Từ thợ lên thầy

ĐẶNG QUÝ YÊN| 13/04/2013 05:01

Mạnh về tư duy logic lẫn kiến thức kỹ thuật nhưng thiếu những kỹ năng quan trọng khác, những người lỡ say sưa với khoa học, kỹ thuật rất khó trở thành doanh nhân giỏi...

Từ thợ lên thầy

Mạnh về tư duy logic lẫn kiến thức kỹ thuật nhưng thiếu những kỹ năng quan trọng khác, những người lỡ say sưa với khoa học, kỹ thuật rất khó trở thành doanh nhân giỏi...

Đọc E-paper

Snh viên tốt nghiệp rất cần các kỹ năng hướng nghiệp

Khoảng trống kỹ năng

Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2013 vừa qua công bố những con số khá ấn tượng về khởi nghiệp: số doanh nghiệp (DN) và mức vốn đăng ký mới có xu hướng giảm (9,4% và 26,7% so quý IV/2012). Điều đặc biệt là lượng DN đóng cửa quý I (15.300) vươn lên gần như ngang bằng với đăng ký mới (15.700).

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng này cho thấy "sức khỏe" của DN tiếp tục giảm mạnh, mức độ khó khăn của môi trường kinh doanh cũng đang tăng. Trong bối cảnh như thế, số lượng những người khởi nghiệp chọn kinh doanh ở mảng dịch vụ nhiều hơn hẳn lĩnh vực sản xuất.

"Những người sở hữu sản phẩm mới thường làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật. Đối tượng này đam mê nhiều, tư duy logic nhưng lại tính toán trong thương mại chưa tốt và thiếu các kỹ năng cần thiết khác", bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng thư ký Hội TP.HCM, cho biết, điều kiện khởi nghiệp ngày nay dễ dàng hơn, nhiều hỗ trợ hơn nhưng cạnh tranh cũng lớn hơn.

Đặc biệt, việc khởi nghiệp của những người được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hạn chế hơn rất nhiều so với người học ngành kinh tế.

Cụ thể, quá trình làm nghề cho họ kỹ thuật, công thức để làm ra sản phẩm nhưng lại thiếu phương pháp kinh doanh, kiến thức marketing, quản trị DN... Tất cả những điều này khiến rất nhiều người phải nếm thất bại, dù sản phẩm khá tốt nhưng vẫn thiếu hưởng ứng từ thị trường.

Ông Lâm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nệm Mousse Liên Á, khiến những bạn trẻ bất ngờ vì câu chuyện của mình. Xuất thân từ một sinh viên chuyên ngành hóa học, ông Minh cho biết, mình chỉ tập trung vào kỹ thuật, học các kiến thức toán, lý, hóa... nên những kiến thức xã hội hạn chế.

"Khi bắt tay vào kinh doanh, tôi phải mất thời gian trang bị thêm nhiều thứ. Kỹ năng logic, tư duy là thế mạnh nhưng các kỹ năng khác như đàm phán, điều hành... lại là điểm yếu của dân kỹ thuật", ông Minh chia sẻ.

Những thất bại trước mắt

Tồn tại khá nhiều điểm yếu, những người thợ muốn làm "thầy" tất nhiên là khó khăn. Trường hợp khởi nghiệp của ông Đoàn Võ Khang Duy, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp AMECO là một ví dụ. Đam mê cơ khí từ nhỏ, tốt nghiệp Đại học Bách Khoa chuyên ngành cơ khí, ông dành nhiều thời gian tham khảo các sách chuyên đề để nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Sau hai năm làm việc ở Viện Cơ khí ứng dụng, ông mới bắt đầu có ước mơ kinh doanh chính những sản phẩm mình tạo ra nhưng giai đoạn khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thiếu kỹ năng quản trị kinh doanh.

Ông kể: "Tôi bước vào kinh doanh là năm 1992, những kiến thức về quản trị DN chưa được cập nhật như bây giờ nên không tránh khỏi việc nghĩ sao làm vậy. Thực tế, các yếu tố đó hỗ trợ kinh doanh rất nhiều".

Mạnh về kỹ thuật, sản phẩm đầu tiên của ông Duy nhanh chóng ra đời. Đáng tiếc, chưa hiểu thị trường, chưa đáp ứng tốt nhất mong đợi từ khách hàng đã khiến ông thất bại.

Ông Duy tiết lộ: "Sau này, tôi mới hiểu, yếu tố khách hàng là rất quan trọng, phải chú trọng mang đến giá trị gia tăng cho sản phẩm mới đạt hiệu quả”. Đến khi có sản phẩm tốt, có đơn đặt hàng ở nước ngoài, ông Duy lại phát hiện mình thiếu công cụ quản lý, phải bổ sung dần những khiếm khuyết này.

"Tôi đã phải chậm một thời gian vì thiếu những yếu tố "rìa" trong việc kinh doanh sản phẩm. Nếu đã có ý định khởi nghiệp, những bạn trẻ chuyên ngành kỹ thuật nên chuẩn bị tốt những điều này để không bị mất thời gian", ông Duy nhắn nhủ...

Đi lên từ những va vấp ban đầu, theo ông Lâm Ngọc Minh, thương trường không phải là những nguyên tắc 1 cộng 1 bằng 2 nên người kinh doanh phải linh động mới đạt kết quả tốt. Đam mê sáng tạo, người sáng tạo cũng cần nhớ, sản phẩm đưa ra thị trường phải phù hợp với nhu cầu thì mới có cơ hội chứ không chỉ thỏa mãn mình.

"Giá thành phải hợp lý, cao hay thấp so với mặt bằng chung đều hiệu ứng không tốt", ông Minh khẳng định. Vị tổng giám đốc này cho biết thêm, nếu như ngày trước thiếu thông tin thì ngày nay internet đã có thể hỗ trợ nhiều.

Song song với việc tự trang bị kiến thức, người khởi nghiệp cũng nên tham quan hội chợ, triển lãm để tìm ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường thay vì chỉ chăm chăm đến sản phẩm của mình.

Bên cạnh sản phẩm, vốn cũng là một thử thách lớn. Theo bà Hoàng Phi, để kêu gọi được vốn đầu tư, người trẻ nên thuyết phục nhà đầu tư bằng nền tảng đưa ra những cái khách hàng cần.

"Công việc marketing sản phẩm phải được tổ chức tốt nhất trước hết là với nhà đầu tư”, bà Phi nói. Ngoài ra, để sản xuất sản phẩm, ngoài ý tưởng, sáng tạo thì cũng cần có khả năng kết nối các nguồn lực để có thể cho sản phẩm ra nhanh nhất, giá tốt nhất.

Khắc phục được những nhược điểm này, việc chạm tay đến thành công, như trường hợp của ông Lâm Ngọc Minh cũng như ông Đoàn Võ Khang Duy là hoàn toàn có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ thợ lên thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO