Kiều hối: Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa

QUỲNH CHI| 25/02/2010 08:16

Trong bối cảnh lượng cung ngoại tệ đang rất lớn trên thị trường hiện nay nhưng các NH lại gặp khó khăn trong việc mua USD là một điều đáng cân nhắc.

Kiều hối: Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa

"...Ngoài nguyên nhân tỷ giá thấp, việc nhiều người dân không muốn bán USD cho NH còn là do khi họ cần mua ngoại tệ phục vụ các nhu cầu chính đáng như du học, du lịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài thì thường không được NH đáp ứng, hoặc nếu có thì với số lượng rất ít và thủ tục phiền phức".

Thiếu trong ngân hàng

Ở Việt Nam, kiều hối phần nhiều do cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài lâu năm gửi về, những người này tương đối khá giả và hiện nay đang đầu tư về nước, đôi khi gắn với kế hoạch nghỉ hưu của họ. Đó là lý do khiến nhiều chuyên gia nhận định, kiều hối năm nay không giảm nhiều. Nói như thế bởi luồng lưu chuyển lao động mới dù đã giảm, nhưng số lao động di cư từ trước hầu như không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng.

Lãi suất huy động USD được các ngân hàng điều chỉnh tăng với biên độ khá rộng - Ảnh Quý Hòa

Hiện nay, kiều hối là một phần hết sức quan trọng trong cán cân tài khoản vãng lai ở Việt Nam. Ý nghĩa đặc biệt của nó còn thể hiện ở chỗ Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn là một nước nhập siêu, và vì thế cần nguồn ngoại tệ mạnh để bù vào khoảng trống trong cán cân thương mại. Thế nhưng, một nghịch lý kéo dài là phần lớn khách hàng nhận kiều hối qua NH đã không bán lại cho NH.

Số ngoại tệ này được nhiều người dân cất giữ, hoặc đơn giản hơn là bán ra thị trường tự do thông qua hệ thống các cửa hàng vàng. Làm như vậy không chỉ thuận tiện, mà điều đáng nói là tỷ giá luôn cao hơn ở NH. Thực tế này không chỉ gây mất cân đối cung cầu ngoại tệ, làm gia tăng nạn buôn lậu, mà còn gây sức ép lên sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cũng giải thích vì sao thời gian qua, các NH liên tục tăng lãi suất tiền gửi bằng USD nhằm thu hút ngoại tệ cũng như hy vọng người dân sau khi nhận kiều hối sẽ đem gửi NH.

Theo đó, vài tuần gần đây, lãi suất huy động USD trên thị trường tiền tệ được các NH điều chỉnh tăng với biên độ khá rộng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, lượng huy động bằng ngoại tệ của các NH trên địa bàn năm 2009 là 167.206 tỷ đồng, tăng 39,6% so với năm 2008 và chiếm 27,7% tổng huy động vốn của các NH. Trước Tết không lâu, lãi suất huy động USD của các NH trên địa bàn tăng từ 0,1%- 0,3% so với trước đó và lãi suất dao động từ 3,3% - 4,5% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Cụ thể, NH Quốc tế (VIB) đã tăng lãi suất tiền gửi đối với USD từ 0,43% - 0,85%/năm ở tất cả các kỳ hạn; mức cao nhất lên tới 4,13%/năm. NH TMCP Sài Gòn (SCB), NH TMCP Đông Nam Á (SeABank), NH Eximbank tăng thêm khoảng 0,3%/năm cho tất cả các kỳ hạn... Động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD của khá nhiều NH được giới chuyên gia tài chính đánh giá là để đón đầu nguồn kiều hối về VN trong dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi ngoại tệ dù đã được điều chỉnh vẫn bị khách hàng đánh giá thấp, khiến nhiều người dân rút ngoại tệ từ NH để cất giữ, đầu tư vào những lĩnh vực khác hoặc bán ngoại tệ lấy nội tệ gửi tiết kiệm... Còn theo ý kiến một số NH, do lãi suất VND cao hơn nhiều so với lãi suất USD, nên doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thường bán đi lấy VND gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác làm nguồn tiền gửi USD của NH giảm đi. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lại thích vay USD vì lãi suất thấp hơn.

Thừa trong dân

Trong bối cảnh lượng cung ngoại tệ đang rất lớn trên thị trường hiện nay nhưng các NH lại gặp khó khăn trong việc mua USD là một điều đáng cân nhắc. Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc NH Sacombank, cho biết, doanh số chi trả kiều hối qua Sacombank trong năm 2009 là 850 triệu USD, nhưng chỉ 10% trong số đó được bán lại cho NH, và cũng rất ít người gửi lại NH. Theo ông Huy, nếu NH chỉ cần mua được 50% số đó thì sẽ giải quyết khá tốt nguồn cung ngoại tệ hiện nay. Lý do khiến khách hàng không bán ngoại tệ lại cho NH là vì giá ngoài thị trường tự do cao hơn nhiều so với giá trong NH.

Tương tự, bà Hồ Thị Thanh Trúc, Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), cho biết, lượng kiều hối NH mua lại từ khách hàng của mình thậm chí còn không bằng 10% doanh số kiều hối qua NH mặc dù đã thuyết phục khách hàng bằng đủ mọi cách. Nguyên nhân cũng là do giá bán USD cho NH thấp hơn nhiều so với bán ở ngoài thị trường tự do. Thông thường, giá USD trên thị trường tự do khoảng 19.400 - 19.440 đồng/USD (mua vào - bán ra), trong khi giá niêm yết của các NH là 18.400 - 18.479 đồng/USD.

Có thể nói, nếu cân đối chung toàn hệ thống NH, chắc chắn nguồn vốn ngoại tệ vẫn đủ thực hiện mức dự trữ bắt buộc, thanh khoản và dư khả năng cho vay. Thêm vào đó, thông tin về tình trạng USD đang dư thừa trong lưu thông khiến ít người để ý đến hiện tượng tăng lãi suất USD của một số NH TMCP hiện nay. Có ý kiến cho đó chỉ phản ánh khó khăn cục bộ, ngắn hạn của vài NH quy mô nhỏ. Nhưng xét về tính dây chuyền của hoạt động NH thì mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nếu để cuộc đua tăng lãi suất ngoại tệ lan rộng (trước là lãi suất huy động, tiếp theo là lãi suất cho vay) thì hệ lụy của nó trước hết ảnh hưởng đến các NH, sau là doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, ngoài nguyên nhân tỷ giá thấp, việc nhiều người dân không muốn bán USD cho NH còn là do khi họ cần mua ngoại tệ phục vụ các nhu cầu chính đáng như du học, du lịch, khám chữa bệnh ở nước ngoài thì thường không được NH đáp ứng, hoặc nếu có thì với số lượng rất ít và thủ tục phiền phức. Do vậy, bên cạnh thói quen mua, bán USD tại các cửa hàng vàng, nhiều người dân đã chọn cách cất giữ loại ngoại tệ này. Trong khi đó, các NH cho biết, chỉ cần 50% lượng kiều hối chuyển về được bán cho NH thì sẽ giải quyết cơ bản nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu.

BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG NGOẠI TỆ 2010

Theo PGS - TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước nên duy trì mức tỷ giá hiện tại là 17.961 đồng/USD trong thời gian dài, để không tạo ra sự nặng nề thêm cho nền kinh tế. Về lâu dài, tùy theo tình hình mà có sự điều chỉnh linh hoạt tiếp theo. Vấn đề nan giải hiện nay là làm sao phải hạn chế được nhập siêu cao.

Muốn vậy, Nhà nước phải dùng giải pháp hàng rào kỹ thuật, dùng nghiệp vụ trong hệ thống ngân hàng; dùng chính sách hỗ trợ sản xuất, nhất là sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, phải vận động liên tục và hiệu quả để người dân thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời phải ngăn chặn được tình trạng buôn lậu qua biên giới. Có vậy, Việt Nam mới hy vọng hạn chế nhập siêu và ổn định tỷ giá, chứ không phải chỉ bằng cách tăng tỷ giá USD/VND.

Nhiều thời điểm, tỷ giá trên thị trường tự do có độ vênh lớn so với thị trường chính thức, đã tạo điều kiện cho hoạt động găm giữ, đầu cơ, lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước đã phải triển khai biện pháp liên kết với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Tổng cục An ninh, UBND TP. Hà Nội, TP.HCM tăng cường kiểm soát hoạt động ngoại tệ, vàng trên thị trường chợ đen, được coi là phương án mạnh tay để trấn tĩnh thị trường.

Thời gian tới, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhiều hơn nữa về phương pháp xử phạt cụ thể để người dân thấy rõ chủ trương này và góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiều hối: Thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO