Bài 1: Lợi nhuận là trên hết

QUỲNH CHI - HOÀNG VŨ| 29/09/2011 08:24

Huy động vốn mới đang trở nên khó khăn nên rất nhiều quỹ bắt đầu tái cơ cấu danh mục đầu tư để hiện thực hóa lợi nhuận. Theo quan sát, rất nhiều khoản đầu tư của các quỹ tại các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng đang sinh lãi khả quan và đóng vai trò chủ chốt trong danh mục đầu tư.

Bài 1: Lợi nhuận là trên hết

Với triển vọng vĩ mô trong nước và thế giới chưa hoàn toàn sáng sủa, việc huy động thêm vốn của các quỹ đầu tư đang trở nên rất chông gai. Do vậy, các quỹ đầu tư hiện chỉ có thể gia tăng tái cơ cấu danh mục để cải thiện tình hình, kéo theo sự dịch chuyển của những “dòng tiền nóng”. Một mặt rút tiền khỏi những ngành “cứng” như bất động sản, ngân hàng, mặt khác các nhà đầu tư (NĐT) lại tung tiền cho lĩnh vực “mềm” hơn như thực phẩm, tiêu dùng...

Huy động vốn mới đang trở nên khó khăn nên rất nhiều quỹ bắt đầu tái cơ cấu danh mục đầu tư để hiện thực hóa lợi nhuận. Theo quan sát, rất nhiều khoản đầu tư của các quỹ tại các doanh nghiệp (DN) trong ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng đang sinh lãi khả quan và đóng vai trò chủ chốt trong danh mục đầu tư.

>>Bài 2: Dòng vốn nóng còn quyết định xu hướng?

Bỏ sắt theo sữa

Ngày 13/9, Vinamilk (VNM) đã tiến hành chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1 năm 2011. Mặc dù chỉ là “tạm” nhưng tỷ lệ chi trả cổ tức của đại gia ngành sữa này cũng lên đến 20%, tức 2.000 đồng/CP. Ước tính sẽ có hơn 740 tỷ đồng tiền mặt được trả cho các cổ đông vào ngày 30/9.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại VNM đạt 49%, số cổ tức sẽ được tạm ứng 360 tỷ đồng, tương đương 17 triệu USD. Kinh doanh hiệu quả, cổ phiếu liên tục tăng trưởng ấn tượng, trả cổ tức cao và minh bạch trong công bố thông tin là những lý do VNM luôn hút hàng NĐT nước ngoài. Hồi cuối tháng 6, chỉ cần VNM hở room vài trăm nghìn CP, khối ngoại lập tức mua sạch.

Một cổ đông lớn khác của VNM là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang sở hữu với tỷ lệ khoảng 45%, số CP trôi nổi ra bên ngoài chỉ chiếm khoảng 6%. Do VNM là CP tốt, nên những NĐT cá nhân đã mua vào CP này từ lâu cũng không muốn bán ra ngoài mà chỉ giữ để hưởng cổ tức.

Chính những điều này đã khiến thanh khoản của VNM trên sàn không cao. Nhưng cũng nhờ vậy, khả năng giữ giá hoặc tăng giá mạnh khi có tin tốt của VNM luôn được đảm bảo.

Đầu năm 2010, VNM có giá chỉ khoảng 70.000 đồng/CP, đến cuối năm tăng lên 85.000 đồng/CP nhưng hiện nay đã tiến sát ngưỡng 130.000 đồng/CP. Đây là CP hiếm hoi luôn đi ngược và tăng giá ấn tượng trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm.

Một số tổ chức hiện đang nắm giữ VNM là Dragon Capital (hơn 7%), F&N Dairy Investment (khoảng 10%). Sau khi các quỹ do Dragon Capital (DC) quản lý bán ra cổ phiếu STB, đã xuất hiện nhiều tin đồn về khả năng DC sẽ thoái vốn tiếp tại VNM.

Nhìn chung, khả năng này vẫn có thể xảy ra nhưng hơi khó bởi lẽ, DC không dễ gì buông một CP đều đặn hằng năm đem về hàng triệu USD tiền cổ tức.

Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đã mua vào VNM từ rất lâu và đây hiện là một trong những khoản đầu tư sinh lãi tốt nhất. Trong trường hợp DC bán ra thì cũng sẽ có hàng loạt tổ chức khác xếp hàng để chờ mua vào.

Có thể nói, VNM được xem như con bài tẩy trong danh mục đầu tư của không ít quỹ và khả năng tăng trưởng của DN vẫn còn nguyên. Vì vậy, hành động của các tổ chức đầu tư nắm giữ CP này trong thời gian tới sẽ là “nắm chặt”, có cơ hội thì “mua vào” hoặc đẩy giá nhằm tăng giá trị danh mục của mình.

Mắm cũng thành vàng

Những ngày qua, thị trường nhắc nhiều đến quỹ BI Private Equity New Markets II K/S (PENM II), do BankInvest (BI) quản lý, đã lãi lớn với cổ phiếu MSN (Masan).

Ông Chris Freund, Tổng giám đốc Mekong Capital: Tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm

Các quỹ của chúng tôi cũng đã hái “trái ngọt” từ các khoản đầu tư vào các công ty trong ngành này. Khi chúng tôi bán ra khoản đầu tư ở Masan vào cuối năm 2010, tỷ suất hoàn vốn nội bộ ròng (IRR) đã đạt mức khoảng 58%, được xem là rất hấp dẫn. Một trong những khoản đầu tư tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại của chúng tôi là Công ty Golden Gates, gồm chuỗi các nhà hàng đang hoạt động dưới nhãn hiệu Ashima, Kichi Kichi và Sumo BBQ. Chúng tôi dự kiến tiếp tục đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực thực phẩm và tôi hy vọng các quỹ khác cũng tiếp tục xu hướng này.

Chỉ số P/E hiện tại vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Nhiều công ty niêm yết có chỉ số P/E ở mức 4 - 8, rất thấp. Chính vì vậy, hiện tại thực sự không phải là thời điểm tốt để bán cổ phiếu ra thị trường. Các cơ hội thoái vốn hấp dẫn nhất trong thời gian này là bán cho các NĐT chiến lược, những người sẵn sàng trả giá ở mức cao hơn vì giá trị chiến lược mà họ đạt được tại Việt Nam. Nhưng môi trường thoái vốn hiện không tốt bằng một vài năm nữa sau khi thị trường vốn của Việt Nam đã hồi phục từ cuộc khủng hoảng hiện tại.

Theo một số ước tính, PENM II đã mua vào MSN ở mức giá được xem như giá gốc là 35.000 - 36.000 đồng/CP. Ngày 19/9, khi giá của MSN trên sàn lên đến 154.000 đồng/CP, PENM II đã bán thỏa thuận 4 triệu MSN.

Nhiều khả năng, số tiền lãi mà quỹ này thu được vào khoảng 480 tỷ đồng, xấp xỉ 23 triệu USD. Lãi lớn là vậy, nhưng theo một số nhà phân tích đánh giá, ngoài khả năng chọn lựa CP tốt, có vẻ như BI cũng đã gặp may.

Như đã biết, MSN, BVH (Bảo Việt) luôn được các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF) tác động nhằm chi phối đến chỉ số VN-Index do đây là những CP có vốn hóa lớn hàng đầu thị trường.

MSN hiện đang có công ty con là Masan Consumer (MSC). Đây là một trong những công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, MSC hiện đang dẫn đầu trong thị phần nước chấm với nhãn hàng Chinsu nổi tiếng.

Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài (xin giấu tên) nhận định, xét về các yếu tố định giá mức từ 100.000 đồng/CP trở lên đã là khá cao so với MSN vì mặc dù những năm qua CP này đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng liệu điều này có thể duy trì trong 5 - 7 năm nữa để tương xứng với mức giá hiện nay hay không lại không dễ trả lời.

Tuy nhiên, đó lại là câu chuyện của tương lai, bởi lẽ trong khi những blue chip trong ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng phần nào gặp những khó khăn nhất định trong kinh doanh thì MSN hay VNM vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Ngành hàng tiêu dùng, dược, viễn thông vốn được xếp vào ngành mang tính phòng thủ, tức là biến động thường thấp hơn so với biến động chung của thị trường.

Vì vậy, nhiều khả năng các quỹ đầu tư sẽ lại tiếp tục tập trung vào những CP như MSN để đảm bảo có sự lựa chọn tốt và an toàn nhất, dù có hơi đắt chăng nữa. Nhớ lại hồi tháng 4, MSC đã bán 10% cổ phần cho Kohlberg Kravis Roberts (KKR) chuyên đầu tư vào các DN hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bán lẻ.

Mức giá mà KKR đã trả cho MSC lên đến 220.000 đồng/CP, tương ứng với P/E 2010 vào khoảng 22 lần. Từ chuyện KKR mua vào, với việc PENM II tìm bán được MSN cho một NĐT nào đó với giá khoảng 14, cho thấy ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng đang và sẽ tiếp tục (được kỳ vọng) sinh lời cho các quỹ đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 1: Lợi nhuận là trên hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO