Triển khai đề án kinh doanh: Đừng cố tự làm mọi thứ

TĂNG KHÁNH - BÍCH TRÂM| 21/09/2017 08:02

Ngày thi thứ hai tại Vòng 3 GTTNLVC 2017 với phần thi bảo vệ 6 đề án kinh doanh.

Triển khai đề án kinh doanh: Đừng cố tự làm mọi thứ

Ảnh: QUÝ HÒA

Ngày 21/9, Vòng 3 Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 tiếp tục ngày thi thứ hai với phần thi bảo vệ 6 đề án kinh doanh. 

Các giám khảo - doanh nhân tham gia chấm thi trong ngày gồm: ông Hồ Thanh Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Ngọc trai Hoàng Gia; bà Bùi Diệp – nhà sáng lập, CEO Lionbui Agency; ông Phan Bảo Giang - Giám đốc điều hành Công ty Say Cheese; bà Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT; ông Tiền Gia Trí – Giám đốc điều hành Công ty CP Sản phẩm Đặc biệt Mekong; ông Trần Hải Linh - CEO Công ty Công nghệ  Sen Đỏ.

6 đề án kinh doanh tham gia thi gồm:

1/ Less is More (dịch vụ cây cảnh mang dấu ấn cá nhân) của thí sinh Nguyễn Thị Anh Thư

2/ Nước mát thảo mộc HVB của nhóm thí sinh Trần Thị Diệu Hạnh, Trịnh Thành Vũ, Trương Quốc Bảo

3/ Sản xuất và phân phối mứt chôm chôm sấy dẻo của thí sinh Nguyễn Thị Thủy Tiên

4/ Vietlish Co-Spaces của nhóm thí sinh Lê Rin, Lê Thị Thanh Hà, Nguyễn Tấn Hưng

5/ Home 4S - Giải pháp tìm kiếm hàng đầu nhà trọ cho sinh viên của nhóm thí sinh Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Xuân Khoa, Phạm Bích Trâm

6/ Nhang sen Đồng Tháp của thí sinh Ngô Ngọc Anh

Đề án Less is More (dịch vụ cây cảnh mang dấu ấn cá nhân) của thí sinh Nguyễn Thị Anh Thư được đánh giá cao về mặt ý tưởng, thú vị , sản phẩm mang tính chuyên biệt và có quy mô vừa phải. Bên cạnh đó, giám khảo gợi ý thí sinh thay vì chú trọng đến yếu tố thiết kế sản phẩm, có thể chuyển hướng sang yếu tố phương pháp tạo ra sản phẩm, tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm. Kênh bán hàng trực tuyến, vận hành fanpage tốt sẽ giúp đầu ra cho sản phẩm tốt hơn, tiết kiệm chi phí...
Ý tưởng Nước mát thảo mộc HVB gây ấn tượng về ý tưởng dùng nhân hiệu để xây dựng thương hiệu (Dùng chữ cái đầu tiên trong tên của những người sáng lập để đặt tên sản phẩm). Các giám khảo cũng góp ý: đề án cần xây dựng câu chuyện thương hiệu, việc xây dựng tên sản phẩm cần gợi lên cá tính, cảm xúc sản phẩm cũng như không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Các kênh phân phối, câu chuyện thương hiệu, các giấy phép cần có… cũng là những yếu tố mà đề án cần quan tâm, bổ sung.
Là một sinh viên ngành công nghệ thực phẩm, Nguyễn Thị Thủy Tiên mang đến cuộc thi đề án Sản xuất và phân phối mứt chôm chôm sấy dẻo. Các doanh nhân đánh giá cao tính nhân văn của đề án khi triển khai thực tế sẽ giải quyết được vấn đề "được giá mất mùa, được mùa mất giá" của người nông dân. Bên cạnh đó, đề án được góp ý cần khai thác sâu đặc tính sản phẩm, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, giá cả thị trường. Thủy Tiên cũng được gợi ý phát huy điểm mạnh là một kỹ sư công nghệ thực phẩm, tìm kiếm đối tác giỏi marketing, tận dụng nguồn lực sẵn... để tiết kiệm chi phí và phát huy tối đa nguồn lực thay vì cố gắng làm tất cả mọi khâu trong quy trình.
Giám khảo Bùi Diệp góp ý về sản phẩm Nước mát thảo mộc HVB để sản phẩm có câu chuyện thương hiệu hấp dẫn hơn, quy mô thị trường như thế nào thì phù hợp.
Ông Hồ Thanh Tuấn chia sẻ nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế về phân phối sản phẩm, phát triển ý tưởng đưa ra thực tế, cân đối tài chính, các giấy phép, vấn đề pháp lý cần có, những nguồn lực có sẵn để các thí sinh tận dụng, phát triển đề án ra thực tế.
Giám khảo Phan Bảo Giang góp ý về cách đặt tên sản phẩm, những kỹ thuật marketing, chiến lược phát triển sản phẩm...
Đề án nhà trọ cao cấp Home 4S (dịch vụ tìm kiếm nhà trọ chất lượng cao dành cho sinh viên) được đánh giá cao về mặt ý tưởng, do đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, kết nối cung - cầu giữa người cho thuê nhà và sinh viên cần tìm nhà trọ có chất lượng tốt. Vấn đề của dự án là phải giải được bài toán về nguồn thu, nguồn cung sản phẩm và cam kết được chất lượng dịch vụ.
Các thí sinh trình bày đề án Vietlish Co-Spaces gây được ấn tượng bởi kỹ năng thuyết trình tốt, tự tin và ý tưởng về nâng cao khả năng tiếng Anh cho người Việt rất cần thiết trong đời sống hiện đại. Bài toán mà "bộ ba" thí sinh cần giải quyết là cân đối thu chi, vốn đầu tư ban đầu cho trang thiết bị, phần mềm, máy móc để quản lý quy trình, dịch vụ. Tên sản phẩm cũng cần được thay đổi để mang đến cảm giác tốt, tin tưởng hơn.
Đề án Nhang sen Đồng Tháp được đánh giá có tính khả thi cao, bởi tận dụng được nguồn lực sẵn có, giải quyết được vấn đề "nhang sạch", giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe từ những loại nhang độc hại hiện có trên thị trường. Thí sinh Ngô Ngọc Anh thể hiện có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về sản phẩm, thị trường. Các giám khảo góp ý cần có chiến lược truyền thông dài hơi để thay đổi thói quen, quan niệm và hướng người tiêu dùng đến việc sử dụng sản phẩm nhang chất lượng hơn. Chi phí nhân sự, khấu hao thiết bị và giá thành sản phẩm cũng cần được tính toán chính xác nhằm đảm bảo doanh thu, doanh số.
Giám khảo Đinh Hà Duy Trinh tư vấn cho thí sinh những cách tính toán chi phí, thu chi, đầu tư, khấu hao, doanh thu, doanh số... nhằm đánh giá mức độ khả thi của một đề án kinh doanh.
Giàu kinh nghiệm về xây dựng nền tảng bán hàng trực tuyến, CEO Sendo.vn Trần Hải Linh giúp thí sinh hiểu hơn những thực tế về kênh phân phối, giá cả đầu cuối, xây dựng ứng dụng để tiếp cận khách hàng...
Giám khảo Tiền Gia Trí phân tích tâm lý khách hàng, những yếu tố quyết định khách hàng chọn mua hay sử dụng một sản phẩm, giúp thí sinh hiểu hơn về cách thức xây dựng đặc tính sản phẩm, chiến lược truyền thông
Giám khảo và các thí sinh trong buổi thi sáng 21/9. Từ trái sang: Ông Phan Bảo Giang, bà Bùi Diệp, ông Hồ Thanh Tuấn.
Giám khảo và các thí sinh trong buổi thi chiều 21/9. Từ trái sang: Ông Trần Hải Linh, bà Đinh Hà Duy Trinh, ông Tiền Gia Trí.

>> Xác định đối thủ cạnh tranh: Phải biết người, biết ta

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triển khai đề án kinh doanh: Đừng cố tự làm mọi thứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO