Phối hợp chặn xe dù, bến cóc
Tại khu vực Bến xe miền Đông, người ta nhận diện có nhiều điểm nóng “hứa hẹn” bộc phát tình trạng xe dù bến cóc trong cao điểm lễ sắp tới, trong đó hai điểm nóng của điểm nóng chính là tại bãi Trân Bảo Trân số 391 và bãi số 397. Cả hai cùng nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc phường 26, quận Bình Thạnh.
Điều này không quá khó hiểu, bởi vì Bến xe miền Đông là bến xe khách liên tỉnh chủ lực của thành phố, thường xuyên chịu “sức ép” quá tải khi bước vào mùa phục vụ lễ do lượng hành khách đổ dồn vào bến hết sức hùng hậu, thậm chí năm sau tỷ lệ luôn cao hơn năm trước.
Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Thừa của Bến xe miền Đông một mặt đề nghị các ngành chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiên quyết xử lý nghiêm và triệt để tệ trạng này, mặt khác yêu cầu các đơn vị vận tải quản lý tốt đội xe của đơn vị mình, không để xe của doanh nghiệp mình vào ra hai “điểm nóng” nêu trên để đón trả khách.
“Nếu phát hiện xe nào vi phạm, Bến xe miền Đông sẽ tạm thời từ chối tiếp nhận xe đó vào bến hoạt động”, ông Thừa nhấn mạnh. Còn tại Bến xe miền Tây, ban giám đốc bến xe cũng đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng công an địa phương, Thanh tra giao thông vận tải để xử lý tình trạng xe dù, lập bến bãi đỗ, đón trả khách trái phép.
Trong khi đó lực lượng chức năng cũng đã sẵn sàng tung quân thanh, kiểm tra nhắm vào đối tượng là các loại ô tô chở khách, xe khách liên tỉnh lẫn mô tô. Trọng điểm được ưu tiên “chăm chút” trong dịp lễ này sẽ là những bến xe khách đầu mối chính tại TP, bao gồm Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Bến xe Chợ Lớn, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga cũng như toàn bộ các cửa ngõ ra vào TP khác.
Tất cả những cung đường vào, ra các bến xe đầu mối này như tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh - quận Bình Thạnh, Kinh Dương Vương - quận Bình Tân, quốc lộ 22 đoạn từ ngã tư An Sương dẫn về Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn, quốc lộ 1A đoạn xung quanh cầu vượt Ngã tư Ga thuộc quận 12… đều nằm trong vùng “phủ sóng” của lực lượng thanh, kiểm tra.
Lực lượng tuần tra, kiểm soát cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc tất cả những hành vi vi phạm về an toàn vận tải hành khách đường bộ, như: chở quá số người quy định; chạy quá tốc độ cho phép; giấy phép lái xe không do cơ quan thẩm quyền cấp, giấy phép đã hết hạn hoặc không đúng hạng xe được điều khiển; lưu thông không đúng phần đường, làn đường; chở hàng hóa quá khổ, quá tải; vi phạm quy định về nồng độ cồn và chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện; đón trả khách không đúng nơi quy định, xe khách không có sổ nhật trình chạy xe, xe không có phù hiệu hoặc phù hiệu và sổ nhật trình không đúng quy định; các hành vi vi phạm về điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện; tránh vượt ẩu; xử lý tình trạng bền “cóc”, xe “dù”, “bán khách, sang tài”, chèn ép hành khách…
Trong số này, lực lượng thanh kiểm tra sẽ chú trọng phát hiện, xử lý các phương tiện xe khách, ô tô chở người vi phạm ngay tại nơi xuất phát hoặc xung quanh khuôn viên các bến xe khách, nhà ga.
Phụ thu giá vé 30%
Theo đăng ký giá vé của các đơn vị vận tải, trong dịp lễ này giá vé hành khách sẽ tăng lên 30% tính trên giá cước cơ bản. Mức phụ thu này được các nhà xe giải thích là để bù đắp một phần chi phí cho chiều xe chạy rỗng khách.
Tại Bến xe miền Đông, mức phụ thu này áp dụng cho các tuyến thuộc tỉnh Quảng Ngãi trở vào Nam, các tuyến khu vực Tây Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực các tỉnh miền Tây. Thời gian áp dụng phụ thu có thể linh động tùy theo đơn vị vận tải, luồng tuyến nhưng chủ yếu là từ 31/8 cho đến hết ngày 2/9.
Riêng Bến xe An Sương, mặc dù cũng là đầu mối vận tải lớn nhưng bến này không áp dụng phụ thu do đặc thù các tuyến hành trình ngắn, xe đều quay về ngay trong ngày.
Dự báo lượng hành khách sẽ tăng nhẹ do lễ 2/9 năm nay rơi vào cuối tuần, kết hợp nghỉ bù nên thời gian nghỉ thực tế liên tục 3 ngày. Vì vậy Bến xe miền Đông dự báo lượng khách tăng cao tập trung vào các tuyến đường có cự ly trung bình, ngắn và các khu vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ mát từ Quảng Ngãi trở vào Nam.
Trong đó trọng điểm là các tuyến tỏa đi Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết… Tuyến xuất phát từ Bến xe miền Tây đi Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau.
Theo ước tính của Bến xe miền Đông, dự kiến sản lượng vận tải tuyến cố định trong hai ngày cao điểm là chiều tối 31/8 và 1/9 sẽ tăng bình quân 2% so với cùng kỳ lễ năm ngoái và tăng hơn 49% lượt khách, 32% lượt xe so với ngày thường. Riêng chiều tối ngày 31/8, lượng khách đổ về Bến xe miền Đông dự báo đạt mức cao nhất và vào khoảng hơn 38.000 hành khách.
Tổng giám đốc Phạm Tiến Dũng của Công ty cổ phần Bến bãi vận tải Sài Gòn - đơn vị quản lý hai bến xe An Sương và Ngã tư Ga- thì dự báo số lượng hành khách có thể tăng 30-40% tại Bến xe An Sương trong dịp quốc khánh này còn Bến xe Ngã tư Ga do đặc thù bến chủ yếu phục vụ hành khách đi các tuyến thuộc khu vực phía Bắc nên ít có biến động lớn.
Trong khi đó Bến xe miền Tây dự báo lượng khách có thể tăng từ 5-10% so với dịp lễ quốc khánh năm ngoái, trong đó lúc cao điểm nhất có thể đạt tới 41.000-43.000 hành khách/ngày.
Cả hai bến xe khách liên tỉnh đầu mối chính của TP.HCM đều không quên tính đến khả năng thiếu hụt đầu xe do xe quay vòng về bến không kịp. Trong trường hợp đó, để giải tỏa lượng hành khách đang ứ đọng tại bến, các bến xe đã đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ phương tiện tham gia vận chuyển hành khách.
Các xe thuộc các tuyến đường thừa xe, phương tiện đang chạy hợp đồng và đội ngũ xe buýt trên các tuyến chuyên biệt vắng khách trong suốt kỳ lễ sẽ là đội ngũ “đóng thế”, giúp giải tỏa ứ đọng khách ở các bến xe.