4 nút thắt ngành chăn nuôi cần tháo gỡ

Minh Hào| 03/08/2022 00:21

Ngành chăn nuôi Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc thời gian qua, nhưng hiện đang đối diện nhiều thách thức mới trong mục tiêu cạnh tranh được trong môi trường toàn cầu.

4 nút thắt ngành chăn nuôi cần tháo gỡ

Thời gian qua, ngành chăn nuôi đã từng bước hội nhập mạnh mẽ với khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực sản xuất và đã tạo sinh kế cho gần 10 triệu hộ gia đình, đóng góp 25,2% vào GDP nông nghiệp. Trong giai đoạn 2010 - 2021, sản lượng thịt đã tăng 1,7 lần (từ 4 triệu tấn lên 6,7 triệu tấn), trứng tăng 2,7 lần (từ gần 6,4 tỷ quả lên 17,5 tỷ quả), thức ăn chăn nuôi  tăng hơn 2 lần (từ 10,5 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn)…

Năm 2021, Việt Nam có tổng đàn heo 28,1 triệu con, đứng đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 2 châu Á và thứ 6 thế giới. Tương tự, sản lượng gia cầm Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 31 thế giới khi đạt 525 triệu con. Cùng với đó, 2,3 triệu con trâu, 6,5 triệu con bò và 2,8 triệu con dê…  

Dù vậy, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, có 4 nút thắt cần tháo gỡ.

Thứ nhất, hiện nay, tổ chức sản xuất trong ngành chăn nuôi thiếu kiên kết giữa sản xuất và thị trường, quản trị trong sản xuất còn yếu, năng suất còn thấp, đặc biệt là khu vực nông hộ và trang trại nhỏ.  Cụ thể, tính đến năm 2021, cả nước mới chỉ có 1.100 liên kết chăn nuôi (tổ hợp tác, nhóm hộ và hợp tác xã chăn nuôi). Chỉ 5% trong số đó có thực hiện chuỗi liên kết áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, nhưng liên kết chuỗi còn lỏng lẻo, dễ đổ vỡ khi có biến động dịch bệnh, thị trường. 

Thứ hai, những năm qua, ngành chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu đến 19 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cho đến nay, Việt Nam chỉ mới chủ động được một phần con giống, và hằng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn con giống từ nước ngoài.

-9538-1659512311.jpg

Cục trưởng Cục chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng ngành chăn nuôi phải thay đổi để thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới

Thứ ba, mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, hoạt động giết mổ thủ công còn rất phổ biến, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn yếu, quản lý an toàn thực phẩm chưa tốt, vì vậy mà sản phẩm chăn nuôi Việt Nam thiếu cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Thứ tư, quy trình chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, việc kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ. Đã vậy, dịch bệnh vẫn liên tục đe dọa sự bền vững của nền sản xuất chăn nuôi. 

Cũng theo ông Thắng, ngành chăn nuôi phải thay đổi để thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới, và vì vậy cũng đối diện nhiều thách thức mới về toàn cầu hóa thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và cách mạng công nghệ 4.0.

Hiện cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng căng thẳng khi Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia 17 hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới, trong đó có các Hiệp định thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…). Yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải ngon hơn, an toàn thực phẩm cao hơn, giá thành sản xuất phải rẻ hơn mới tạo được lợi thế cạnh tranh. Áp lực về giá thành sản xuất và cạnh tranh về giá cả, chất lượng ngày càng tăng cao trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã và đang làm ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Và ô nhiễm từ chăn nuôi sẽ tăng khi chăn nuôi ở quy mô lớn nhưng yếu kém trong kiểm soát chất thải.

Việt Nam được dự báo là quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình biến đổi khí hậu. Ngành chăn nuôi bên cạnh việc đảm bảo an ninh dinh dưỡng cần đổi mới phương thức chăn nuôi và quan lý chất thải để từng bước cùng các ngành khác thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ đưa mức phát thải ròng về “Zero” vào năm 2050.

Dịch bệnh trên người (Covid-19) và động vật (dịch tả lợn châu Phí) diễn biến phức tạp, tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng trong nước cũng như toàn cầu làm phát sinh những biến động lớn cho ngành. 

-1376-1659512311.jpg

Máy  móc  thiết  bị  triển  lãm tại LDEX Vietnam 2022

Thêm vào đó, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá trong quản lý, quản trị và sản xuất với xu hướng chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao. Các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số sẽ phát triển mạnh. Nếu ngành chăn nuôi không đổi mới, sáng tạo và bắt kịp xu hướng phát triển thì không thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ông Thắng cho rằng, muốn vượt thách thức, tận dụng cơ hội phát triển, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi cần tăng cường hợp tác, phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị: từ giống vật nuôi, thức ăn chănn uôi, tổ chức sản xuất, giết mổ và chế biến, phân phối thị trường trong và ngoài nước. Song song đó là đầu tư hợp tác và đầu tư công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung…, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải kết nối, hợp tác với người chăn nuôi đổi mới quy trình, tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ.  

Tăng cường chuyển đổi số ngành chăn nuôi, ứng dụng các công nghệ tiên tiến đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, phát triển trên cơ sở cân đối cung cầu giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Triển lãm và hội thảo quốc tế về chăn nuôi, thú y, sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thủy sản (ILDEX Vietnam 2022) với sự tham gia của 200 doanh nghiệp đến từ Ý, Anh, Mỹ, Pháp, Cộng hòa Séc, Brazil, Thái Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Việt Nam… diễn ra tại Trung tâm Triển lãm SECC TP.HCM từ ngày 3 - 5/8/2022.

Tại đây, các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm và công nghệ mới và tham gia các hội thảo chuyên ngành về chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 nút thắt ngành chăn nuôi cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO