Các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất khắp nơi, bây giờ họ đang đổ dồn về Việt Nam

Hồng Nga| 19/11/2020 06:09

Đó là khẳng định của ông Chad Ovel - Chủ tịch AmCham Việt Nam (TP.HCM và Đà Nẵng) tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2020 vừa tổ chức ngày 18/11/2020 tại TP.HCM. Theo ông Chad Ovel, trong lúc thế giới vẫn đang thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại, Việt Nam trở thành lựa chọn tốt nhất cho các doanh nghiệp Mỹ...

Các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất khắp nơi, bây giờ họ đang đổ dồn về Việt Nam

Tăng thu hút đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn. Tính lũy kế đến tháng 9/2020, Mỹ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.063 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,4 tỷ USD.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Chad Ovel đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam và muốn kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào chuỗi cung ứng sản xuất, hỗ trợ nâng cao hàm lượng nội địa tại Việt Nam. 

“Việt Nam trở thành lựa chọn tốt nhất cho các doanh nghiệp. Các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất khắp nơi và bây giờ họ đang đổ dồn về Việt Nam. Trong lúc thế giới vẫn đang thực hiện giãn cách, hạn chế đi lại, Việt Nam cần chuẩn bị kỹ để đón dòng vốn trong lĩnh vực này”, ông Chad Ovel khẳng định.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thông tin những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua đã thúc đẩy các công ty lớn, trong đó có nhiều tập đoàn của Mỹ quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Việt Nam. Mục đích nhằm phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục. Nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong chuyến gặp gỡ 45 doanh nghiệp Mỹ xúc tiến đầu tư vào Việt Nam hồi tháng 4/2020, ông Alex Feldman - Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC) cũng nhìn nhận Việt Nam là một điểm sáng về đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vài năm trở lại đây, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Mỹ. Đã có nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc qua bên thứ 3.

Cùng nhận định này, ông Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cũng cho rằng Việt Nam đang được xem là điểm đến rất năng động về kinh tế. Môi trường đầu tư ở Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong năm năm qua nhờ nỗ lực của Chính phủ thúc đẩy đầu tư tư nhân. 

dien-dan-7357-1605689736.jpg

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao

Khai phá thị trường lớn

Với mục tiêu hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam thông qua 13 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, có liên kết kinh tế với gần 60 nền kinh tế khắp các châu lục, tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Việt Nam đã trở thành một phần không tách rời của mạng lưới thương mại tự do toàn cầu và trở thành thị trường năng động, hấp dẫn.

Riêng với thị trường Mỹ, kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực năm 2001, thương mại 2 chiều giữa hai nước tăng trưởng bình quân 12-16% mỗi năm. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của nước này.

Tham dự Diễn đàn, phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm dẫn chứng hiện trên địa bàn Thành phố có 131 văn phòng đại diện của thương nhân Mỹ đang hoạt động khá hiệu quả. Đây cũng chính là cầu nối quan trọng trong các hoạt động xúc tiến xuất nhập khẩu giữa hai nước, đặc biệt với các lĩnh vực đồ gỗ, trang trí nội thất, sản phẩm may mặc, cà phê, hạt điều, dược phẩm, hóa chất, nguyên vật liệu, thực phẩm...

Hiện Thành phố đang đẩy mạnh hợp tác với Mỹ, mà cụ thể là 3 đề án lớn về đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông và trung tâm tài chính quốc tế. Cùng với đó, Thành phố cũng mời gọi các doanh nghiệp Mỹ tham gia hiện thực hoá tầm nhìn, đưa Thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực. 

dien-dan-12-7272-1605689736.jpg

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cùng ông Chad Ovel, Chủ tịch AmCham Việt Nam  (TP.HCM và Đà Nẵng) xem các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Theo các chuyên gia, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ có được là nhờ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã nỗ lực phối hợp, giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề thương mại ưu tiên, bao gồm việc mở cửa thị trường cho nông sản, hàng công nghiệp, hàng hóa và dịch vụ công nghệ thông tin của nhau, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy ký kết nhiều dự án, hợp đồng thương mại lớn.

Dù vậy, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao. 

Ngoài ra, theo ông, Việt Nam - Hoa Kỳ cũng đang triển khai có hiệu quả hoạt động hợp tác thông qua cơ chế đối thoại của Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) để xử lý các vấn đề tồn tại trên tinh thần hợp tác, xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế, Mỹ nghiên cứu, khuyến khích các doanh nghiệp thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, kết nối thị trường hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các công ty Mỹ có cơ sở sản xuất khắp nơi, bây giờ họ đang đổ dồn về Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO