Chuyện nghề tảo mộ ngày Tết

Trương Thanh Liêm| 16/01/2020 06:41

Những ngày cận Tết, với hợp đồng có quy mô lớn và công việc kéo dài, nhóm người chuyên tảo mộ dựng cả những căn chòi “dã chiến” ngay tại phần mộ đã hợp đồng để công việc tiến hành thuận lợi hơn.

Chuyện nghề tảo mộ ngày Tết

Mỗi khi Tết đến Xuân về, hầu hết gia đình có người thân đã khuất đều tổ chức tảo mộ, xem đây là hành động nhân văn, lễ nghĩa của người sống với người chết. 

Nếu là mộ đất thì làm cỏ, trồng hoa, thắp hương cho sạch sẽ phần mộ; nếu là mộ xi măng, mộ đá thì thường quét vôi, sơn lại phần mộ và làm vệ sinh xung quanh kèm theo những lễ vật cúng vái như trái cây, bánh kẹo, nhang, đèn cầy, tiền vàng bạc… Công việc tảo mộ thường bắt đầu từ ngày 20-27 tháng Chạp.

Tuy nhiên, nhiều gia đình sinh sống, làm ăn ở xa, có khi đang định cư ở nước ngoài, không có điều kiện về quê tảo mộ cho người thân nên đăng ký thuê mướn nhóm người chuyên làm dịch vụ tảo mộ ngày Tết.

Ông Trần Trung Kiên - Việt kiều Pháp cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở nước ngoài, không có điều kiện tảo mộ ông bà ngày Tết nên hằng năm thuê người làm thay, bình quân giá trọn gói từ 3-5 triệu đồng/mộ tùy thuộc công việc làm cụ thể, rất tiện lợi cho cả đôi bên”.

Trong những ngày cuối năm giáp Tết, không khí lao động tảo mộ rất tất bật, nhang khói mịt mù, những ngôi mộ như mới hơn, sạch sẽ hơn, tươm tất hơn dưới bàn tay lao động của nhóm người chuyên tảo mộ.

Link bài viết

Ông Trần Văn Na, 60 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long kể: “Tui làm nghề này đã 30 năm. Nhìn thấy vậy, chớ không đơn giản, mình phải làm cẩn thận, chu đáo, nhiệt tình và luôn tỏ lòng thành kính với người đã mất để chủ gia yên lòng, có khi họ lại “lì xì” tiền nhiều hơn hợp đồng…”. 

Ông Na chia sẻ thêm, người tảo mộ phải rành rẽ các nghi thức cúng vái, có khi phải đọc mấy bài khấn cho gia chủ khi có yêu cầu, nắm bắt sơ bộ lai lịch người mất để chia sẻ nỗi mất mát với gia chủ trong khi làm việc. Nhóm của ông Na có 4 thành viên, năm nào cũng cật lực làm mới xong việc. 

Ông Lê Bá Tranh, ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, người đã có trên 40 năm làm nghề tảo mộ kể lại: “Nghề này không cực cho lắm, chủ yếu là sự cần mẫn, chu đáo, kỹ lưỡng, khó nhất là các điểm tảo mộ có địa hình phức tạp, không có đường giao thông vận chuyển vật tư nên phải khuân vác vật tư hay đợi nước lớn mới cho xuồng ghe vào tận nơi”.

Có một quy luật bất thành văn được xem là nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm nghề tảo mộ là họ sẵn sàng làm cỏ xung quanh và thắp hương cho những ngôi mộ lân cận không có người thân đến tảo mộ, chăm sóc ngày Tết và xem đây là đạo lý nhân văn của con người với con người.

Những ngày cận Tết, với những hợp đồng có quy mô lớn, công việc kéo dài, nhóm người chuyên tảo mộ còn dựng những căn chòi “dã chiến” ngay tại phần mộ đã hợp đồng để công việc tiến hành thuận lợi hơn. Đối với những nghĩa trang có số lượng phần mộ tương đối lớn, đội quân tảo mộ thường chia thành nhóm để hợp đồng với người thuê và thường thống nhất giá cả giữa các nhóm để tránh tình trạng mất an ninh trật tự và không xảy ra hiện tượng “phá giá”. 

Hiện nay, mỗi lao động tham gia công việc tảo mộ tại các nghĩa trang có thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày tùy thuộc nhiệm vụ được phân công. Đối với những nhóm tảo mộ nhỏ hợp đồng trực tiếp với chủ nhà tại đất gia đình thì mỗi lao động sẽ có nguồn thu cao hơn.

Nhiều người làm nghề này nói vui, đây là nghề vừa có nghĩa, vừa có tiền ăn Tết, nên luôn tỏ lòng thành kính với họ để họ phù hộ độ trì cho gia đình mình mạnh giỏi, hạnh phúc, làm ăn phát đạt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện nghề tảo mộ ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO