Dựa trên quy định của Luật Xuất bản, có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Với việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, các doanh nghiệp hay nhà xuất bản khác nhau sẽ được tham gia in ấn, phát hành… đồng thời, cơ chế tài chính của bộ sách mới và bộ sách hiện hành khác nhau, các nhà xuất bản tự bỏ tiền chi cho khâu biên soạn nên giá sách chịu các yếu tố tác động của thị trường, giống các sản phẩm khác.
Theo quy định của Luật Giá, sách giao khoa thuộc mặt hàng do các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà xuất bản kê khai giá sách giáo khoa; rà soát tiết giảm tối đa chi phí sản xuất để giảm giá sách; phối hợp với các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hỗ trợ thư viện trường học để có đủ sách…
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận: “Cơ chế kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau, tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn”.
Giá sách giáo khoa cho năm học sắp tới đối với các bộ sách do các nhà xuất bản phát hành theo chương trình giáo dục phổ thông mới đã cao hơn gấp 2-3 lần so với các bộ sách của chương trình năm 2006. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Việc đưa sách giáo khoa vào danh mục các loại hàng hóa được Nhà nước định giá sẽ hạn chế tối đa tình trạng “tăng dần đều” qua các năm của loại hàng hóa đặc biệt này.