Bài 1: Thảm đỏ đón công nhân

PHƯƠNG QUYÊN - QUỲNH CHI| 06/05/2010 09:27

Việt Nam được xem là quốc gia có số người ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số, nhưng giờ đây DN trong nước lại khát lao động phổ thông trầm trọng. Nghịch lý này có điều gì hợp lý?

Bài 1: Thảm đỏ đón công nhân

Tình trạng khan hiếm lao động trên diện rộng đã đẩy nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất rơi vào tình trạng báo động. Từ cuộc khủng hoảng số lượng, nhiều DN rơi tiếp vào khó khăn về chất lượng lao động giảm vì phải hạ tiêu chuẩn tuyển dụng. Cơn khát lao động lan rộng không chỉ ảnh hưởng tới DN, mà về lâu dài đang tác động tới thế mạnh của TP.HCM và đặt ra những bài toán về: dịch chuyển, cơ cấu sản xuất, đào tạo lao động, chế độ lương bổng...


Việt Nam được xem là quốc gia có số người ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số, nhưng giờ đây DN trong nước lại khát lao động phổ thông trầm trọng. Nghịch lý này có điều gì hợp lý?

Đỏ mắt tìm người

Tình trạng thiếu lao động của các DN phía Nam đã kéo dài nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng. Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, chỉ tính riêng quý I/2010, thành phố thiếu khoảng 100.000 lao động, trong đó tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến nông hải sản...

Công nhân Khu chế xuất  Tân Tạo (TP.HCM)

Tình trạng thiếu lao động đã làm cho nhiều DN không thể nhận hợp đồng sản xuất, gia công hàng có quy mô và giá trị lớn với khách hàng nước ngoài.

Những ngày đầu tháng Tư, dạo quanh các KCN - KCX Linh Trung (Thủ Đức), Tân Thuận (quận 7), Sóng Thần (Bình Dương), Vĩnh Lộc (Bình Chánh)... dễ dàng bắt gặp những băng rôn, khẩu hiệu tuyển công nhân. Không những treo bảng tuyển người trước cổng nhà máy, xí nghiệp, DN còn tận dụng treo bảng tại các khu trọ của công nhân, phát tờ rơi... để thu hút lao động. Thậm chí có DN còn đưa người ra bến xe để tuyển thêm công nhân!

Hiện may mặc, giày da, điện tử... là những ngành nghề đang cần tuyển số lượng công nhân lớn. Công ty Joo Sài Gòn, chuyên sản xuất ba lô, túi xách, treo bảng lớn, tuyển một lúc 700 công nhân may. Trong vai công nhân đi tìm việc tại các KCN, chúng tôi được chào đón khá nồng nhiệt.

Chị Ngọc Anh, phụ trách tuyển dụng công nhân của Công ty Joo Sài Gòn, cho biết, dù đã treo bảng tuyển dụng khá lâu nhưng hiện nay Công ty vẫn chưa tìm đủ nhân lực: “Tùy theo năng lực mà Công ty xét lương, nhưng mọi công nhân, dù mới vào hay đã làm lâu năm, đều được hưởng tất cả chế độ chăm sóc của Công ty”.

Trong ba ngày nghỉ lễ vừa qua, từ 30/4 - 2/5, Công ty vẫn hoạt động, tăng ca hết công suất. “Công ty bao ăn trưa miễn phí, không trừ tiền cơm vào lương nên thu nhập của công nhân có thể lên đến 3,5 triệu/tháng”, chị giới thiệu. Khi biết chúng tôi chưa có tay nghề, chị nhanh nhảu hướng dẫn các thủ tục đăng ký công nhân dự tuyển với lời động viên: “Học nghề vài tháng là em trở thành công nhân chính thức ngay”.

Ông Quang Hào, Phòng quản lý nhân sự của Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, quận 9, cho biết, để tìm công nhân trong thời gian này, nhiều công ty nằm ngoài KCN - KCX còn chạy “ngược” đến KCN - KCX để tìm lao động với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn. Mặc dù vậy, số lượng lao động đến nộp hồ sơ vẫn rất thưa thớt. Ông Hào cho biết thêm, công ty này đang cần tuyển tới gần 1.000 công nhân, nhưng đến nay cũng mới tuyển được hơn 100.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, bức xúc: “Lao động có tay nghề trong nước hiện thiếu và yếu thì còn chấp nhận được vì chương trình đào tạo chưa gắn với thực tế. Đằng này, nước ta đang thiếu cả lao động phổ thông. DN chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào!”.

Bỏ dây chuyền, dừng đơn hàng

Sự khủng hoảng do thiếu công nhân đã khiến tình hình kinh doanh của các DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã có DN phải bỏ một dây chuyền sản xuất do số người lao động giảm 30% trong thời gian ngắn.

Công nhân tan ca tại Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.HCM)

Thiếu lao động, tất yếu tình hình sản xuất của các DN lâm vào thế khó. Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long, cho biết, đơn vị này hiện chỉ còn 2/3 số lượng công nhân cần thiết để duy trì sản xuất. Điều này dẫn đến ông đã phải từ chối khá nhiều đơn đặt hàng mới.

Với những đơn hàng cũ thì lại phải liên tục xin lỗi khách hàng vì không giao hàng đúng tiến độ, dù đã tăng ca hết mức. Tương tự, một DN chuyên sản xuất linh kiện điện tử công nghiệp ô tô cho biết, dù đã tăng tần suất lao động lên 3 ca/ngày nhưng công ty vẫn không thể nhận hết các đơn hàng.

Có vô vàn nguyên nhân khiến việc thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng. Chỉ tính riêng trong quý I/2010, tại TP.HCM đã có thêm khoảng 6.000 DN trong nước và 74 DN có vốn đầu tư nước ngoài mới được cấp phép hoạt động. Sự xuất hiện cùng lúc quá nhiều DN khiến đội ngũ lao động dù dồi dào nhưng vẫn rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu chuyển dịch địa bàn đầu tư, các KCN mới thay vì tập trung ở những thành phố lớn như trước đây thì lại đổ về các tỉnh nhỏ. Ở các vùng nông nghiệp trù phú như Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương..., đâu đâu cũng sôi động “phong trào” chuyển đổi đất nông nghiệp để làm KCN, khiến các nhà máy, xí nghiệp, công ty mọc lên như nấm. Theo ước tính, chỉ riêng khu vực miền Bắc và miền Trung hiện đã có cả trăm KCN, cụm công nghiệp với hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ.

Biến động diện rộng

Ông Phạm Văn Lân, Giám đốc Công ty liên doanh Tiger Lily Việt Nam, phân tích, hiện thu nhập của lao động phổ thông ở địa bàn trung tâm như TP.HCM, Hà Nội xấp xỉ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại các KCN nằm ở địa bàn tỉnh nhà, họ nhận được mức lương từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng.

Con số chênh lệch không nhiều, lại có lợi thế gần gia đình, không phải tốn chi phí nhà trọ, giảm chi phí ăn uống và nhất là không phải chật vật trong việc về thăm nhà các dịp lễ, Tết đã khiến công nhân quyết định về quê làm việc.

Sự chuyển dịch địa bàn đầu tư KCN cũng chính là nguyên nhân sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua, số lượng công nhân trở lại TP.HCM, Hà Nội giảm thiểu đáng kể. Kết quả khảo sát trên 50 DN có đông lao động tại các KCX lớn trên địa bàn TP.HCM: sau Tết, chỉ có 31 DN có lao động trở lại làm việc đầy đủ.

Theo ông Lân, câu chuyện lao động lại tiếp diễn khi lực lượng lao động phổ thông chấp nhận trở lại các thành phố lớn lại rục rịch chuyển sang làm phụ hồ. “Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, đang rất cao. Nhiều nhà thầu chấp nhận trả mức lương phụ hồ lên đến 120.000 - 150.000 đồng/ngày, cao hơn hẳn so với lương công nhân.

Anh Tạ Minh Chương đến từ Hải Dương, công nhân xí nghiệp giày, cho biết: “Nhiều đồng hương đã chuyển từ gia công may mặc sang làm phụ hồ vì thu nhập cao, dù rằng công việc này không ổn định, phụ thuộc vào khả năng tìm công trình của chủ thầu”.

Theo dự báo của một số chuyên gia, trong thời gian tới, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông trên địa bàn các thành phố lớn, KCN, KCX sẽ ngày càng trầm trọng. Sự khan hiếm lao động tại các DN ở TP. HCM căng thẳng đến mức Hiệp hội Dệt May Việt Nam phải lên tiếng nhờ Sở Lao động Thương binh và Xã hội nếu có nguồn lao động cần việc làm thì giới thiệu cho Hiệp hội.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, phân tích, bên cạnh nhiều thanh niên may mắn kiếm được việc làm ổn định, vẫn còn không ít người lao động sống bấp bênh. Lương và thu nhập vốn đã thấp mà giá cả sinh hoạt lại tăng quá nhanh.

Đã có nhiều người tha hương vào làm công nhân trong các KCN ở phía Nam với thu nhập một tháng chỉ hơn 2,2 triệu đồng. Tằn tiện chi tiêu hằng ngày và trả tiền thuê nhà là hết, hầu như không thể tích cóp được gì. Cùng đường họ lại trở về quê xin làm trong một KCN, thu nhập thấp hơn trong Nam một chút, nhưng đời sống dễ thở hơn, không phải thuê nhà, tốn kém trong sinh hoạt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Thảm đỏ đón công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO