Sau khi mua một món hàng điện tử hoạt động bằng pin mà lúc chuẩn bị đem ra sử dụng thì nhìn thấy trong tờ giới thiệu sản phẩm dòng chữ “Pin không bán kèm sản phẩm” thì bạn có cảm thấy bất tiện không?
Tìm kiếm mấy viên pin cho một thiết bị điện tử mới xem ra cũng giống như tìm kiếm sự năng nổ ở người nhân viên vì hai việc này cùng hướng tới mục đích cuối cùng là có năng lượng để hoạt động và bạn cần rèn luyện kỹ năng để sớm tạo ra nguồn năng lượng đó. Việc kích thích bầu nhiệt huyết của đội ngũ nhân viên xem ra đòi hỏi nghệ thuật quản trị nhân sự hơn là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cứng nhắc.
Theo quan điểm này, mời bạn tham khảo bốn kỹ năng dưới đây để tăng thêm nguồn năng lượng cho doanh nghiệp của mình.
Tập trung vào mục tiêu tổng thể
> Nên khuyến khích nhân viên làm nhiều việc? > Khuyến khích nhân viên đóng góp nhiều hơn > Khuyến khích nhân viên phạm sai lầm |
Khi bắt đầu khởi nghiệp, hẳn bạn có nhiều kỳ vọng tốt đẹp, ví dụ sở hữu một doanh nghiệp nổi tiếng hay giúp đỡ nhiều người có công ăn việc làm, cùng đóng góp ngày một nhiều cho cộng đồng và xã hội. Những gì thôi thúc bạn năng nổ chính là mục tiêu tổng thể mà bạn đã xác lập từ ngày xây dựng đề án kinh doanh, vốn có tầm bao quát rộng lớn hơn những công việc hằng ngày.
Nếu đội ngũ nhân viên đã được bạn tuyển chọn kỹ thì vì sao họ không thể hiện được nhiệt tình làm việc? Trong nhiều nguyên nhân thì thường nổi lên sự khác biệt về tầm nhìn giữa chủ doanh nghiệp và tầm nhìn của đội ngũ nhân viên.
Vì vậy, một trong những điều bạn nên làm ít nhất mỗi tuần một lần là nhắc lại cho đội ngũ nhân viên nhớ về mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp và những hướng đi đang được bạn thúc đẩy. Giúp nhân viên nhìn thấy những gì họ đang đóng góp cho doanh nghiệp và đánh giá đúng mức công sức của họ chính là cẩm nang giúp mọi người cùng tin tưởng nỗ lực hướng đến những kết quả tốt đẹp nhất.
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của từng cá nhân trong hoạt động của toàn doanh nghiệp
Đôi lúc nhân viên chần chừ hay trì hoãn công việc vì họ cảm thấy có nhanh nhảu cũng chẳng tạo được tác động gì quan trọng. Càng ít nắm bắt được ảnh hưởng từ kết quả công việc của mình đối với doanh nghiệp, nhân viên càng dễ lợi dụng thời cơ để chây lười, đến khi kế hoạch kinh doanh bị thất bại thì lúc đó chỉ có chủ doanh nghiệp đứng ra chống đỡ.
Tương tự như trong phim ảnh, doanh nghiệp chỉ có những vai diễn nhỏ chứ không có vai thừa vì vai nào cũng có vai trò riêng. Các nhân viên phải thấm nhuần rằng họ là những bộ phận không thể thiếu trong một guồng máy và nếu bất cứ bộ phận nào bị trục trặc thì guồng máy sẽ bị dừng lại.
Chú ý đến những gì làm cho các nhân viên cảm thấy hứng thú
Nhiều khi, điều thôi thúc nhân viên nỗ lực làm việc hơn không đến từ chủ doanh nghiệp, mà từ chính họ. Trong lúc trao đổi, trò chuyện với các nhân viên, bạn hãy chú ý quan sát để hiểu ra những gì họ đang quan tâm, từ đó tìm cách kích thích, hướng họ tích cực thi đua để nâng cao hiệu suất lao động của từng người.
Tất nhiên, khi cuộc thi đua tìm ra người thắng cuộc thì bạn nhất định phải đánh giá kết quả và tặng phần thưởng cho một số người xứng đáng nhất.
Kịp thời có những biện pháp tiếp viện khi cần
Tổng quan hơn, nếu bạn khuyến khích đội ngũ nhân viên làm việc năng động, sáng tạo nhưng lại quên thời điểm khởi đầu giai đoạn thi đua và quên cả thời gian kết thúc thì những thành quả mà đội ngũ nhân viên thu được sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với họ (có ai được khen thưởng đâu) và họ sẽ cảm thấy chán ngấy khi bạn tiếp tục hô hào họ cố gắng.
Khi đội ngũ nhân viên tiến đến gần đích nhưng bất ngờ có trục trặc khiến thành tích chung có thể bị sụt giảm (thậm chí có thể chuyển từ thái cực này sang thái cực khác) thì cũng chính là lúc chủ doanh nghiệp phải xắn tay áo nhảy vào cuộc để tháo gỡ khó khăn.
Quyết định nhanh nhạy, sáng suốt của bạn trong những tình huống bất thường không chỉ trút bỏ cho các nhân viên một gánh nặng, mà còn trực tiếp lèo lái con tàu doanh nghiệp về đúng bến. Không ít chủ doanh nghiệp giỏi chính là “nhà phù thủy” luôn biết tiếp viện kịp thời và rất chu đáo.