![]() |
Sáng 22/12/2012, gần 1000 sinh viên thuộc 6 trường đại học và 1 khoa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã tham gia chương trình giao lưu Doanh nhân - Sinh viên với chủ đề "Văn hóa ứng xử của sinh viên khi bước vào đường khởi nghiệp". Chương trình do BTC Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can và ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013.
![]() |
Các diễn giả tại buổi giao lưu |
Khách mời, diễn giả của chương trình là các chuyên gia, doanh nhân thành đạt hiện đang điều hành các doanh nghiệp lớn: GS-TS Võ Tòng Xuân; bà Tôn Nữ Thị Ninh – cựu Đại sứ Việt Nam bên cạnh Liên minh Châu Âu, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại SMC; bà Nguyễn Thị Điền - Tổng giám đốc Công ty TNHH May Thêu Giày An Phước; ông Lại Minh Duy – Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch TST; bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food; bà Huỳnh Thị Thu Hà - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn; ông Nguyễn Đình Đầy – Giám đốc Công ty Chế tạo máy IDT; bà Đặng Mỹ Châu – đồng sáng lập và Giám đốc khối miền Nam của Tổ hợp Giáo dục Topica.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM thay mặt nhà trường cám ơn BTC Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013 đã đem tới một chương trình giao lưu bổ ích, tạo điều kiện để các bạn sinh viên có cơ hội được gần hơn với những đàn anh, đàn chị doanh nhân, để được lắng nghe những chia sẻ của họ và con đường khởi nghiệp, cũng như những điều kiện cần và đủ để đi trên con đường này.
Trước khi đi vào nội dung chính của chương trình là giao lưu giữa doanh nhân và sinh viên, BTC Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can đã trao 60 suất học bổng cho 60 sinh viên nghèo đã có thành tích học tốt của 6 trường đại học và 1 khoa thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
![]() |
Ông Nguyễn Đức Nghĩa và ông Nguyễn Thanh Minh trao học bổng Doanh nhân Sài Gòn cho các sinh viên |
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã mở đầu chương trình giao lưu bằng việc chia sẻ những cảm nghĩ của bà xung quanh chủ đề "Văn hóa ứng xử của sinh viên khi bước vào đường khởi nghiệp" (xem clip bên dưới).
Là một doanh nhân thành đạt nhưng tuổi đời còn khá trẻ, ông Lại Minh Duy đã nhận được rất nhiều sự yêu mến và các câu hỏi về quá trình khởi nghiệp cũng như những khó khăn mà ông đã gặp phải, những kinh nghiệm của ông về văn hóa ứng xử. Đáp lại, ông Duy cũng chia sẻ khá chân tình và cởi mở (xem lip bên dưới).Đang quản lý doanh nghiệp lớn với hơn 5.000 nhân viên và 6 cơ sở hoạt động trên cả nước, nữ doanh nhân kỳ cựu Nguyễn Thị Điền chia sẻ nhiều điều về vai trò và tác động của văn hóa ứng xử từ những ngày đầu thành lập công ty cho đến nay của mình (xem clip bên dưới).Một câu hỏi được đặt ra cho các diễn giả là hiện nay với tình hình kinh tế đang rất khó khăn thì ngay kể cả những người có bằng cấp, có kinh nghiệm vẫn thất nghiệp, vậy thì có cơ hội nào cho các sinh viên mới ra trường. Ông Nguyễn Ngọc Anh đồng cảm với trăn trở của các bạn trẻ, ông hy vọng vào sự thay đổi của nền kinh tế, và những cải cách của Nhà nước trong tương lai gần để doanh nghiệp sẽ có được nhiều cơ hội hơn trong kinh doanh, đồng thời tạo ra được nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết.
Bà Ninh đã chia sẻ một câu chuyện thực tế: Một nhóm sinh viên Hà Nội đã chủ động bắt tay vào kinh doanh bằng việc mướn một mặt bằng nhỏ (chừng 4-5m2) để bán các món ăn vặt, nước giải khát ở gần bờ hồ - là nơi tập trung rất nhiều bạn trẻ, và mô hình kinh doanh này rất thành công. Qua đó, bà muốn gợi ý cho các bạn một con đường khác, đó là đứng ra tự kinh doanh bằng sự sáng tạo, bằng sức trẻ và những kiến thức có được từ ghế nhà trường, không cần những ý tưởng xa vời, chỉ cần những ý tưởng đơn giản vừa tầm để vẽ nên bức tranh khởi nghiệp cho mình.
![]() |
Bà Huỳnh Thị Thu Hà đã chia sẻ về một câu chuyện thực tế tại bệnh viện nơi bà làm việc: Trong một đợt tuyển dụng hộ lý cho bệnh viện, có rất nhiều ứng viên nộp hồ sơ, sau nhiều vòng tuyển dụng, chỉ còn lại 4 ứng viên và bà đã chọn được một ứng viên trong số 4 người này. Lý do bà chọn ứng viên này là vì tình cờ bà chứng kiến trong lúc đợi vào phỏng vấn, cô đã giúp các bệnh nhân mở cửa ra vào, đồng thời cô đã lượm miếng khăn giấy do bệnh nhân xả ra sân để bỏ vào sọt rác. Bà cho biết bà đã bị thuyết phục và đã tuyển dụng ngay cô gái này, mặc dù về điểm chuyên môn cô không cao bằng các ứng viên khác.
Qua chuyện thực tế của mình, bà muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, văn hóa ứng xử là một trong những chuẩn mực để các nhà tuyển dụng đánh giá các ứng viên, liệu bạn có thể dễ dàng hòa nhập tốt với mọi người, với môi trường làm việc, có thể hoàn thành tốt các công việc được giao dù là việc nhỏ nhất, có thể vượt qua được thử thách để hoàn thành tốt công việc được giao, dù đúng hay không đúng chuyên môn, dù trong hoàn cảnh khó khăn hay không.
![]() |
Đông đảo các bạn sinh viên đến tham dự buổi giao lưu |
Buổi giao lưu kết thúc trễ hơn dự kiến. Mặc dù vẫn còn rất nhiều câu hỏi của các bạn sinh viên cũng như là những trăn trở, chia sẻ của các doanh nhân, nhưng buổi giao lưu đã phần nào giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của văn hóa ứng xử khi khởi nghiệp. Bên cạnh các kiến thức chuyên ngành thì việc trau dồi văn hóa ứng xử sẽ là những nền tảng không thể thiếu trên bước đường khởi nghiệp của các bạn trẻ.