Các tay súng Taliban giành quyền kiểm soát dinh tổng thống sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước hôm Chủ nhật. Ảnh: AP |
Tương lai mịt mờ cho nền kinh tế Afghanistan
Với quy mô nền kinh tế tính đến năm 2020 đạt hơn 19 tỷ USD, Afghanistan có GDP bình quân đầu người khoảng 508 USD. Tại quốc gia Nam Á này, nông nghiệp chiếm khoảng một nửa hoạt động kinh tế và đóng góp khoảng 50% tổng số việc làm. Sau nông nghiệp, nguồn thu chính của Afghanistan đến từ viện trợ nước ngoài, đóng góp khoảng 3/4 chi tiêu của chính phủ.
Hai mươi năm qua, dù đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài, song nền kinh tế Afghanistan vẫn còn nhiều bất ổn. Trên thực tế, hầu hết viện trợ được đổ vào đào tạo cảnh sát và quân đội Afghanistan, trong khi khoản chi dành cho các sáng kiến như cải thiện cơ sở hạ tầng lại hạn chế. Năm 2019, chi tiêu cho an ninh ở Afghanistan tương đương 28% GDP, vượt xa nhiều quốc gia có thu nhập thấp khác - nơi có khoản chi trung bình khoảng 3% GDP.
Dù GDP của Afghanistan đã tăng gần 5 lần trong 10 năm kể từ sau khi Taliban bị lật đổ, song tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể từ năm 2014. Nền kinh tế Nam Á ghi nhận giai đoạn phục hồi sau đó 2 năm nhưng tiếp tục lâm vào suy thoái do Covid-19 và sự gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu vì bất ổn leo thang. Theo giới quan sát, trước khi Taliban quay lại kiểm soát, Afghanistan vốn đã là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thế nên, diễn biến hiện tại sẽ chỉ càng khiến triển vọng kinh tế của quốc gia này thêm ảm đạm.
Rủi ro từ làn sóng tị nạn
Thêm vào đó, bất ổn tại Afghanistan cũng gây ảnh hưởng to lớn đối với các nền kinh tế láng giềng. Phía Tây quốc gia Nam Á này là Iran và Iraq. Phía Bắc là Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Tuy nhiên, nơi chịu ảnh hưởng hơn cả là Pakistan ở phía Đông, khi "người hàng xóm" này đã nhận gần 1,5 triệu người Afghanistan tị nạn và con số đó có thể tăng thêm hàng triệu người nữa, làm tăng sức ép cho các kế hoạch khắc phục khoản nợ công chiếm tới 90% GDP của quốc gia này.
Làn sóng người tị nạn từ Afghanistan cũng là nỗi lo đối với nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. "Đây là một tình huống đáng lo ngại và không may là khiến khu vực này đi lùi lại nhiều năm. Tôi nghĩ các quốc gia láng giềng sẽ phải đối phó với làn sóng người tị nạn trong thời gian tới", Shamaila Khan - người đứng đầu bộ phận nợ của thị trường mới nổi tại AllianceBerntein, nhận xét.
"Một dòng người tị nạn khác và sự lan rộng của các nhóm bạo lực có khả năng gây mất ổn định các khu vực đô thị và cơ sở hạ tầng, nhất là ở phía tây của Pakistan, có thể khiến câu chuyện khôi phục và cải cách của quốc gia này tụt lùi", Hasnain Malik - nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Tellimer, nói.
Dòng người tụ tập chờ đi qua Cổng Hữu nghị tại thị trấn Chaman nằm ở khu vực biên giới giữa Pakistan và Afghanistan hôm 12/8/2021. Ảnh: Abdul Khaliq Achakzai/Reuters |
Ngoài ra, cần đề cập đến rủi ro một số dự án do chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani lên kế hoạch hợp tác với các nước láng giềng không thể trở thành hiện thực. Đáng chú ý trong đó là dự án đường sắt đi qua thủ đô Kabul, nối thành phố Mazer-i-Sharif với Peshawar của Pakistan.
Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho Afghanistan, mà còn cho các nước láng giềng về khả năng chuyển đổi thương mại và giảm chi phí của việc giao thương xuyên biên giới. Tuy nhiên, với việc ông Ghani đã rời khỏi Afghanistan, tương lai của dự án này là vô cùng mờ mịt.
Ảnh hưởng đến thế giới
Những năm qua, một trong các lý do khiến Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) ở Trung Á là vì Mỹ đã đảm bảo bạo lực được kiểm soát ở Afghanistan. Tháng 3/2021, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ rót 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm với dự đoán rằng một thỏa thuận hạt nhân mới sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho Iran.
Tuy nhiên, quyết định rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ đã khiến các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á bị ảnh hưởng, khi phạm vi tác động rộng lớn từ việc Taliban lên nắm quyền có thể đe dọa những lợi ích kinh tế và chiến lược của Bắc Kinh trên khắp khu vực.
Trong khi đó, theo các nhà xuất khẩu, việc Kabul rơi vào tay Taliban sẽ khiến thương mại song phương giữa Afghanistan và Ấn Độ chịu ảnh hưởng đáng kể. Cảnh báo các nhà xuất khẩu Ấn Độ nên thận trọng xem xét diễn biến chính trị ở Afghanistan, Tổng Giám đốc Liên đoàn các Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ (FIEO) Ajay Sahai chia sẻ: "Thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Nó chắc chắn sẽ giảm do tình trạng bất ổn ngày càng tăng ở Afghanistan".
Đồng quan điểm với ông Sahai, Phó chủ tịch FIEO Khalid Khan dự báo hoạt động thương mại song phương thậm chí sẽ có thời điểm hoàn toàn bế tắc trong một khoảng thời gian nhất định, do tình hình mất kiểm soát ở quốc gia Nam Á. "Afghanistan là quốc gia không giáp biển; đường hàng không là phương tiện xuất khẩu chính và hiện đã gián đoạn. Hoạt động thương mại chỉ có thể tiếp tục sau khi tình trạng bất ổn giảm xuống", ông Khan nói.
Bên cạnh đó, với việc nhiều nước đã bắt đầu sơ tán người dân ra khỏi Afghanistan, giới đầu tư sẽ không mấy quan tâm đến thị trường tài chính Afghanistan vào lúc này - yếu tố sẽ gây tác động ngắn lẫn trung hạn lên nền kinh tế. Nếu Taliban vẫn tiếp tục nắm quyền, các nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ rút khỏi Afghanistan, do không chắc chắn về điều kiện làm việc dưới thời một chính phủ mới.