Ngày 29/5/2023, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội thảo "Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài góp ý về các giải pháp thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM". Hội thảo được tổ chức từ sự chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan sau thành công của hội thảo lấy ý kiến các về "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố" diễn ra hôm 22/5/2023 trước đó cũng do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp tổ chức.
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm lấy ý kiến trong đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TP.HCM và ở các nước trên thế giới, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở các nước có nguồn kiều hối từ kiều dân gửi về như Ấn Độ, Philippines… để tổng hợp xây dựng "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM". Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến.
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: TQT |
Theo thông tin từ ban tổ chức hội thảo, trong suốt thời gian qua và trong 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM luôn trong xu hướng tăng trưởng qua từng năm và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Đến năm 2022, kiều hối chuyển về địa bàn chiếm 55,03% so với cả nước, lượng kiều hối chuyển về thành phố ngoài thị trường truyền thống từ Mỹ, Úc, Canada và châu Âu đã được mở rộng sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng như các quốc gia khác có tiếp nhận lao động xuất khẩu của Việt Nam.
Riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong quý I/2023 đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước và dự báo lượng kiều hối về thành phố có thể đạt 7 tỷ USD trong năm 2023, tăng khoảng 6-7% so với năm 2022.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về trong 5 năm gần đây trên địa bàn TP.HCM luôn đạt mức tăng trưởng khá. Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về thành phố đạt 4,7 tỷ USD, tăng 8,8%; năm 2019 đạt 5,45 tỷ USD, tăng 15,8%; năm 2020 là 6,09 tỷ USD, tăng 11,8%. Con số cao nhất là năm 2021, đạt 7,07 tỷ USD, tăng 16% và năm 2022 đạt 6,6 tỷ USD, giảm 7%. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm qua, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM tăng 7,6%/năm.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TQT |
Theo nhận định của đại diện Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu thu hút kiều hối tăng trưởng bình quân 10% mỗi năm của TP.HCM hiện nay là khả thi, tuy nhiên thành phố vẫn cần phải thực hiện nhanh, đồng bộ nhiều giải pháp để thu hút kiều hối, là một trong những nguồn lực quý báu, trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe phần trình bày tham luận của TS. Trần Phương Trà - Giám đốc chương trình quản trị kinh doanh của IPAG Business School (Pháp), Giám đốc mạng lưới kinh tế - chính sách của ASVE về xây dựng chính sách thu hút kiều hối cho TP.HCM; của Đại sứ Hoàng Huy Chung, Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Philippines về chính sách thu hút kiều hối của chính phủ Philippines. Ngoài ra, các đại biểu cũng nghe phần chia sẻ của bà Trần Tuệ Tri, là người Việt Nam tại Singapore, hiện là CEO của chuỗi nhà thuốc Pharmacity và nhiều kiều bào, chuyên gia và nhà khoa học khác.
Có thể khẳng định rằng, đối với lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt làm việc tại nước ngoài, đây là nguồn lực có nhu nhập cao và được phép mang gia đình theo. Vì vậy, nguồn kiều hối đổ về chủ yếu là tích lũy và đầu tư. Với kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và am hiểu Việt Nam, họ mong muốn sẽ quay trở lại và quan tâm nhiều đến các cơ hội đầu tư tốt tại quê nhà. Nhằm thu hút hơn nữa lượng kiều hối từ nhóm này, thì các kênh chuyển tiền chính thức cần nhanh chóng, thuận lợi hơn. Việc các ngân hàng đầu tư tốt hơn cho ngân hàng số, dễ sử dụng, nhanh chóng, lãi suất tốt, giảm chi phí chuyển tiền cũng sẽ không những thu hút nguồn ngoại tệ, mà còn gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.