Không phải hàng thiết yếu, doanh nghiệp đáp ứng đủ 3T vẫn được sản xuất

Ý Nhi| 29/07/2021 01:41

Trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động để phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định: “Tất cả các DN dù không nằm trong danh mục sản xuất các mặt hàng thiết yếu nhưng đáp ứng đủ 3T vẫn được hoạt động".

Không phải hàng thiết yếu, doanh nghiệp đáp ứng đủ 3T vẫn được sản xuất

Hàng hóa thiết yếu- Hiểu chưa đúng và đủ

Ngày 26/7, Công ty TNHH TM Hùng Chi gửi văn bản đến UBND huyện Củ Chi đề nghị xem xét được tiếp tục sản xuất vì đủ điều kiện hoạt động 3T. Theo bà Lâm Tuyền Khanh - Giám đốc Công ty Hùng Chi: “Dây khóa kéo do Hùng Chi sản xuất là mặt hàng thiết yếu vì nhu cầu cần áo bảo hộ phòng chống dịch Covid-19 đang tăng cao. Thực hiện theo 3T, công ty đã giảm lao động xuống còn 5 người, khoảng cách làm việc 2m. Tuy nhiên, khi cán bộ xã Tân Phú Trung đến kiểm tra đã yêu cầu công ty phải ngừng hoạt động, với lý do khóa kéo không phải mặt hàng thiết yếu”.

Trước đó, Công ty Siêu Thuật, chuyên sản xuất linh kiện, bo mạch cho các công ty trong nước và xuất khẩu, có nhà máy tại Q. 12 cũng đã thực hiện sản xuất theo 3T. Tuy nhiên, khi nhà máy có một ca F0 thì bị phong tỏa và ngưng sản xuất. Sau thời gian theo dõi, cách ly, nhà máy không còn ca nhiễm mới và xin hoạt động trở lại. Thế nhưng cán bộ xã Thạnh Xuân, Q. 12 lại không đồng ý cấp phép với lý do, lĩnh vực công ty này sản xuất không phải mặt hàng thiết yếu. 

Trao đổi với Doanh nhân Sài Gòn, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), cho biết: “Trong công văn số 2468 2468/UBND-VX về tăng cường các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rất rõ các nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời điểm này. Tuy nhiên, do một số địa phương, một số cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra, kiểm soát đọc không kỹ văn bản nên hiểu chưa đúng và đủ”.

Về việc DN 3T bị một số cơ quan kiểm tra địa phương bắt ngừng hoạt động, Chủ tịch HUBA khẳng định: “Quan điểm chung của Chính phủ và UBND TP.HCM là tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh để phát triển kinh tế. Vì thế, trong thời gian giãn cách để phòng chống dịch bệnh, chỉ DN nào không bảo đảm sản xuất theo 3T hay tiêu chí "1 cung đường - 2 địa  điểm" thì mới phải dừng sản xuất. Còn các DN tuân thủ đúng đều được sản xuất.

Không chỉ các DN áp dụng 3T mới được tạo điều kiện sản xuất mà các DN cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho DN sản xuất cũng được hỗ trợ như việc ưu tiên vận tải "luồng xanh" cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia phải được thông suốt 24 giờ tại các địa phương áp dụng CT 16”.

Nhấn mạnh thêm việc “DN được tạo điều kiện sản xuất”, Chủ tịch HUBA giải thích: ‘Những ngày đầu áp dụng 3T, nhiều DN còn lúng túng nhưng hiện nay đã có văn bản hướng dẫn cách triển khai và thực hiện 3T rất cụ thể, từ chỗ ăn, ở đến cả tình huống người lao động về thăm nhà, sau đó trở lại nhà máy sẽ được giám sát kiểm tra sức khỏe như thế nào. Vì thế, DN chỉ cần căn cứ vào hướng dẫn đó để triển khai 3T, sau đó các đoàn kiểm tra sẽ giúp thêm”.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Trên tinh thần hỗ trợ DN 3T khắc phục khó khăn để sản xuất, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra là đến giúp DN làm cho đúng chứ không phải đến làm khó, “bắt lỗi”  hay yêu cầu DN ngừng sản xuất”.

Cũng trong ngày 28/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trực tiếp chỉ đạo cho Chủ tịch HUBA: “Những DN nào đang áp dụng 3T chưa đúng thì phải hỗ trợ tối đa, giúp DN tiếp tục sản xuất”.

Cũng trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh để phát triển kinh tế, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định: “Tất cả các DN dù không nằm trong danh mục sản xuất các mặt hàng thiết yếu  nhưng đáp ứng đủ 3T vẫn được hoạt động". 

z2613346363504-f6acea776aab10a-9977-1650

Tổ chức xét nghiệm cho công nhân tại một DN

Có thể áp dụng 2 tại chỗ?

Đứng trước thực tế việc sản xuất theo 3T tại một số DN còn nhiều bất cập, khó khăn, nhất là các DN chế biến thực phẩm, ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Da giày - Túi xách Việt Nam, kiến nghị: “Thay vì áp dụng 3T, nên giảm xuống 2T, bỏ tiêu chí “ngủ tại chỗ” sẽ giảm bớt khó khăn cho DN trong việc tổ chức, lại vừa giúp phân tán người lao động".

Nếu áp dụng 2T, ông Kiệt cho rằng phải yêu cầu công nhân ký cam kết: “Chỉ đi từ nhà máy về nhà và ngược lại” thì mới được làm việc, ai không tuân thủ thì cho nghỉ. Như vậy, DN cũng có trách nhiệm quản lý, giám sát công nhân, vừa bảo vệ an toàn cho DN, vừa giúp Thành phố thực hiện giãn cách hiệu quả. Ông Kiệt cũng góp ý các KCN, KCX nên bố trí giờ đi làm khác nhau cho công nhân để bảo đảm việc giãn cách trong sản xuất.

Riêng danh mục dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ông Kiệt đề xuất: “Mặc dù Bộ Công thương đã có hẳn một danh mục chi tiết thế nào là hàng hóa thiết yếu nhưng quá dài, quá nhiều nên áp dụng khó. Nên chăng thay bằng danh mục hàng hóa bị cấm không được vận chuyển thì sẽ dễ kiểm tra hơn”.

Cùng quan điểm với 2 tại chỗ, bà Vũ Thị Hương Giang-Giám đốc Đối ngoại Công ty Nike Việt Nam đưa ý kiến: “Người sử dụng lao động cung cấp 3 bữa ăn sáng, trưa, tối cho người lao động tại nhà máy. Người lao động vẫn sống cùng gia đình nhưng di chuyển đến nơi làm từ sớm và trở về nhà lúc muộn, đồng thời cam kết không di chuyển sang các địa điểm khác trong quá trình này. Đồng thời duy trì xét nghiệm (test) nhanh Covid-19.

Sau một thời gian áp dụng 2 tại chỗ và việc kiểm soát dịch bệnh có chiều hướng tích cực, có thể cho phép một nửa người lao động đi làm trong nửa tháng đầu, một nửa đi làm trong nửa tháng sau, hoặc nếu làm theo ca thì bố trí công việc cho một nửa lao động của mỗi ca". Theo bà Giang, cả hai cách này đều vẫn giúp người lao động tiếp tục chăm sóc gia đình, giảm gánh nặng cho người sử dụng lao động khi bỏ chế độ ăn 3 bữa tại nhà máy. Tỷ lệ này có thể linh hoạt trong một khung nhất định chứ không cần tuyệt đối phải là 50% người lao động, và có thể đề ra một số tiêu chí. Ví dụ: ưu tiên người lao động sống ở khu vực “xanh”, ít hoặc không có ca nhiễm trong cộng đồng. Duy trì test nhanh hàng tuần và test cho nửa lao động chuẩn bị đi làm. Cách này đã được áp dụng thành công ở Campuchia và Indonesia. Bên cạnh đó, cho phép DN tự xét nghiệm nhanh theo mẫu gộp cho người lao động.

Trong quá trình vận hành theo từng giai đoạn nới lỏng trên, nếu phát hiện có F0, F1, thì tạm dừng các chuyền, xưởng liên quan, không đóng cửa toàn bộ nhà máy. Cách này có tính khả thi cao vì từ nhiều tháng nay, các đối tác của Nike đã xây dựng và áp dụng phương án phân tách nhằm giảm sự tương tác tối đa giữa các ca,chuyền,xưởng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không phải hàng thiết yếu, doanh nghiệp đáp ứng đủ 3T vẫn được sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO