Prudential là một trong 3 doanh nghiệp đầu tư mạnh vào kinh doanh trực truyến. Ảnh: X.Thảo |
Khi "ông lớn" nhập cuộc
Cuối tháng 8/2018, Công ty Manulife Việt Nam công bố dịch vụ "Bồi thường dễ dàng (EasyClaims), áp dụng cho hồ sơ yêu cầu bồi thường trợ cấp nằm viện với thời gian hoàn tất mọi quy trình chỉ trong một phút. Theo đó, thay vì đến văn phòng hoặc qua đại lý, khách hàng của Manulife chỉ mất một phút trên website để hoàn tất bộ quy trình yêu cầu bồi thường bảo hiểm. Trước khi triển khai dịch vụ này, năm 2017, Manulife Việt Nam đã triển khai nhiều ứng dụng, dịch vụ qua internet trong các khâu làm hồ sơ bảo hiểm, thanh toán phí bảo hiểm định kỳ.
Đầu năm 2018, Công ty FWD đưa 100% sản phẩm bảo hiểm bệnh ung thư bán trên kênh trực tuyến, không qua công đoạn tư vấn trực tiếp bởi đại lý bảo hiểm và phát hành hợp đồng trực tuyến. Khách hàng chỉ cần điền mọi thông tin đầy đủ và xác nhận bằng mã OTP để hoàn tất thủ tục.
Prudential Việt Nam cũng đã hoàn thiện hành trình trải nghiệm khách hàng bằng các giải pháp số. Chẳng hạn, khi khách hàng cần tìm kiếm thông tin và tư vấn sản phẩm đã có chatbot "Prubot" và phần mềm Matchbook giúp đặt lịch hẹn với chuyên viên tài chính.
Công ty kết nối các công cụ hỗ trợ giao dịch bảo hiểm thành một chuỗi trải nghiệm hoàn chỉnh, như biên nhận thu phí điện tử, cổng thông tin khách hàng PRUonline (trên website và ứng dụng đi động), nộp hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm 24/7 trên ứng dụng Zalo, và mới đây nhất là bán sản phẩm bảo hiểm ung thu PRU-iProtect trên ePrudential với duy nhất một câu hỏi thẩm định.
Như vậy, đến nay Prudetial đã giao quyền chủ động cho khách hàng từ hỏi đáp thông tin, đặt lịch hẹn với chuyên viên tài chính cũng như mua sản phẩm bảo hiểm, quản lý hợp đồng, đóng phí đến yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm chỉ với vài cú chạm trên smartphone.
Xu hướng kinh doanh này đang được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hưởng ứng. Trong đó, đầu tháng 10 tới, Generali Việt Nam sẽ triển khai sản phẩm trực tuyến. Để chuẩn bị cho hình thức kinh doanh này, hơn một năm qua, Generali đã có những bước "chạy đà" khi ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giải quyết quyền lợi bảo hiểm qua tin nhắn.
Bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty Generali Việt Nam từng chia sẻ sẽ đưa Generali trở thành thương hiệu bảo hiểm được ưa thích tại Việt Nam qua việc hiện thực hóa phương châm hoạt động "đơn giản, hiệu quả, lấy khách hàng làm trọng tâm". Công ty đã thực hiện nhiều cải tiến nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Trong đó, việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục liên quan đến giải quyết quyền lợi bảo hiểm là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Nhiều tiềm năng
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, trong thời đại kỹ thuật số, khách hàng có những yêu cầu cao hơn với các giải pháp tài chính. "Họ rất thích công nghệ, ưa smartphone. Để tiếp cận họ, các công ty bảo hiểm nhân thọ phải thay đổi", lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại TP.HCM chia sẻ.
Báo cáo Xu hướng số hóa ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được Fintelekt công bố tháng 3/2017, dự báo xu hướng kinh doanh bảo hiểm nhân thọ qua các ứng dụng điện thoại di động sẽ ngày càng tăng. Người dùng dành nhiều thời gian trực tuyến và quen với việc mua sắm trực tuyến hơn. Đây là điều kiện thuận lợi, gián tiếp tăng khả năng làm quen và chấp nhận mua những sản phẩm tài chính trực tuyến, cụ thể là bảo hiểm trực tuyến.
Lợi thế lớn nhất của hình thức bán hàng trực tuyến, theo các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là đơn giản và nhanh chóng. Nếu như trước đây, việc sở hữu một gói bảo hiểm thường tốn khá nhiều thời gian và thủ tục thì nay quy trình được rút ngắn chỉ với vài cú nhấp chuột. Với bảo hiểm trực tuyến, thời gian phát hành hợp đồng sẽ được rút ngắn chỉ còn tối đa khoảng 10 - 20 phút (thay cho quy trình 15 - 30 ngày trước kia). Với công nghệ hiện đại, khi giao dịch, hệ thống sẽ căn cứ vào hồ sơ trực tiếp mà khách hàng cung cấp để thẩm định, phê duyệt và phát hành hợp đồng.
Đánh giá về xu hướng này, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho rằng, kinh doanh bảo hiểm trực tuyến đang có những thuận lợi như được cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, trực tiếp là Cục Quản lý giám sát bảo hiểm) ủng hộ việc phát triển thị trường thương mại điện tử trong bảo hiểm, các ngành thương mại và dịch vụ tài chính khác (ngân hàng, vay tiêu dùng) đã triển khai mạnh mẽ, do vậy bảo hiểm cũng được đón nhận như một tất yếu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có hệ thống công nghệ thông tin tốt và được chia sẻ kinh nghiệm từ nước ngoài.
Thêm vào đó, hiện số lượng người sử dụng công cụ trực tuyến và mạng trực tuyến lớn. Tuy nhiên, hình thức này cũng có những khó khăn nhất định. Đó là chưa có khung pháp lý hướng dẫn cụ thể về giao dịch điện tử trong hoạt động bảo hiểm. Nhiều người vẫn quen với hợp đồng giấy, con dấu mà chưa quen với hợp đồng điện tử và chữ ký số.
Khách hàng của bảo hiểm trực tuyến sẽ giới hạn hơn (trước hết là giới trẻ - những người ưa sử dụng công nghệ, nhưng hiện nay tỷ lệ tham gia bảo hiểm của đối tượng này còn thấp). Hy vọng Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, bổ sung thêm lĩnh vực bảo hiểm sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm dễ dàng hơn trong việc triển khai bảo hiểm trực tuyến.
Các doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng và xu hướng thương mại điện tử đang diễn ra mạnh mẽ buộc doanh nghiệp bảo hiểm không thể đứng ngoài. Tuy nhiên, đầu tư bảo hiểm trực tuyến là đầu tư dài hơi, vì thế cuộc đua này sẽ chỉ dành cho những doanh nghiệp có nguồn lực và kiên định với chiến lược đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm khách hàng.