Bài 1: Thương vụ đầy bất ngờ

PHƯƠNG QUYÊN| 27/07/2011 04:35

Dù cụm rạp MegaStar đạt mức tăng trưởng có thể lên đến hơn 300% năm, nhưng các cổ đông vẫn bán cổ phần cho NĐT Hàn Quốc là câu chuyện “người giàu cũng khóc”, diễn ra trước những diễn biến không mấy khả quan về kinh tế như hiện nay.

Bài 1: Thương vụ đầy bất ngờ

MegaStar, cụm rạp đang ăn nên làm ra tại thị trường Việt Nam, bất ngờ sang tay cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong thương vụ trị giá 73,6 triệu USD. Đằng sau vụ mua bán này không chỉ là toan tính lời lỗ trong thị trường phim ảnh, mà còn là kế hoạch thâu tóm thị trường bán lẻ, phân phối trên truyền hình của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Quy mô và sự hấp dẫn của thương hiệu MegaStar đã tạo nên nhiều dư luận. DNSG đi sâu thông tin thương vụ này để được cái nhiều đa chiều về vụ việc.

Dù cụm rạp MegaStar đạt mức tăng trưởng có thể lên đến hơn 300% năm, nhưng các cổ đông vẫn bán cổ phần cho NĐT Hàn Quốc là câu chuyện “người giàu cũng khóc”, diễn ra trước những diễn biến không mấy khả quan về kinh tế như hiện nay.

>>Bài 2: Ăn trọn miếng bánh lớn

Rút lui hay dịch chuyển đầu tư?

Ảnh: Quý Hòa

Hơn 2 tuần sau khi thông tin Tập đoàn CJ-CGV của Hàn Quốc chính thức sở hữu 92% cổ phần từ nhóm cổ đông của Envoy Media Partners, MegaStar, nhiều người trong giới đầu tư vẫn còn bất ngờ.

Theo ông Brian Hall, Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông MegaStar, một trong những lý do dẫn đến thỏa thuận này là việc chuyển nhượng sẽ giải quyết được số nợ bấp bênh 28 triệu USD mà MegaStar đang gánh vác. Đồng thời, giúp MegaStar thuận lợi hơn trong việc đầu tư thêm các rạp chiếu phim mới trên thế giới.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, khi thị trường điện ảnh gần như tàn lụi và hoạt động của rạp chiếu phim tồn tại ở dạng cầm chừng, MegaStar với 80% cổ phần, trị giá 8 triệu USD, thuộc về nhóm cổ đông của Envoy Media Partners và 20% thuộc về Tổng công ty Văn hóa Phương Nam (PNC).

Trong 6 năm, MegaStar đã phát triển hệ thống rạp chiếu lên đến 7 cụm rạp và 54 phòng chiếu ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai. Chỉ tính riêng đầu tư phục vụ cho “cơn sốt” 3D, MegaStar đã chi đến hơn 2,5 triệu USD.

Nhờ cú hích mang tên MegaStar, thị trường phim ảnh Việt Nam cũng sôi động hơn hẳn. Mỗi năm, dù chỉ có khoảng 150 phòng chiếu đang hoạt động trên cả nước, doanh thu phòng vé cũng lên đến 25 triệu USD/năm, tăng trưởng khoảng 20%/năm. Chiếm 60% doanh thu phòng vé ở Việt Nam, MegaStar đạt doanh thu ước tính khoảng 23 triệu USD vào năm 2010.

Theo các chuyên gia thẩm định giá, tài sản của MegaStar hiện nay có trị giá 38 triệu USD và mức độ tăng trưởng có thể lên đến hơn 300%/năm. Cộng số vốn đầu tư ban đầu với số nợ hiện có, đem so với mức giá 73,6 triệu USD mà CJ-CGV đồng ý chi trả, rõ ràng đây là một thương vụ có lợi nhuận cao.

Theo Phó giám đốc một trung tâm chiếu phim lớn tại TP.HCM, đầu tư cho kinh doanh rạp chiếu phim cũng như bỏ tiền đống nhưng lượm bạc cắc. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đều suy giảm, các NĐT cần vốn để dịch chuyển khỏi khó khăn. Vì thế, chuyện các NĐT đến từ Anh đồng ý chuyển nhượng MegaStar cho CJ-CGV để tìm kiếm thị trường mới cũng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, CJ-CGV cũng không thành công trọn vẹn trong việc thuyết phục các cổ đông của Envoy. Bằng chứng là chỉ có 92% cổ phần chứ không phải tất cả được các NĐT ban đầu bán cho CJ- CGV. Điều này buộc những ông chủ mới của MegaStar phải tiếp tục đàm phán để có thể nắm giữ chắc chắn quyền điều hành tuyệt đối.

Theo một cổ đông của PNC, trong lần đại hội vừa qua, các cổ đông của PNC đã đi đến thống nhất việc bán 1/2 cổ phần của MegaStar mà PNC đang nắm giữ cho CJ-CGV. Bán bớt cổ phần nhưng thực tế, so với đầu tư trước đây, giá trị của PNC trong liên minh này lại tăng lên.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC đã bác thông tin này và cho rằng, hiện nay, tỷ lệ vốn của PNC trong MegaStar vẫn đang như cũ và sự tham gia của CJ-CGV vào MegaStar hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc chuyển nhượng cổ phần của PNC.

Không có sự áp đặt mang tên Hàn Quốc

Ông Brian Hall cho biết, sau khi thương vụ này hoàn tất và chuyển giao quyền lực, dưới thời của CJ-CGV, MegaStar vẫn sẽ tiếp tục được điều hành bởi hơn 95% người Việt Nam.

“Mọi người sẽ thấy không có sự thay đổi nào hoặc có đi chăng nữa cũng sẽ là rất ít trong cách chúng tôi điều hành kinh doanh ở Việt Nam”, ông Brian Hall khẳng định. Như vậy, về cơ bản, khán giả Việt Nam vẫn sẽ không gặp bất cứ thiệt thòi nào sau khi việc mua bán MegaStar hoàn tất.

Ông Brian Hall cũng bác bỏ ý kiến cho rằng sau thương vụ này, dòng phim nhập khẩu từ Hàn Quốc và một số nước châu Á sẽ áp đảo trên rạp chiếu, đồng thời bớt đi vị trí gần như độc tôn của các siêu phẩm đến từ Hollywood.

“CJ - CGV là một trong những nhà điều hành sắc sảo và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chiếu phim ở các nước khác ngoài Hàn Quốc. Họ áp dụng thực tiễn để tìm cách tốt nhất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương. Việt Nam cũng sẽ như vậy.

Thật vô lý nếu ép khán giả Việt Nam phải xem phim Hàn Quốc hoặc xem phim nào đó mà họ không thích. CJ-CGV biết và hiểu rất rõ rằng nếu họ cố gắng làm điều đó thì họ chỉ có phí tiền mà thôi”, ông Brian nhận định.

Trên thực tế, CJ Entertaiment đơn vị chuyên trách mảng phân phối phim của tập đoàn CJ đã chứng minh thực lực của họ trong việc phát triển thị trường điện ảnh tại Châu Á. Đối tác chính của họ là Sony Pictures, Warner Bros, Paramount, DreamWorks Animation...

Những phim “bom tấn” như Iron Man 2, How to Train Your Dragon, Toy Story 3, The Last Airbender, Rango, Pirates of the Caribbean: On Stranger Tides... đều có mặt và đoạt doanh thu cao.

Chỉ tính riêng The Last Airbender đã mang về doanh thu phòng vé là 11 triệu USD tại thị trường Hàn Quốc. Như vậy, chuyện NĐT lớn như CJ mua lại hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất hiện nay của Việt Nam chỉ để trình chiếu phim Hàn là chuyện khó thể xảy ra.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của phim Hàn trên màn ảnh rộng Việt Nam cũng sẽ có, bởi Katharine Kim, Giám đốc Điều hành của CJ Entertaiment, người sở hữu danh hiệu CineAsia Distributor của năm do Hollywood trao tặng, không chỉ giỏi về phân phối phim mà còn mạnh tay liên kết với các hãng sản xuất lớn của Hollywood để cho ra các “siêu phẩm” điện ảnh xứ Hàn.

Nếu như August Rush, The Man from Nowhere, Jeon Woochi, Harmony và The Servant... những tác phẩm gây nên sốt vé ở Hàn Quốc, chỉ tiếp xúc với khán giả Việt Nam qua đường đĩa lậu thì nay sẽ có cơ hội trình chiếu tại Việt Nam.

Những doanh nghiệp trong nước cùng ngành sẽ không chỉ phải cạnh tranh với những người khổng lồ có khả năng làm thay đổi cục diện thị trường điện ảnh nước nhà như trước, mà là một “ông lớn” cùng khu vực, am hiểu thị trường lẫn văn hóa phương Đông và nhất là có tiềm lực kinh tế cực kỳ lớn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Thương vụ đầy bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO