Bán lẻ tại Việt Nam: Vào cuộc đua mới

Hồng Nga - Minh Hào| 18/05/2021 09:00

Không ồ ạt, dồn dập nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tiếp rót vốn nhằm chiếm lĩnh thị trường, buộc doanh nghiệp nội phải thay đổi, cải thiện hoạt động, mở rộng mạng lưới...

Sieu-thi-5-7465-1620722407.jpg

Bán lẻ tại Việt Nam: "Mỏ vàng" được tiếp tục khai thác

Với vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu, thị trường bán lẻ việt nam vẫn đầy tiềm năng, là "mỏ vàng" để các doanh nghiệp (DN) tiếp tục khai thác.

Doanh nghiệp ngoại tăng tốc

Cuối tháng 4/2021, Tập đoàn Central Retail Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Retail Thái Lan) đã khai trương trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! với vốn đầu tư 540 tỷ đồng tại thành phố Thái Nguyên. Đây là đại siêu thị lớn nhất (36.000m2) và hiện đại nhất từ trước đến nay, là bước đầu tiên trong chiến lược mở rộng hệ thống phân phối của tập đoàn này trong năm nay. Ông Christian Olofsson - Giám đốc Khối bất động sản Central Retail tại Việt Nam cho biết, mặc dù chưa hoàn thiện 100% gian hàng, hạng mục của trung tâm thương mại, tuy nhiên hằng ngày trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! Thái Nguyên đã thu hút khoảng 12.700 lượt khách, dịp cuối tuần đón khoảng 14.120 lượt khách/ngày tới tham quan, mua sắm và sử dụng các dịch vụ.

Đây được xem là mở màn cho chiến lược mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong năm nay của nhà đầu tư Central Retail. Công bố hồi đầu tháng 4 vừa rồi, ông Philippe Broianigo - Tổng giám đốc Central Retail Việt Nam cho biết, trong 5 năm tới, Central Retail sẽ đầu tư 35 tỷ bath (1,1 tỷ USD) để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Với số tiền hơn 1 tỷ USD, trong 5 năm tới, Central Retail sẽ tập trung phát triển đa ngành, đa nền tảng để gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, đồng thời xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm, phi thực phẩm và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng. "Năm 2021, chúng tôi dự kiến giải ngân khoản đầu tư khoảng 6,6 tỷ bath (211 triệu USD) để mở 4 trung tâm thương mại và đại siêu thị GO! tại Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Bình, Lào Cai và một siêu thị mini GO! ở Tây Ninh. Bên cạnh đó, Central Retail sẽ tiến hành chuyển đổi 8 đại siêu thị Big C thành đại siêu thị GO! và chuyển đổi 7 siêu thị Big C thành siêu thị Tops Market", ông Philippe Broianigo cho biết.

Đặt kỳ vọng lớn vào thị trường bán lẻ hiện đại đang tăng trưởng của Việt Nam, cũng trong tháng 4/2021, SK Group - một tập đoàn của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông và dịch vụ cũng đã chi đến  410 triệu USD mua 16,26% cổ phần của VinCommerce. Theo ông Woncheol Park - đại diện của SK South East Asia Investment (một công ty thành viên của SK Group), VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Deloitte, năm 2020, Việt Nam được xem là hiện tượng tăng trưởng vượt bậc trong ngành bán lẻ tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng là thị trường xếp thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong nhiều năm trở lại đây.

Các nhà đầu tư cho rằng, thị trường gần 100 triệu dân với đa phần dân số trẻ là thị trường rộng lớn để DN có thể khai thác. Thêm vào đó, thị trường bán lẻ của Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác ở các thành phố lớn và vẫn đang "bỏ ngỏ" thị trường nông thôn. Bên cạnh đó, lực đẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết trong thời gian qua cũng giúp thị trường trong nước trở nên sôi động hơn. 

Doanh nghiệp nội bám đuổi

Trong khi nhiều nhà đầu tư mở rộng chuỗi phân phối, các DN trong nước cũng nỗ lực bám đuổi để giữ thị phần. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2020, doanh thu của chuỗi bán lẻ thuộc Saigon Co.op chỉ đạt 33.000 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Để có thể giữ thị phần, trong năm 2021, Saigon Co.op tập trung hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình hiện hữu, tăng cường số lượng và chất lượng các dịch vụ phục vụ khách hàng. Cụ thể, trong năm nay mở thêm 136 điểm bán, mở rộng độ phủ lên 44/63 tỉnh thành. Đến năm 2025, mạng lưới phân phối của Saigon Co.op phải tối thiểu đạt 2.000 điểm bán. 

Sieu-thi-4-4126-1620722408.jpg

Cùng với việc đầu tư mở rộng hệ thống, Saigon Co.op tập trung hoàn thiện chuỗi logistics, nâng cấp dịch vụ, đa dạng hình thức thanh toán không tiền mặt, phát hành thêm nhiều hình thức thanh toán tiện lợi, phù hợp với xu hướng không tiền mặt. Mới đây, đơn vị này cũng đã ký kết hợp tác ba bên với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) và Báo Sài Gòn Giải Phóng để hỗ trợ vốn cho DN cung ứng hàng hóa cho hệ thống Saigon Co.op mở rộng sản xuất, phát triển thị phần và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn, Saigon Co.op cũng xây dựng chính sách kích cầu sản phẩm của các nhà cung cấp thông qua việc tổ chức chương trình khuyến mãi, tặng quà, ưu tiên vị trí trưng bày tại siêu thị... "Qua chương trình hỗ trợ vốn, thương hiệu, thị phần cho nhà cung cấp, Saigon Co.op mong muốn các bên cùng gìn giữ và tăng thị phần cho hàng Việt bằng những giải pháp khác biệt", ông Nguyễn Anh Đức nói.

Một thương hiệu bán lẻ nội khác là VinMart cũng thay đổi chuỗi bán lẻ theo hướng "mới toàn bộ từ danh mục hàng hóa, chất lượng dịch vụ, chính sách giá và cả nhận diện thương hiệu". Chia sẻ tại đại hội cổ đông diễn ra hồi đầu tháng 4 vừa qua, ông Danny Le - Tổng giám đốc Masan Group cho biết, một trong những mục tiêu mà chuỗi VinMart và VinMart+ phải đạt được trong năm nay là thử nghiệm nhượng quyền và phát triển các dịch vụ tài chính. Theo đó, mục tiêu của tập đoàn là triển khai dịch vụ tài chính tại 1.800 cửa hàng.

Với hình thức nhượng quyền thương hiệu VinMart+, thương hiệu bán lẻ này đặt mục tiêu sẽ tự phát triển và vận hành 10.000 cửa hàng, 20.000 cửa hàng khác sẽ được mở bằng cách hợp tác nhượng quyền với những tiệm tạp hóa gia đình. Mục tiêu đến năm 2025, VinCommerce - công ty mẹ của chuỗi siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ sẽ có 30.000 cửa hàng, phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng. Nhưng trước mắt, "VinCommerce đặt kế hoạch tiếp tục củng cố nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại, ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược, trực tiếp tìm nguồn hàng tươi sống, triển khai mô hình cửa hàng kiểu mẫu trên quy mô toàn quốc trước quý II/2021 và nâng cấp mô hình cung ứng hàng tự động", đại diện Masan Group cho biết.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thời gian qua, nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam. Mặc dù các tập đoàn bán lẻ nước ngoài như Central Group, Aeon... đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng các nhà bán lẻ trong nước như Saigon Co.op, VinCommerce... vẫn đủ năng lực để cạnh tranh và khẳng định vị thế.

Bài 2: Cơ hội cho những "tay đua" am tường thị trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán lẻ tại Việt Nam: Vào cuộc đua mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO