Bài toán ngân sách và nợ công

PGS-TS. Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân| 16/01/2020 06:00

Bất chấp nhiều biến động bất thường của kinh tế thế giới, Việt Nam tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra trong năm 2019. Tuy nhiên, chính sách tài khóa còn tiềm ẩn sự thiếu chắc chắn.

Bài toán ngân sách và nợ công

Thu ngân sách chỉ vừa đủ

Tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Lạm phát bình quân cả năm 2019 ước tính dưới mức 3,5%, thấp hơn so với mức mục tiêu 4%. Thị trường tiền tệ, vốn và tỷ giá đều có sự ổn định và nằm trong tầm kiểm soát. Thâm hụt ngân sách và nợ công có sự cải thiện nhất định.

Tuy nhiên, những thành công kể trên đang dựa trên một nền tảng vĩ mô còn thiếu chắc chắn và tiềm ẩn rủi ro. Một trong những vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay nằm ở chính sách tài khóa. Thu ngân sách còn dựa vào những nguồn thu ngắn hạn như bán tài sản, trong khi thu từ hoạt động thương mại quốc tế giảm nhanh do quá trình hội nhập. Thu ngân sách chỉ đủ hoặc dư không đáng kể sau khi thực hiện tiêu dùng của Nhà nước. Chính phủ phải vay nợ nếu muốn thực hiện đầu tư phát triển. 

Đặc biệt, khối tài sản nhà nước ngày càng giảm thông qua bán vốn doanh nghiệp nhà nước hoặc bán các tài sản nhà nước khác nhưng thâm hụt ngân sách lại không thu hẹp được nhiều. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó cải thiện được khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế, phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và chi trả nợ công của Chính phủ.

Link bài viết

Mặc dù thu cân đối ngân sách có mức tăng đáng kể, vượt khoảng 8% so với dự toán năm 2018 và khoảng 3,3% trong năm 2019, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho chi tiêu ngân sách. Số liệu ước tính từ Bộ Tài chính cho thấy, mức thâm hụt ngân sách của năm 2018 khoảng 3,46% GDP, còn năm 2019 là khoảng 3,4% GDP. Mức thâm hụt đã giảm đôi chút, nhưng nhìn chung cấu trúc ngân sách nhà nước chưa có cải thiện nhiều so với những năm trước. Phần lớn sự thay đổi thâm hụt ngân sách trong hai năm qua so với giai đoạn trước đó là do việc thay đổi cách hạch toán (không tính chi trả nợ gốc). Cơ cấu chi không có sự cải thiện khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (dưới 30%), và nhu cầu chi tiêu vượt xa so với khả năng thu. Nếu điều này không được cải thiện thì việc đưa ra những sắc thuế mới hoặc tăng các sắc thuế cũ nhiều khả năng sẽ không thể tránh khỏi trong thời gian tới.

Tỷ lệ thu ngân sách/GDP giảm khá mạnh, còn khoảng 24% trong năm 2019. Điều này đến từ các nguyên nhân như: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do khiến nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm; tư nhân hóa nhiều dịch vụ công và tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là phụ thuộc vào một số nguồn thu mang tính ngắn hạn như bán tài sản (nhà đất và doanh nghiệp nhà nước). 

Gánh nặng nợ công

Sau khi đạt đỉnh vào năm 2016 (63,7%), tỷ lệ nợ công/GDP đang có xu hướng giảm trong ba năm kế tiếp, còn 58,4% trong năm 2018 và dự kiến 56,1% trong năm 2019. Điều này một phần do sự ách tắc trong việc giải ngân vốn đầu tư công, phần khác là nhờ sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế. Tỷ lệ nợ chính phủ/GDP hay tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia/GDP hiện đều đang nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội.

Tốc độ tăng thu ngân sách đang không theo kịp tốc độ tăng của nợ công khiến gánh nặng nợ đang tăng dần. Trong năm 2018, nghĩa vụ trả nợ lãi ước tính khoảng 8%, còn nghĩa vụ trả cả nợ lãi và nợ gốc khoảng 20% tổng thu ngân sách. Các con số này dự toán lần lượt tăng lên tới khoảng 9% và 23% vào năm 2019. Đây thực sự là một điều đáng lo ngại khi năng lực chi trả nợ công đang ngày một giảm dần.

Với những rủi ro và thuận lợi đan xen trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, năm 2020, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Một số kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, tuy nhiên số điều kiện kinh doanh cần tiếp tục dỡ bỏ còn rất lớn. Nếu như lao động giá rẻ cộng với các chính sách ưu đãi về đất đai và thuế là chìa khóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thì gỡ bỏ các rào cản, cải cách thể chế chính là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy khởi nghiệp và sự lớn mạnh của khối doanh nghiệp trong nước. 

Với những rủi ro và thuận lợi đan xen trên thị trường quốc tế cũng như trong nước, năm 2020, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục đặt trọng tâm cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Trung Quốc đã đổ nhiều tiền hơn vào Việt Nam, trở thành một trong các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2018-2019. Dòng vốn từ Trung Quốc, ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, nhưng cũng kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Việt Nam cần rà soát kỹ càng hơn các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với đầu tư nước ngoài nhằm tạo môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.

Chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt đối với các ngành đang trên đà tăng tưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. 

Cuối cùng và ở mức độ dài hạn hơn, Việt Nam cần từng bước xây dựng “đệm tài khóa”, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Một khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài toán ngân sách và nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO