM DỰ THI “HỌA SĨ TRẺ CHUYÊN NGHIỆP - VIETART TODAY 2016”

1. Họa sĩ NGUYỄN VĂN BẢY
Tên tác phẩm: Ngáp ruồi - Chất liệu: Sơn dầu trên toan
Kích thước: 100 x 100cm - Năm sáng tác: 2016

Ảnh dự thi

2. Họa sĩ PHẠM ANH TUẤN
Tên tác phẩm: Trôi - Chất liệu:  Sơn dầu
Kích thước:  70 x 170cm - Năm sáng tác: 2016

Ảnh dự thi

3. Họa sĩ CẤN VĂN ÂN 
Tên tác phẩm: Hình và bóng 3 - Chất liệu: Sơn dầu trên bố
Kích thước: 100 x 200cm - Năm sáng tác: 2016

Ảnh dự thi

4. Họa sĩ NGUYỄN NGỌC LIÊM
Tên tác phẩm: Mỗi ngày - Chất liệu: Màu và mực trên giấy
Kích thước:  40 x 50cm - Năm sáng tác:  2016

Ảnh dự thi

5. Họa sĩ HỒ HUY HÙNG
Tên tác phẩm: Công xưởng II - Chất liệu: Sơn dầu trên toan
Kích thước: 90 x 110cm  - Năm sáng tác: 2016

Ảnh dự thi

6. Họa sĩ NGUYỄN ĐÌNH VŨ
Tên tác phẩm: No # 2  - Chất liệu:  Acrylic trên giấy báo, bố
Kích thước: 70 x 100cm - Năm sáng tác:  2015

Ảnh dự thi

7. Họa sĩ LÊ VÕ TUYỂN
Tên tác phẩm:  Dìu dắt 1 - Chất liệu:  Acrylic trên vải
Kích thước:  75 x 110cm - Năm sáng tác:  2016

Ảnh dự thi

8. Họa sĩ VÕ THÀNH THÂN
Tên tác phẩm:  Ám ảnh 2 - Chất liệu:  Sơn dầu trên toan 
Kích thước:  120 x 160cm - Năm sáng tác:  2015

Ảnh dự thi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyên nghiệp là hướng đến sự phát triển lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO