Ai sẽ kiện vụ nước mắm Phú Quốc bị đăng ký ở Hong Kong?

21/09/2011 09:31

Với phản ứng khá chậm của hội Nước mắm Phú Quốc về vụ một công ty ở Hong Kong (công ty Viet Huong) đăng ký bảo hộ sản phẩm nước mắm Phú Quốc ở Hong Kong, Trung Quốc, dư luận lo ngại rằng với tình trạng "cha chung không ai khóc” này, tới khi gửi được đơn thì mọi việc rơi vào tình thế “sự đã rồi”.

Ai sẽ kiện vụ nước mắm Phú Quốc bị đăng ký ở Hong Kong?

Với phản ứng khá chậm của hội Nước mắm Phú Quốc về vụ một công ty ở Hong Kong (công ty Viet Huong) đăng ký bảo hộ sản phẩm nước mắm Phú Quốc ở Hong Kong, Trung Quốc, dư luận lo ngại rằng với tình trạng "cha chung không ai khóc” này, tới khi gửi được đơn thì mọi việc rơi vào tình thế “sự đã rồi”.

Không phải thông tin… mật

Báo Mỹ đã từng gọi nước mắm Phú Quốc của Việt Nam "là một báu vật quốc gia không thể sản xuất ra ở bất cứ nơi nào khác". Nay báu vật này đang bị đe doạ mất nhãn hiệu ở nước ngoài. Ảnh: Trần Việt Đức

Luật sư Lê Quang Vinh, công ty luật hợp danh Bross & Partners cho biết việc phát hiện Viet Huong Trading Company Limited cố tình đăng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc trên nhãn hiệu của công ty này tại Trung Quốc là "tình cờ đến bất ngờ”: 

“Ngày 15/9/2011 tôi có làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang với mục đích tìm hiểu xem liệu chỉ dẫn địa lý Phú Quốc có vấn đề gì không, thì bất ngờ phát hiện ra thông tin rất mới này. Thực sự chúng tôi cũng giật mình, vì trước đó tại thời điểm kiểm tra vụ cà phê Buôn Mê Thuột, chúng tôi cũng kiểm tra cả Phú Quốc nhưng chưa có thông tin gì".

Theo luật sư Vinh, đơn nộp xin đăng ký nhãn hiệu rất mới, ngày 1/5/2011, đăng ký ở nhóm 30 - loại thực phẩm có chứa sản phẩm nước mắm, tên công ty là Viet Huong Trading Company Limited, pháp nhân ở Hong Kong.

Các thông tin về việc đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc của công ty này có trên website cơ sở dữ liệu nhãn hiệu của Trung Quốc, công chúng có quyền truy cập, tìm hiểu thông tin chứ không phải thông tin mật như nhiều người nhầm tưởng.

Sau khi phát hiện sự việc, ngày 16/9/2011, công ty Bross & Partners đã gửi thông báo cho Hội nước mắm Phú Quốc tại Kiên Giang.

Theo suy đoán của ông Vinh thì công ty Viet Huong ở Hong Kong rất có thể liên quan tới một công ty đã “chiếm” nhãn hiệu Phú Quốc tại Mỹ từ cách đây 30 năm. Đó là công ty Viet Huong Fishsauce - Mỹ, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc từ năm 1982.

Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này từ năm 1982 tới nay sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” có hình bản đồ Việt Nam và đảo Phú Quốc.

Sau đó công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở EU và Úc. Mới đây nhất - năm 2006, công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên.

“Nhiều khả năng đây là công ty của người gốc Việt, chúng tôi suy đoán công ty Viet Huong ở Hong Kong nhiều khả năng cũng là công ty con của Viet Huong Hoa Kỳ”, ông Vinh nói.

Để xác minh việc này, cần phải trả chi phí cho luật sư ở Hong Kong. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, sau khi gửi thư cảnh báo thì công ty Bross & Partners chưa nhận được phản hồi chính thức nào từ phía Hội nước mắm Phú Quốc.

“Hiệp hội chưa trả lời trực tiếp chúng tôi mà gián tiếp qua báo chí, sáng nay tôi đọc trên một số báo thì thấy bà chủ tịch xác nhận nhận được cảnh báo ngày 17/9”, luật sư Vinh nói.

Ai sẽ gửi đơn phản đối?

Ảnh mẫu nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị Viet Huong đăng ký tại Hoa Kỳ năm 1982

Theo qui định của Trung Quốc, nhãn hiệu đăng ký sẽ được cấp bảo hộ nếu địa danh Phú Quốc trong trường hợp này chưa phải là nổi tiếng đối với cộng đồng người dân Trung Quốc.

Hiện cơ quan có thẩm quyền đang xem xét, vì vậy nếu phía Việt Nam không nhanh chóng phản đối thì đương nhiên phía Trung Quốc sẽ cấp nhãn hiệu này theo đúng quy định.

Theo luật sư Vinh, so với vụ mất thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột, vụ việc Phú Quốc được phát hiện sớm hơn nên mọi việc tương đối dễ dàng, chỉ cần gửi đơn phản đối và chờ đợi.

"Nếu không thành công thì đơn xin đăng ký nhãn hiệu của Viet Huong cũng bị chậm 2-3 năm, bản thân cơ quan cấp nhãn hiệu Trung Quốc sẽ rất thận trọng, bởi khi có đơn phản đối nhãn hiệu đang xin đăng ký có nghĩa bản thân nhãn hiệu đó có thể là đối tượng của một cuộc tranh chấp”.

Theo luật Trung Quốc thì bất cứ người thứ ba nào trong vụ việc này nếu có căn cứ cho rằng việc đăng ký đó ảnh hưởng tới quyền và lợi ích, có thể gây thiệt hại cho mình về uy tín, thương hiệu, doanh thu…đều có quyền gửi đơn phản đối Viet Huong.

Cụ thể ở đây là hội Nước mắm Phú Quốc hoặc bất cứ doanh nghiệp nào trong Hội. Thực tế, hội Nước mắm Phú Quốc đã được giao thẩm quyền khai thác tên thương mại, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc và Hội hiện có chức năng, căn cứ pháp lý để cấp giấy phép cho các đơn vị được sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc.

Tuy nhiên, với phản ứng khá chậm của hội Nước mắm Phú Quốc, dư luận lo rằng tới khi gửi được đơn thì “mọi việc đã rồi”.

Cách nào bảo vệ các chỉ dẫn địa lý? Theo phân tích của các chuyên gia sở hữu trí tuệ, việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý như Phú Quốc là bảo vệ có giới hạn - nghĩa là giới hạn quyền theo lãnh thổ.

Nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam sẽ không có hiệu lực ở quốc gia khác, do vậy muốn được bảo vệ ở nước ngoài thì phải nộp đơn ra nước ngoài đăng ký.

Theo luật sư Vinh, có hai giải pháp “bảo vệ” cho các chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của Việt Nam không bị chiếm đoạt ở nước ngoài: nộp từng đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho từng thị trường một, cách này tương đối cầu kỳ và tốn kém.

Cách thứ hai, có thể sử dụng đăng ký theo hiệp định Madrid, chuyển chỉ dẫn địa lý này sang nhãn hiệu tập thể, Hiệp hội đăng ký và có danh sách các thành viên được quyền sử dụng nhãn hiệu và sau này xác định ai không nằm trong danh sách này thì bị coi là xâm phạm.

Nếu đăng ký theo hiệp định Madrid thì có thể đăng ký toàn cầu với chi phí là 20 ngàn USD là được bảo vệ ở tối đa 84 nước.

Cũng cần nói thêm rằng hiện nay Việt Nam chưa tham gia công ước nào về chỉ dẫn địa lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ai sẽ kiện vụ nước mắm Phú Quốc bị đăng ký ở Hong Kong?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO