Bài 3: "Hái trái ngắn ngày"

THẢO MINH| 21/04/2010 00:28

Trong khi chưa thể cạnh tranh với các bệnh viện công về quy mô, thiết bị, các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực y tế đẩy mạnh các dịch vụ thu lời nhanh như làm đẹp, chăm sóc da, spa hay nha khoa.

Bài 3:

Trong khi chưa thể cạnh tranh với các bệnh viện (BV) công về quy mô, thiết bị, các nhà đầu tư (NĐT) tham gia vào lĩnh vực y tế đẩy mạnh các dịch vụ thu lời nhanh như làm đẹp, chăm sóc da, spa hay nha khoa.

Những năm trước đây, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được thực hiện ở một số rất ít BV lớn như một chuyên khoa phụ, còn lại hầu hết tập trung ở các thẩm mỹ viện tư nhân với những phẫu thuật đơn giản.

Trước nhu cầu làm đẹp ở Việt Nam tăng cao, dịch vụ làm đẹp và các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ (GPTM) bắt đầu nở rộ, đặc biệt sau khi Thẩm mỹ viện bác sĩ Cương nâng cấp, đầu tư hơn 10 tỷ đồng thành BV Chuyên khoa thẩm mỹ Sài Gòn với số lượng khách lúc nào cũng kín ghế chờ. Sau đó, các BV nước ngoài như FV, Columbia (Mỹ), Viện Thẩm mỹ Việt Hàn... cũng vào cuộc, đẩy các BV công như Chợ Rẫy, Hùng Vương, ĐH Y dược vào thế cạnh tranh. Sau đó là hàng loạt BV đa khoa tư nhân như An Sinh, Hoàn Mỹ, Vạn Hạnh... cùng đua nhau mở thêm dịch vụ GPTM.

Theo BS. Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ Âu Á Mỹ: “Tuy đầu tư cho một trung tâm thẩm mỹ hoặc chuyên khoa GPTM khá cao, song với nhu cầu tăng nhanh, nhất là Việt kiều về nước làm đẹp ngày một nhiều do mức phí giải phẫu thấp hơn nhiều so với nước ngoài, dịch vụ GPTM không lo vắng khách mà được xem là lĩnh vực “đẻ trứng vàng”. Cùng với nhu cầu làm đẹp bằng giải phẫu, xu hướng chăm sóc da, cơ thể như massage, xoa bóp cũng ngày càng tăng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, chuyên viên làm đẹp tại Senses story spa, cho biết: “Thông thường, massage là những thao tác bằng tay, nhưng để tăng hiệu quả chăm sóc da, các spa đều kết hợp với các loại máy chuyên dùng nên chi phí đầu tư cũng khá cao. Chẳng hạn, điều trị với máy Thermage tái tạo da có chi phí khoảng 2.500 USD/lần nhưng số người làm không ít”.

Nha khoa cũng được đánh giá là lĩnh vực “siêu lợi nhuận” nên thời gian qua cũng đã bùng nổ các trung tâm nha khoa. Tính ra TP.HCM có hơn 1.000 phòng khám tư nhân chuyên khoa răng hàm mặt phục vụ nhu cầu của người dân. Tại các phòng khám nha khoa, giá một số dịch vụ rất cao. Chẳng hạn, loại răng sứ không kim loại cao cấp được đặt tại labor có giá khoảng 1,6 - 1,8 triệu đồng, nhưng giá tại phòng khám bao giờ cũng được tính từ 250USD trở lên. Khi thực hiện những dịch vụ cao cấp, các phòng khám thường lấy lợi nhuận gấp đôi hoặc gấp rưỡi giá trị thực...

Mặc dù vậy, BS. Nguyễn Quang Tiến, Giám đốc Nha khoa Đăng Lưu cho biết: “Đầu tư cho một phòng nha hiện nay trung bình khoảng 1 - 5 tỷ đồng, doanh thu trung bình vài chục triệu đến 250 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, chi phí khấu hao rất cao nên lợi nhuận thu được chỉ từ 3 - 10% trên tổng doanh thu. Cách đây 8 năm, làm một chiếc răng sứ giá 1 triệu bây giờ cũng một triệu trong khi chi phí tăng, mặt bằng tăng... Vì vậy, đầu tư vào lĩnh vực này trông dễ ăn nhưng không dễ chút nào”.

Bà Đoàn Phi Nga, nguyên Giám đốc Mirra Spa cũng cho biết, doanh thu trung bình của một trung tâm spa khoảng 3 - 4 trăm triệu/tháng nhưng khấu hao rất cao nên lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10% trên doanh thu.

BS. Phạm Xuân Khiêm, Trưởng Khoa GPTM BV Vạn Hạnh, cho biết: “Thiết bị càng hiện đại thì phí đầu tư càng đắt, khả năng thu hồi vốn đầu tư khó. Chưa kể phụ tùng thay cũng không rẻ, khả năng sửa chữa trong nước chưa đáp ứng được, mỗi lần hư hỏng phải thuê chuyên gia nước ngoài sang sửa, rất tốn kém nên hầu như rất ít trung tâm thẩm mỹ, kể cả BV thẩm mỹ bỏ tiền đầu tư”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 3: "Hái trái ngắn ngày"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO