Kinh doanh

Khuyến nghị các doanh nghiệp Việt khi giao dịch với đối tác Tây Á

Hạo Hiển 27/04/2024 16:49

Sau vụ việc một công ty Việt suýt mất hơn 13 tỷ khi mua hàng từ đối tác các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý trong giao dịch kinh doanh thương mại với đối tác các nước tại Tây Á.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), đơn vị này vừa nhận được thư điện tử của một doanh nghiệp Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ một đối tác tại UAE, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo 526.257 USD (hơn 13,4 tỷ đồng).

Cụ thể, trong tháng 1-2/2024, doanh nghiệp này đã ký 3 hợp đồng mua hàng, có tổng lượng mua là 1.000 tấn nhựa PET. Giá trị theo hợp đồng là 665.500 USD giao hàng tại Hải Phòng theo hình thức CFR.

Đến giữa tháng 3, doanh nghiệp Việt Nam đã thanh toán cho đối tác số tiền là 526.257 USD. Sau khi nhận đặt cọc, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi mở tờ khai và nhập hàng vào kho, doanh nghiệp Việt Nam phát hiện trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15 - 20% so với hóa đơn chứng từ.

Sau sự cố, doanh nghiệp Việt Nam cho biết đã trao đổi với đối tác để cùng giải quyết nhưng phía bên kia không có phản hồi tích cực. Trước tình hình đó, doanh nghiệp Việt đã phải liên hệ với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc.

Ngay sau khi nhận được đề nghị của công ty Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại UAE khẩn trương có công hàm gửi các cơ quan chức năng ở sở tại. Đồng thời trực tiếp làm việc với đối tác của doanh nghiệp Việt Nam cũng như lãnh đạo ngân hàng tiến hành giao dịch đề nghị hỗ trợ tạm giữ số tiền giao dịch giữa hai bên để làm rõ sự việc, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.

Với sự vào cuộc khẩn trương, can thiệp kịp thời của Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại UAE, công ty Việt Nam sau đó đã nhận lại đủ số tiền tạm ứng cho đối tác UAE, giúp công ty tránh được thiệt hại.

anh-man-hinh-2024-04-27-luc-14.09.58.png

UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Kuwait) của Việt Nam tại Tây Á. Được biết, trước vụ việc này, đã có một số thương vụ liên quan đến các đối tác Tây Á gặp vấn đề trong quá trình giao dịch.

Qua sự việc này, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý trong giao dịch kinh doanh thương mại với đối tác các nước tại Tây Á nhằm giảm thiểu rủi ro.

Theo đó, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đối với các hợp đồng giá trị lớn, các đối tác tìm kiếm qua mạng. Trước khi tiến hành ký kết hợp đồng, cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác; chú ý các điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết; tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch. Nên phối hợp với 1 đơn vị giám định độc lập khi tiến hành các thủ tục nhập khẩu, thông quan hàng hóa.

Trong trường hợp phát sinh tranh chấp, doanh nghiệp cần khẩn trương liên hệ đến các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện ngoại giao/thương mại của Việt Nam ở nước ngoài để được hỗ trợ kịp thời.

UAE cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Việt Nam thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trên thế giới. Giai đoạn 2018 - 2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam - UAE được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm (chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khuyến nghị các doanh nghiệp Việt khi giao dịch với đối tác Tây Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO