Câu chuyện TCM

NGUYỄN QUÂN| 14/05/2010 09:21

Kinh doanh yếu kém trong thời gian qua, cùng với việc đối tác chiến lược E-land S liên tục tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu và đưa thêm người vào HĐQT, liệu TCM Group có bị đối tác E-land thâu tóm?

Câu chuyện TCM

Kinh doanh yếu kém trong thời gian qua, cùng với việc đối tác chiến lược E-land Asia Holdings PTE LTD - Singapore (E-land), thuộc Tập đoàn E-land của Hàn Quốc, liên tục tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM Group), đồng thời đưa thêm người vào HĐQT, nhiều cổ đông đặt câu hỏi liệu TCM Group có bị đối tác E-land thâu tóm?

Khó khăn, bán cổ phiếu cho đối tác

Vốn là một doanh nghiệp nhà nước, với bề dày kinh nghiệm hơn 30 năm, TCM Group được biết đến là một trong những doanh nghiệp dệt may hàng đầu Việt Nam. Tháng 7/2006, TCM chuyển thành công ty cổ phần. Hơn một năm sau đó, TCM Group chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Khi ấy, nhiều nhà đầu tư và cổ đông đặt niềm tin vào sự thành công về hướng đi mới của TCM Group. Do vậy, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, mã cổ phiếu TCM của TCM Group đã khớp lệnh ở mức giá 54.000 đồng/CP, tăng hết biên độ cho phép 20% so với giá dự kiến niêm yết (45.000 đồng) và tăng liên tục lên mức 111.000 đồng/CP (6/11/2007).

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra, như một liều thuốc thử về hướng đi mới của TCM Group sau khi cổ phần hóa. Chính việc sa đà vào những lĩnh vực không chuyên sâu dẫn đến kết quả kinh doanh của TCM Group năm 2008 suy giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế năm 2008 của toàn công ty chỉ đạt 5 tỷ đồng, tương đương 6,2% so với kế hoạch đề ra.

Ngày 18/3/2009, HĐQT của TCM Group ký hợp đồng phát hành hơn 10,3 triệu CP cho đối tác chiến lược E-land với mức giá 10.000 đồng/CP. Ngày 9/11/2009, TCM tiếp tục phát hành thêm 6 triệu CP cho E-land. Với hai đợt phát hành này, TCM đã tăng vốn điều lệ từ 241,8 tỷ đồng lên 434,3 tỷ đồng, tương đương 37,67% vốn điều lệ. Đây cũng là tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu TCM Group của E-land đến thời điểm hiện tại.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của TCM Group diễn ra mới đây, ông Đinh Công Hùng, Chủ tịch HĐQT TCM Group cho rằng, sở dĩ có phương án phát hành này vì thời điểm đó công ty gặp nhiều khó khăn về vốn, do kết quả kinh doanh năm 2008 không đạt chỉ tiêu, cổ phiếu TCM có lúc rớt chỉ còn 6.000 đồng/CP, bán cho cổ đông hiện hữu không ai mua, may mà có E-land đứng ra mua bằng mệnh giá.

Tuy vậy, không ít cổ đông cho rằng mức giá 10.000 đồng/CP bán cho E-land là quá rẻ. TCM Group sở hữu nhiều mặt bằng đẹp, nhiều dự án bất động sản, qua đó, E-land sẽ không tốn nhiều công sức để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thương hiệu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, đội ngũ công nhân lành nghề...

Nguy cơ bị thâu tóm?

Khi hợp tác với E-land, lãnh đạo TCM Group lúc bấy giờ kỳ vọng năng lực quản lý, thương hiệu, tiềm lực tài chính vững chắc của E-land sẽ giúp TCM Group cấu trúc lại hoạt động. Với mảng sợi của TCM Group, E-land sẽ mang về nhiều hợp đồng từ nước ngoài. Ở mảng dệt và đan, E-land sẽ phát triển mạng lưới khách hàng mới tại Hàn Quốc, đồng thời cải tiến chất lượng sản phẩm, phát triển năng lực thiết kế theo công thức bản địa hóa các mẫu của họ. Cách làm này của E-land khá thành công khi áp dụng vào các quốc gia khác.

Tuy nhiên, sau gần một năm E-land trở thành đối tác chiến lược, tình hình sản xuất kinh doanh chính của TCM Group vẫn chưa thật sự thoát khỏi khó khăn. Lợi nhuận chính của TCM Group năm 2009 lỗ 14 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận hơn 45,2 tỷ đồng (đã kiểm toán) có được chủ yếu phát sinh từ chênh lệch tỷ giá hơn 66 tỷ đồng.

Sau khi trừ các khoản theo quy định của pháp luật và thành lập quỹ theo nghị quyết của HĐQT năm 2009, TCM Group không còn nguồn để trả 5% cổ tức năm 2009 còn lại cho cổ đông. Thay vào đó, TCM Group sẽ trả 3% cổ tức cho cổ đông từ nguồn quỹ đầu tư phát triển.

Về vấn đề quản trị tài chính, theo kế hoạch, toàn bộ số tiền thu được từ hai đợt phát hành cổ phiếu cho E-land sẽ được bổ sung vào nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh như những gì lãnh đạo TCM Group cho biết trước đó. Thế nhưng, sau khi E-land thanh toán tiền mua cổ phiếu, TCM Group lại đem gửi ngân hàng.

Tính đến đầu năm 2010, số dư tiền gửi của TCM Group tại ngân hàng trên 133 tỷ đồng, tăng 71 tỷ đồng so với năm 2008. Trong khi đó, TCM Group lại đang nợ ngân hàng hơn 887 tỷ đồng (theo tài liệu tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2010 của TCM Group).

Với kết quả kinh doanh năm 2009, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông TCM Group năm 2010 diễn ra giữa tháng Tư vừa qua, nhiều cổ đông bày tỏ sự nghi ngờ vào khả năng lèo lái TCM Group của E-land. Không ít cổ đông khác lo ngại về sự thôn tính của cổ đông nước ngoài tại TCM Group khi E-land muốn đưa thêm hai đại diện nữa vào HĐQT (4 trong số 7 thành viên HĐQT hiện tại là người của E-land), nhưng việc bầu bổ sung này không hề thông báo trước trong các tờ trình của đại hội.

Ngay Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đang nắm giữ 11,71% vốn tại TCM Group cũng không hay biết chuyện này, và đặt nghi vấn phải chăng E-land muốn qua mặt các cổ đông trong nước để giành quyền quản trị tại TCM Group. Bên lề đại hội, một số cổ đông đã bàn tán về việc mới đây Công ty TNHH E-Land Việt Nam, liên quan đến ông Kim Jung Heon, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc TCM Group, đã mua 150.000CP TCM.

Ngoài ra, từ ngày 16/4 - 16/6, E-land Asia, liên quan đến ông Lee Eun Hong, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc TCM Group, tiếp tục đăng ký mua thêm 1,3 triệu CP TCM, nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của mình từ 37,67% lên 40,67% tại TCM Group.

Trong khi đó Vinatex, Chủ tịch HĐQT cũng như một số cán bộ của TCM Group liên tục bán bớt cổ phần. Do đó, nguy cơ TCM Group bị thâu tóm ngày càng hiển hiện rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện TCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO