Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Ngành nào hưởng lợi?

NGỌC ANH| 27/09/2018 06:34

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Quan điểm này có sự thay đổi theo hướng lạc quan hơn so với các tháng trước.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Ngành nào hưởng lợi?

Các doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn cũng đứng trước cơ hội đẩy mạnh đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ - Ảnh: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Quý cuối cùng của năm 2018 là thời điểm để các chuyên gia phân tích đưa ra những dự đoán mới về triển vọng phát triển ngành nghề trong tương lai. Vậy đâu là các ngành sẽ được nhà đầu tư chọn lựa đặt cược?

Hiện tại, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Quan điểm này có sự thay đổi theo hướng lạc quan hơn so với các tháng trước. Cơ sở để HSC điều chỉnh dự đoán là vì các nhà sản xuất Bắc Á đang xem xét lại chiến lược ở Trung Quốc và có lẽ sẽ chuyển hướng sản xuất sang Việt Nam. Trong khi đó, những doanh nghiệp hiện hữu sẽ có thêm cơ hội kinh doanh, đặc biệt là từ thị trường Mỹ.

Cảng biển hưởng lợi

Hoạt động xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực, sản lượng hàng hóa qua các cảng của Việt Nam tiếp tục tăng, đây là cơ sở cho những dự báo lạc quan về hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng, logistics.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giúp đẩy mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 đã tăng, đạt 24,35 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành những quốc gia đi đầu trong rót vốn đầu tư vào Việt Nam, chiếm 50% nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam.

Như vậy, các nhà sản xuất ở Đông Bắc Á đang dành nhiều quan tâm đến Việt Nam. Do đó, Công ty CP Chứng khoán KIS cho rằng, sản lượng hàng hóa qua cảng Việt Nam dự kiến tăng 10 - 13%/năm, nhờ những hoạt động xuất/nhập khẩu, nhờ tác động tích cực mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại và nhờ khu vực FDI.  Trước mắt, theo Cục Hàng hải Việt Nam, trong nửa đầu năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển ghi nhận chỉ số tăng trưởng tích cực, với 254,8 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ.

Link bài viết

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) và Gemadept (GMD) được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ công suất sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng lên. VSC hiện là doanh nghiệp khai thác cảng tư nhân cho lợi nhuận tốt nhất tại khu vực Hải Phòng - nơi góp 20% tổng sản lượng hàng hóa qua cảng của Việt Nam và luôn duy trì tăng trưởng hàng hóa container gần 15%/năm suốt 5 năm qua.

VSC giữ thị phần cả nước khoảng 7% và đang vận hành 2 cảng container ở Hải Phòng (cảng VIP Green với công suất 500.000 TEU và cảng Green với công suất 350.000 TEU). Các cảng của VSC chủ yếu tiếp nhận hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu thô cho các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI như máy móc, dệt may, giày dép và nhựa.

6 tháng đầu năm nay, số tàu qua các cảng của VSC đã tăng 35% so với cùng kỳ, còn sản lượng hàng hóa tiếp nhận tăng 37%. KIS nhận định, đây là những mức tăng trưởng ấn tượng. Ngoài ra, nhờ tăng được giá dịch vụ và nâng công suất hoạt động của VIP Green mà VSC đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng.

Theo báo cáo tài chính bán niên, nửa đầu năm 2018, VSC đạt doanh thu thuần gần 800 tỷ đồng, tăng 31%, còn lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Trong năm 2018, HSC dự báo VSC sẽ tăng đáng kể doanh thu, lợi nhuận sau thuế, ở mức 25 - 27% nhờ các lợi thế và triển vọng ngành.

Bức tranh ngành cảng biển sẽ còn khởi sắc nhờ xuất nhập khẩu tăng - Ảnh: H. Dũng

Bức tranh ngành cảng biển sẽ còn khởi sắc nhờ xuất nhập khẩu tăng. Ảnh: H. Dũng

Còn GMD, với vị thế đứng đầu, nắm 10% thị phần ngành khai thác cảng biển cũng hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ. GMD hiện vận hành 4 cảng container, 1 ICD và 1 cảng hàng rời tại tất cả khu vực kinh tế quan trọng dọc 3 miền Bắc, Trung và Nam. Các cảng của GMD cũng chủ yếu tiếp nhận hàng nhập khẩu tư liệu sản xuất và vật liệu thô cho doanh nghiệp ngoài IT, thuộc khối FDI. GMD có tổng công suất là 2,1 triệu TEU/năm và 2,5 triệu tấn/năm.

Công suất này sẽ còn tăng nhờ những hoạt động đầu tư mở rộng ở cảng Nam Đình Vũ. Theo báo cáo của Maybank Kim Eng (MBKE), việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án Nam Đình Vũ hứa hẹn đảm bảo tăng trưởng cho GMD trong 3 năm tới. Bức tranh cảng biển GMD còn khởi sắc nhờ cảng Cái Mép, nơi Gemadept ghi nhận tỷ suất sử dụng của cảng lên đến 87% năm 2017. Cảng Cái Mép là nơi Gemadept đặt dự án cảng Gemalink, vị trí được kỳ vọng cạnh tranh với Tân Cảng Cái Mép.

Tiềm năng ở GMD đã được ghi nhận qua tăng trưởng doanh thu trung bình 20%/năm trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, GMD là công ty duy nhất cung cấp toàn bộ dịch vụ logistic. GMD cũng sở hữu 32,56% tại Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS). MBKE cho rằng, lợi nhuận ước tính từ mảng logistics của GMD, bắt đầu ghi nhận từ liên doanh kể từ năm 2018 sẽ tăng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2022 và đến năm 2022 sẽ đóng góp 17% tổng lợi nhuận hoạt động chính của Gemadept.

Vận chuyển hàng không được đà tăng trưởng

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng giúp ngành dịch vụ hàng hóa hàng không được thể "té nước theo mưa". Như đã biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tập trung chủ yếu vào các sản phẩm công nghệ với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa 2 quốc gia. Theo HSC, điều này mở ra cơ hội cho Việt Nam để gia tăng sản xuất và lắp ráp các sản phẩm công nghệ.

Link bài viết

Điều đáng nói là thành phần sản xuất và lắp ráp công nghệ đều phải vận chuyển bằng đường hàng không. Vì thế, sản lượng hàng hóa qua cảng hàng không cũng đã tăng nhanh, với mức 14,2%/năm giai đoạn 2011 - 2017. Sắp tới, theo quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng 2030, tăng trưởng ngành dịch vụ hàng không dự báo sẽ ở mức 17%/năm, từ nay đến 2020. Đây chính là cơ hội để cho các công ty cung cấp dịch vụ hàng hóa hàng không như  SCS, Dịch vụ hàng hóa Nội bài (NCT), Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS)... phát triển.

SCS hiện là công ty dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không cho lợi nhuận tốt nhất tại Việt Nam và nắm thị phần khoảng 14%. Công ty vận hành ga hàng hóa hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích 14 ha, cho công suất 200.000 tấn/năm.

Công suất này sẽ còn tăng lên 350.000 tấn/năm nhờ SCS đang có những hoạt động đầu tư mở rộng. Nếu nâng công suất thành công, SCS sẽ có công suất ngang với TCS. Nhưng trong khi TCS đã hoạt động vượt quá công suất thì SCS vẫn còn dưới công suất thiết kế. Đây sẽ là cơ hội để SCS xử lý số lượng hàng hóa tăng lên trong tương lai.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá cao SCS còn vì hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Năm 2017, ROE của SCS đạt tới gần 41%. Cùng với đó, SCS biết cách quản lý chặt chẽ giúp tiết giảm chi phí cũng như có bảng cân đối kế toán rất khỏe mạnh. Trong năm 2018, HSC dự báo doanh thu của SCS sẽ tăng 24% và lợi nhuận ròng tăng 26%. Các mức tăng trưởng này sẽ còn duy trì ở mức cao trong những năm sau.

bd10-4289-1537800953.jpg

Khu công nghiệp tăng nhiệt

Nhiều công ty nước ngoài đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để hưởng lợi về giá nhân công, "né" các đòn đánh thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm vào hàng hóa Trung Quốc, và cũng có thể hưởng lợi từ các chính sách "khuyến khích" thương mại phát triển của Bắc Kinh, gần đây nhất là tuyên bố xem xét giảm thuế nhập khẩu với nhiều đối tác thương mại. Điều này đã tác động đáng kể đến dòng vốn FDI vào Việt Nam, từ đó tạo nguồn cầu lớn cho các khu công nghiệp.

Các khu công nghiệp được dự báo sẽ được lợi trong trung đến dài hạn khi dòng vốn FDI tăng lên và ngày càng nhiều công ty di dời đến Việt Nam. Trong đó, vốn FDI vẫn tích cực rót vào 3 tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Vì thế những gương mặt sáng giá trong ngành này, theo HSC, phải kể đến Công ty Phát triển Khu đô thị Kinh Bắc (KBC) và Viglacera (VGC).

chien tranh thuong mai my trung khu cong nghiep doanhnhansaigon

Vốn FDI tiếp tục đổ vào sản xuất, tạo nguồn cầu lớn cho các khu công nghiệp. Ảnh: H.Dũng

KBC nổi tiếng là doanh nghiệp sở hữu các khu công nghiệp phía Bắc rộng khắp. Quan trọng hơn, phần lớn diện tích đã được các công ty công nghệ cao như LG, Samwang Co ltd và Rinnai... lấp đầy. Lợi thế cho KBC còn là có kinh nghiệm lâu năm trong ngành, có mối quan hệ đối tác với nhiều nhà sản xuất công nghệ cao.

KBC lại đang xin phê duyệt cho khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn 3, với tổng diện tích 687ha tại Hải Phòng. Ngoài ra, KBC đang có những thương vụ đầu tư mới ở khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh. Đây sẽ là những động lực tăng doanh thu, lợi nhuận trung dài hạn cho KBC.

BVSC cho rằng, ngoài mảng kinh doanh khu công nghiệp, KBC sẽ còn kinh doanh tích cực nhờ mảng kinh doanh khu đô thị, cụ thể là dự án Phúc Ninh, dự kiến đóng góp đáng kể doanh thu, lợi nhuận cho KBC trong 3 năm tới. Trong năm 2018, BVSC dự báo, KBC có thể tăng doanh thu gấp đôi nhờ khu công nghiệp Quang Châu, Quế Võ và dự án Phúc Ninh. Riêng lãi ròng năm 2018 của KBC được BVSC ước lượng tăng 27%.

Đối với VGC, đây là Tập đoàn chuyên về vật liệu xây dựng và cũng là doanh nghiệp lớn trong phát triển khu công nghiệp. VGC hiện cho thuê một số khu công nghiệp như Đồng Văn IV (20ha), Yên Phong 2 (25ha), Yên Phong 1 (7,5ha). Tuy nhiên, mảng khu công nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thu hút thêm khách hàng và VGC chấp nhận lợi nhuận thấp, chào giá ưu đãi. Samsung hiện là một trong những khách hàng lớn của VGC.

Ngoài ra, các nhà sản xuất, đối tác, những công ty vệ tinh của Samsung cũng đang dịch chuyển dần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây sẽ là lợi thế cho mảng phát triển khu công nghiệp của VGC. Cuối năm nay, HSC dự báo VGC có thể đạt tăng trưởng nhẹ về lợi nhuận ròng, EPS. Nhưng sức bật cho VGC sẽ tăng đáng kể từ năm 2019.

Ngành may mặc trước cơ hội giành thêm đơn hàng

Ngành may mặc các nước có thể giành thêm nhiều đơn hàng từ tay Trung Quốc khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Cụ thể, theo BVSC, các nước có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực may mặc như Việt Nam, Bangladesh, Campuchia... có thể tận dụng cơ hội từ cuộc chiến này.

Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng may mặc nhập khẩu lớn nhất thế giới, với một nửa tiêu dùng hàng may mặc tại Mỹ là có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhưng với thất thế của Trung Quốc ở Mỹ, Vinatex cho rằng, 20 mặt hàng dệt may Việt Nam có thể tăng cơ hội xuất khẩu vào Mỹ. Đó là các loại thảm, sợi PE đơn có độ giãn cao, xơ viscose rayon, vải dệt kim, vải canvas...

Ngành may mặc có cơ hội giành thêm đơn hàng nếu thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang - Ảnh: Q.Hòa

Ngành may mặc có cơ hội giành thêm đơn hàng nếu thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Ảnh: Q.Hòa

Trên thực tế, nhiều năm qua, Mỹ đã là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, đạt 12,8 tỷ USD năm 2017, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Bây giờ, khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, hàng dệt may Việt Nam càng có cơ hội hưởng lợi.

Theo BVSC, dệt may Việt Nam có thể tận dụng giá CNY giảm mạnh so với USD để nhập vải, các nguyên phụ liệu may mặc, tạo giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, thuế suất áp cho Việt Nam thấp hơn Trung Quốc sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể lấy thêm thị phần từ tay Trung Quốc nhờ giá cạnh tranh hơn.

Trong số các công ty may mặc đã niêm yết, HSC cho rằng, Sợi Thế Kỷ (STK) hấp dẫn hơn cả. Bởi STK tập trung vào ngành may mặc là chính yếu và đạt triển vọng phát triển tốt hơn. STK hiện là công ty sản xuất sợi polyester filament lớn thứ hai tại Việt Nam với 28% thị phần, sau Formosa với 41% thị phần. Hiện tại, STK có 5 nhà máy sợi với tổng công suất là 60.000 tấn/năm. Trong 3 năm tới (2018 - 2020), HSC ước lượng tốc độ tăng trung bình về doanh thu của STK là 13%/năm, còn tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của STK là 27%/năm.

Rộng cửa cho xuất khẩu thủy sản

Theo HSC, các công ty trong ngành thủy sản Việt Nam có thể được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Trong đó, có vẻ cơ hội rộng mở hơn với xuất khẩu cá da trơn.

Theo thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) tháng 7/2018, giá trị xuất khẩu sang Mỹ đã đạt mức cao nhất (cao hơn giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc), gần 58,5 triệu USD, chiếm 30% tổng xuất khẩu cá tra. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tận dụng giành thị phần với sản phẩm cá rô phi tại thị trường Mỹ.

VASEP dự báo, nếu chương trình thanh tra cá da trơn sắp tới không làm ảnh hưởng và xáo trộn hoạt động xuất khẩu cá tra sang Mỹ thì mức tăng trưởng này còn tiếp tục duy trì. Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam vẫn đang tiếp tục kiên trì bám trụ tại Mỹ.

Trong số các công ty thủy sản, Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ lớn nhất của Việt Nam. Công ty đóng góp khoảng 35% tổng khối lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ và chiếm 40% về giá trị xuất khẩu. Các nhà máy của VHC (không bao gồm Vạn Đức Tiền Giang) hiện có công suất tối đa là 616 tấn cá nguyên liệu/ngày. Công ty đã không phải chịu thuế đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ trong nhiều năm sau khi đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trong 3 năm tới (2018 - 2020), HSC dự báo VHC sẽ tăng doanh thu với tốc độ trung bình năm là 7,1% và lãi ròng là 7%.

Ở  các  ngành  hàng  như  lắp  ráp  đồ  điện  tử,  các  loại  chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất..., theo BVSC, Việt Nam có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn FDI vào các ngành hàng này, qua đó tạo thêm việc làm, tăng  xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng  Trung Quốc "mượn" Việt Nam như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang: Ngành nào hưởng lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO