Nhân sự siêu nhảy việc và văn hóa ba thế hệ
Phát biểu tại hội nghị "HR Tech Conference 2022 - Thu hút và giữ chân nhân tài bằng trải nghiệm số” do TopCV Việt Nam tổ chức đầu tháng 11, ông Vũ Đức Trí Thể - Giám đốc Giải pháp Học viện Quản lý PACE nhận định, thị trường nhân sự Việt Nam đang xuất hiện nhiều biến động với tình trạng "siêu nhảy việc", khiến các doanh nghiệp (DN) đang phải "đau đầu" với bài toán thu hút và giữ nhân sự.
Cùng với đó, một trong những tình trạng mà DN lo lắng trong việc sử dụng và giữ nhân tài là khoảng cách thế hệ. Theo đó, hiện nay tại một DN có thể có ba thế hệ làm việc cùng nhau. Sự khác biệt trong phong cách sống, tư duy giữa các thế hệ dễ dẫn đến mâu thuẫn trong tác phong và văn hóa làm việc. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều lao động nghỉ việc vì không hòa hợp được với đồng nghiệp hoặc văn hóa làm việc của DN.
Ông cho biết thêm, hiện có tình trạng người lao động "khủng hoảng hiện sinh", tức gặp tình trạng không biết mình là ai, không biết làm gì để vui, làm gì để hạnh phúc. Đây là nguyên nhân làm nhân viên dễ nao núng tinh thần, thiếu tính gắn bó và dễ dàng bị lay động khi có sự cố. Khủng hoảng hiện sinh không chỉ là vấn đề của nhân viên, nhiều doanh nhân cũng mắc phải. Ngày trước, việc đặt mục tiêu 5-10 năm DN có thể định hướng được, còn hiện tại nhiều DN không vạch được tầm nhìn tương lai ngay khi vừa trải qua giai đoạn khó khăn.
Theo đó, ông Trần Trung Hiếu - Tổng giám đốc Điều hành Công ty CP TopCV Việt Nam (TopCV) cho rằng, xây dựng văn hóa số chính là xu hướng để giữ nhân sự, bởi vì dù muốn hay không, các nhà quản lý phải chấp nhận làm việc với gen Z. Đây là thế hệ của trải nghiệm nên gen Z sẽ cần nhiều hơn trong câu chuyện đi làm, chứ không chỉ có kiếm tiền và thu nhập.
"Báo cáo tuyển dụng TopCV năm 2022 cho thấy, 70% các bạn trẻ đặt yếu tố cơ hội được phát triển, học hỏi là yếu tố quan trọng nhất khi đi làm. Câu chuyện văn hóa số là câu chuyện văn hóa DN cộng với số hóa sẽ gia tăng sự trải nghiệm của nhân viên", ông Hiếu nhấn mạnh.
Kiến tạo văn hóa số trong DN
Theo ông Thể: "Một trong những trải nghiệm giúp nhân viên gắn bó là trải nghiệm số, tạo nên văn hóa số sẽ giúp các nhân viên, đặc biệt là các bạn trẻ tìm được mình, được là chính mình. Người lãnh đạo muốn giữ chân nhân viên phải khơi dậy niềm tin, thực thi chiến lược, phát huy tiềm năng và kiến tạo tầm nhìn".
Cũng theo ông Hiếu, để triển khai văn hóa số cho DN, đầu tiên phải xem con người là trung tâm mọi quyết định. DN cần dựa trên các nguyên lý sau. Đầu tiên, phải xem mỗi một nhân viên trong tổ chức là một khách hàng và DN phải làm việc với nhân viên giống như làm việc với khách hàng. Bởi vì khi đã đặt nhân viên làm trọng tâm của mọi sự phát triển và mọi tương tác thì lúc đó DN mới chú trọng việc nên làm gì để làm cho nhân viên có trải nghiệm tốt hơn, làm cho họ thấy hạnh phúc hơn trong tổ chức. Ví dụ, khi đưa lên nền tảng số một sự kiện về sinh nhật sẽ nhanh chóng nhận được sự hào hứng, tương tác, chúc mừng của các nhân viên. Và như vậy, công nghệ được áp dụng sẽ được đón nhận và hưởng ứng một cách tự nhiên nhất.
Thứ hai, DN cần phải tạo ra nhiều sự tương tác. Sự tương tác đơn giản là người A tương tác với người B để thực hiện một mục tiêu nào đó mà công ty đặt ra. Khi có nhiều sự tương tác thì DN cần quan tâm đến data. DN có nhiều dữ liệu dựa trên những sự tương tác và dữ liệu đó cần được theo dõi bằng kỹ thuật số. Thứ ba, DN có được dữ liệu thì cần xác định việc ứng dụng công nghệ có hiệu quả không, mọi người có cảm thấy tích cực hơn không, sự tích cực đó được đo bằng con số nào, bằng dữ liệu nào. Thứ tư, đề xuất với ban lãnh đạo, với CEO để có những quyết định đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động này.
"Điều quan trọng nhất trong việc xây dựng văn hóa số, đó là tầm nhìn của DN thể hiện qua các lời hứa. Lời cam kết đó phải thật rõ ràng từ những người lãnh đạo cao nhất. DN không có cách nào khác để giữ chân nhân tài nếu không xây dựng được văn hóa - một giá trị cốt lõi", ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Richard Qiu - Chủ tịch New Ventures, Udemy và ông Will Polese - Giám đốc Bán hàng New Ventures, Udemy cũng đưa ra nhiều số liệu thống kê trên toàn cầu và quan điểm đồng nhất về tầm quan trọng của việc tối ưu trải nghiệm số, giúp thu hút cũng như giữ chân nhân tài hiệu quả hơn.
Trong thời đại công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, việc đăng tuyển dụng nhân sự và chờ đợi không phải là phương pháp duy nhất, mà thay vào đó DN có thể thực hiện mô hình 5A trong marketing: Awareness (nhận biết) - Appeal (cuốn hút) - Ask (tìm hiểu) - Action (hành động) - Advocate (giới thiệu).
Hiện nay, số lượng người dùng Facebook và LinkedIn hay các nền tảng khác rất nhiều, vì vậy nhiều DN tận dụng nguồn lực có sẵn, lên những chiến dịch trên nền tảng số để tuyển dụng nhân sự. Vì thế, Digital Recruitment Marketing là công cụ mà bất cứ DN nào cũng nên sử dụng. Bởi chỉ khi nắm bắt kịp thời sự phát triển thì DN mới có thể cạnh tranh thắng lợi trong việc thu hút nhân tài.
Theo bà Vũ Ngọc Tuyết - Chief Human Resources Officer - Edupia, có hai điều mà DN có thể tham khảo để tiếp thị việc làm kỹ thuật số hiệu quả là data và tư duy (mindset).
Ngoài ra, DN cần xác định đường dài khi áp dụng kênh tiếp thị việc làm kỹ thuật số liên quan đến con người, không riêng gì tuyển dụng. Nó không phải là một công cụ giúp DN đạt được KPI hoặc cho thấy ứng viên ứng tuyển rất nhiều hoặc có rất nhiều tương tác tốt, mà phải xác định đây là một chiến lược lâu dài. Không phải tuyển một nhân viên làm nội dung (content) hay một Facebook (FB Ads, Google Ads) là đã làm Digital Employment Marketing. Nếu như trước đây nhà tuyển dụng đơn thuần làm chuyên môn tuyển dụng thì bây giờ mindset của DN có thể là một sales. "Chạy số KPI" nhưng phải có tư duy của một marketer, phải có chuyên môn làm tuyển dụng.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Partner of Leaders and Culture - Newing nêu quan điểm: "Để văn hóa DN phù hợp với người Việt, DN cần phải thêm "bộ mẫu DNA". Đó là kỷ luật, là làm đúng thời hạn, kiên trì và có tầm nhìn dài hạn".