Bài 2: “Thảm đỏ” và “thảm xanh”

LÂM THAO| 20/05/2010 00:10

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều KCN trên cả nước trong hai năm qua không đón nhận thêm được nhà đầu tư nào...

Bài 2: “Thảm đỏ” và “thảm xanh”

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều KCN trên cả nước trong hai năm qua không đón nhận thêm được nhà đầu tư nào. Ngay cả những KCN nằm trong vùng kinh tế năng động như Tín Nghĩa (Đồng Nai), Becamex (Bình Dương)... cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều KCN tiến hành chiến thuật “cạnh tranh mềm” nhằm cải thiện tình hình thu hút nhà đầu tư.

Hơn thua về chất

Cùng với Becamex, Tín Nghĩa được xem là nhà đầu tư lớn về hạ tầng KCN của tỉnh Đồng Nai khi sở hữu 6 KCN và 4 KCN góp vốn, với tổng diện tích 4.035ha, thu hút 150 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Nếu như trong năm 2008, hằng tuần, phòng kinh doanh của Công ty liên tục đón tiếp nhiều khách hàng doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu với nhu cầu thuê đất dù giá cho thuê không hề thấp, trung bình 55 - 60 USD/m2.

Nhưng bắt đầu từ năm 2009, cùng chịu ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, số lượng nhà đầu tư đến thuê đất sụt giảm nhanh chóng. Ngay cả đến quý I/2010 này, số khách hàng đăng ký với Tín Nghĩa cũng chỉ mới có 4 DN.

Từng có dư luận băn khoăn về việc “cạnh tranh xé rào, dẫn nhau xuống đáy” giữa các KCN ở các địa phương. Các tỉnh chạy theo lợi ích cục bộ, bất hợp tác khiến tình hình chung của các KCN Việt Nam khá lộn xộn, càng khó thu hút đầu tư. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa, cho biết, việc bãi bỏ các chính sách ưu đãi đối với DN đầu tư hạ tầng KCN kể từ ngày 1/1/2009 càng tạo thêm khó khăn trong thu hút nhà đầu tư.

Trong khi đó, chính các KCN trong tỉnh cũng cạnh tranh nhau rất gắt gao. Hiện khách hàng thích tìm đến những KCN gần, còn lại là cạnh tranh về chất lượng và giá. Ông Bình cho hay, nhiều KCN trong tỉnh đã hạ giá cho thuê xuống mức 40 - 45 USD/m2. Để cạnh tranh, Tín Nghĩa không thể chạy đua về giá, do đó Công ty phải tự tìm phương thức cạnh tranh riêng. Theo đó, với những KCN chưa lấp đầy, Công ty dùng những ưu đãi như ưu đãi phí hạ tầng. Ví dụ, nếu trước đây khi giao đất là chủ đầu tư KCN thu tiền ngay, thì nay trong quá trình thi công sẽ không thu tiền của DN.

Cũng không chạy đua về giá, KCN Long Hậu (Long An) xác định chọn cho mình hướng thu hút riêng. Ông Trần Tấn Sỹ, Giám đốc Kinh doanh KCN Long Hậu, cho rằng, cần phải tập trung vào hai điểm: giữ chân cả nhà đầu tư lẫn người lao động. Long Hậu đã tiến hành xây dựng khu lưu trú 7.200 chỗ cho công nhân, sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 9/2010. Trong khu vực này có hai nhà trẻ, siêu thị mini của Co.opMart, phòng khám đa khoa, khu vui chơi...

Sau khi lo xong chuyện “an cư”, KCN Long Hậu mới tính đến mối lo nguồn lao động cho DN. Ông Sỹ nói, công ty phải xác định được nhu cầu của nhà đầu tư, như cần lao động ngành nghề gì, năng lực ra sao, sau đó phối hợp với cơ sở tuyển dụng và DN chọn đối tượng phù hợp, cấp học bổng đào tạo nghề và cấp chứng chỉ, cuối cùng là thu nhận vào làm việc tại DN.

Hằng năm, Long Hậu bỏ ra 1 tỷ đồng cho 700 suất học bổng, tập trung đào tạo các ngành như cơ khí, điện máy, may công nghiệp... Cùng lúc sẽ hình thành một trung tâm đào tạo, gồm một trường cao đẳng rộng 10ha dự kiến thu hút 10.000 sinh viên.

Ông Phạm Minh Hiệp, Phó tổng giám đốc IDICO, cho biết, với 17 KCN đã đầu tư với quy mô 10.000ha, hiện Công ty đang áp dụng mô hình hình thành các khu vui chơi, giải trí trong KCN để đáp ứng nhu cầu của DN, như sân golf, sân tennis, nhà hàng...

Giải nạn “xí đất”, “xé rào”

Quy hoạch và hiệu quả thu hút đầu tư vào KCN từ lâu đã được nói nhiều. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ lấp đầy các KCN trên cả nước mới chỉ đạt 46%. Nguyên nhân là từ năm 2008 đến nay, luồng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ lưu trú ăn uống và nghỉ dưỡng tăng mạnh. Ngoài ra, các dự án tổ hợp lớn và dự án khoáng sản đầu tư mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng nằm ngoài KCN. Trong khi đó, ngay cả việc xúc tiến đầu tư vào các KCN tỉnh cũng rối.

Khó khăn chung của các KCN cho thấy vai trò quan trọng của Nhà nước. Nếu như khung ưu đãi đầu tư chung thực sự mang lại lợi ích cho toàn xã hội thì Nhà nước phải có những biện pháp chế tài nghiêm minh. Nếu như các tỉnh chỉ bị kiểm điểm hay phê bình như hiện nay thì không thể nào khuyến khích tinh thần hợp tác cũng như hạn chế hành vi xé rào.

Theo ông Nguyễn Kiên Trung, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư VietIP, kinh phí xúc tiến đầu tư của các địa phương thì ít, trong khi đó mỗi tỉnh làm một kiểu, thay vì có thể hợp nhau nhau lại để làm. Nhiều DN truy cập trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chẳng thấy thông tin gì. Câu nói xúc tiến đầu tư quen thuộc của các địa phương là: lợi thế của chúng tôi rất tốt. Nhưng khi DN hỏi tỉnh của anh khác với tỉnh khác như thế nào thì không nói được, vì họ có thông tin về các tỉnh khác đâu mà phân tích, so sánh!

Cả nước hiện có 228 KCN được thành lập trên 56/63 tỉnh, thành với tổng diện tích khoảng 58.434ha, trong đó 145 KCN đã đi vào hoạt động, 83 KCN đang đền bù. Địa phương có nhiều KCN nhất là Đồng Nai (28 khu), Bình Dương (27 khu), TP.HCM (16 khu). Hằng năm, các KCN đóng góp khoảng 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đạt bình quân 70 lao động trực tiếp/ha.

- Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015, cả nước sẽ thành lập thêm 91 KCN với tổng diện tích trên 20,8 ngàn ha; mở rộng 22 KCN với tổng diện tích 3,5 ngàn ha.

Bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cũng đồng tình và cho biết, nhiều khi muốn giúp DN hội viên tìm được địa điểm thích hợp đầu tư thì nhà máy lại chẳng có thông tin gì. Nếu có xuống trực tiếp từng tỉnh thì giỏi lắm cũng chỉ đến được vài tỉnh.

Tỷ lệ lấp đầy các KCN kém, theo ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, ngoài những lý do chung thì việc găm đất chờ giá lên của nhiều nhà đầu tư cũng là nguyên nhân chính, trong đó trách nhiệm của địa phương rất lớn. Không đâu xa, tỉnh Long An ngoài chuyện ồn ào cấp dự án sân golf tràn lan, đây cũng là địa phương sở hữu rất nhiều KCN loại nhỏ, diện tích chỉ vài chục ha.

Đa phần các chủ đầu tư đến từ TP.HCM, bằng nhiều mối quan hệ khác nhau đều tranh thủ “xí phần” đất để làm KCN. Một chủ đầu tư cho biết, sau khi xin được tỉnh cấp cho một khu đất 70ha, hai năm qua ông mới chỉ tạm thời... trồng lúa để chờ giá đất lên. Tình hình này cũng dẫn đến hiện trạng những “KCN bỏ hoang” ở Cần Thơ, “KCN treo” ở Tây Ninh, hay các dạng "KCN xin 10 làm 1” ở Huế...

Một sự cạnh tranh ngầm khác đang diễn ra giữa các địa phương là nguồn cung ứng điện cho DN trong KCN. Bình Dương hiện là tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trước nguồn cung điện bị thiếu hụt, thua sút hẳn so với đối thủ cạnh tranh là Đồng Nai. Quá nhiều kiến nghị của DN trong và ngoài nước đã gửi đến chủ đầu tư thời gian qua.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex, khẳng định, Bình Dương đang kiến nghị với Chính phủ cung ứng thêm 10 - 15% sản lượng điện để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: “Thảm đỏ” và “thảm xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO