Bài toán “đầu ra”

M. DƯƠNG - K. HOA - B. HỒNG| 12/11/2009 08:57

Mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư dự án khu đô thị tại các địa phương là làm sao bán hết sản phẩm vừa làm ra...

Bài toán “đầu ra”

Nếu như Hà Nội, TP.HCM không phải quá lo về việc tiêu thụ những căn hộ, biệt thự trong các KĐT mới, thì ở những địa phương khác, mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư là làm sao bán hết sản phẩm vừa làm ra.

Ở Đà Nẵng, giới chuyên môn cho rằng, các dự án KĐT có điểm mạnh là thừa hưởng khâu quy hoạch tốt của thành phố, không nhắm vào khai thác vùng đất trống, dễ giải tỏa, mà khai thác thế mạnh phát triển kinh tế xã hội.

KĐT do Daewon xây dựng rất thuận lợi về giao thông vì kề cận con đường ven biển ra hầm đèo Hải Vân đi Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), phía Nam giáp trung tâm hành chính của Đà Nẵng, một hướng đầu tư BĐS chắc chắn đem lại lợi nhuận cao nên không sợ thiếu khách hàng. Nguồn khách hàng chính là các chuyên gia đang làm việc cho hàng loạt khu kinh tế lớn như Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPTcho rằng, KĐT công nghệ cao FPT Đà Nẵng sẽ tạo ra nhu cầu cho khách hàng bằng dự án Đại học FPT, rồi đến khu sản xuất phần mềm, quảng trường, công viên, căn hộ và biệt thự. Các dự án BĐS du lịch, căn hộ cao cấp của Đà Nẵng đang thu hút người có nhiều tiền trong cả nước quan tâm, do niềm tin nơi này sẽ phát triển thành vùng đô thị du lịch giải trí cao cấp.

So với miền Đông, khu vực miền Tây Nam Bộ không có sự bùng nổ dự án KĐT mới, nhưng cũng có nhiều dự án tham vọng tại Long An, như Tân Đức (của Tân Tạo), KĐT trung tâm hành chính tỉnh (của Đồng Tâm); tại Cần Thơ có Nam Cần Thơ; Kiên Giang có đô thị lấn biển Hải Âu, Phú Cường... Vì ở xa, nên chủ đầu tư KĐT mới phải tìm hướng đi riêng.

Tại Long An, cuối tháng 12/2007, Công ty cổ phần Đồng Tâm đã khởi công xây dựng KĐT trung tâm hành chính tỉnh, 104ha, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Theo tính toán, cuối năm 2008 sẽ hoàn thành hạ tầng, và ba năm sau ngày khởi công sẽ đưa vào hoạt động, giúp an cư cho gần 12.000 người. Nhưng kế hoạch đó đang bị trục trặc, do khó khăn về tài chính. Theo giới đầu tư, ngay từ bây giờ, Đồng Tâm phải tính đến chuyện giảm giá để thu hút khách hàng vào KĐT mới này.

Nắm rõ những khó khăn hiện nay khi đầu tư vào dự án KĐT, nhưng Tập đoàn Phú Cường vẫn tiến hành xây dựng KĐT lấn biển tại Kiên Giang. Sau hai năm theo đuổi, tập đoàn đã khởi công khu ĐTM phức hợp có diện tích quy hoạch 146ha, tổng đầu tư 650 triệu USD. Nơi đây không chỉ có các khu thương mại - dịch vụ, khu hành chính, khu nhà ở, nhà hàng, khách sạn 4 sao, resort 5 sao, bệnh viện quốc tế 5 sao, trường học chất lượng quốc tế, mà còn gắn với các khu cảng cá và chợ đầu mối, các loại hình làng tiểu thủ công nghiệp, cung cấp đất ở và sử dụng cho khoảng 15 ngàn người.

Đại diện của Tập đoàn Phú Cường cho biết, chiến lược của dự án này là lấy dịch vụ để hấp dẫn khách hàng. Sau khi xong phần hạ tầng, Phú Cường sẽ kêu gọi nhiều nhà đầu tư chuyên về các lĩnh vực khác nhau vào đây, hình thành nên một quần thể dự án, cung ứng nhiều dịch vụ khác nhau. Giới đầu tư cũng cho rằng, sau khi hoàn thiện, thành phố lấn biển Phú Cường còn nhắm đến mối liên kết với đảo ngọc Phú Quốc cũng đang chuyển mình mạnh mẽ.

Hà Nội đang phát triển theo dạng “vết dầu loang”

Đó là một trong những nhận xét của GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khi trao đổi với PV Báo DNSG về hiện trạng quy hoạch, xây dựng đô thị của Hà Nội. Ông chia sẻ:

"Nhìn vào quá trình phát triển đô thị của Hà Nội, chúng ta không thấy được rõ nét phát triển theo triết lý nào. Điều đó dẫn đến một thực tế: Ở đâu nhà đầu tư thấy “được” thì ở đó “có giá”. Các cơ quan quản lý, quy hoạch đô thị có vẻ như đang “phụ thuộc” vào ý định của các nhà đầu tư hơn là có một triết lý về phát triển đô thị thực sự cho Hà Nội. Chúng ta đang nhìn thấy một Hà Nội phát triển theo dạng “ vết dầu loang”, đô thị “nở” ra một cách tự phát. Cái “vết dầu” đó “loang” đến đâu thì giá đất ở những khu vực ấy tăng cao, tăng nhanh vùn vụt đến đó!

Hà Nội hiện có quá nhiều dự án với diện tích lớn hàng trăm ha/dự án. Nhiều dự án bị chậm trễ. Nhiều dự án chọn chủ đầu tư không chính xác, như Thủy cung Thăng Long. Nhiều dự án được giao đất xong mới có vốn đầu tư, do “bán nhà trên giấy”. Có dự án 10 năm chưa triển khai được. Các KĐT mới đã và đang được xây đều có chung một khuyết điểm: Quy hoạch thiếu tính toàn diện. Dắt nhau xây Mỹ Đình, xây Trung tâm hội nghị Quốc gia, các tòa chung cư..., đến tháng 10/2008 ngập lụt mới phát hiện ra vùng ấy thấp, là túi nước. Đó là khuyết điểm của người làm quy hoạch.

Về dự án thành phố bên sông Hồng, thì không nên đùa với sông Hồng. Về mặt văn hóa, nó là con sông mang hồn Hà Nội. Về mặt địa lý, nó nằm trong vết đứt gãy được xếp vào hàng nổi tiếng trên thế giới. Đây là chỗ liên kết lỏng lẻo nhất của vỏ trái đất. Khi vỏ trái đất hoạt động trở lại, nó sẽ là nơi hoạt động mạnh nhất".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài toán “đầu ra”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO