Tìm lại mình trên mảnh tình quê

THẾ QUÂN| 30/01/2014 06:04

Thành công đến quá sớm trên xứ người, đã có lúc Thiện Lê mất phương hướng vì không tìm được hướng để phấn đấu.

Tìm lại mình trên mảnh tình quê

Thành công đến quá sớm trên xứ người, đã có lúc Thiện Lê mất phương hướng vì không tìm được hướng để phấn đấu. Anh chọn việc quay về quê cha đất tổ, bắt đầu từ con số không để những sáng tạo có thể nảy nở, để tìm lại mình và mang đến cơ hội cho những người đang cần một bàn tay giúp sức.

Đọc E-paper

Cuối tháng 10/2013, làng thời trang Việt Nam đón nhận một cuộc trình diễn lạ từ chủ đề cho đến địa điểm tổ chức. Thay vì những sảnh thời trang sang trọng, Thiện Lê, chủ nhân của triển lãm, lại chọn một nhà thi đấu thể thao ở quận 4, ngay cạnh bến Nhà Rồng để trình làng những tác phẩm của mình.

Với chủ đề “Alice lạc vào xứ thần tiên”, nhà thiết kế không chỉ chú trọng vào sản phẩm mà còn đầu tư khá lớn cho thiết kế không gian trình diễn, để khán giả có thể cảm nhận được mình là cô gái nhỏ, lạc vào một xứ sở mới. Đây chính là cái nền để người xem nhìn về các thiết kế giàu màu sắc của anh.

Vốn cẩn thận và cầu toàn, với sự hỗ trợ đắc lực của các cộng sự đến từ Canada, đích thân nhà thiết kế Thiện Lê chọn nhạc nền và đạo diễn catwalk cho buổi trình diễn. Tất cả tạo nên một tổng hòa cho lần ra mắt đầu tiên sau hơn 20 năm anh sống và làm việc ở xứ người.

“Với tôi, chương trình ấy không để khoe các thiết kế với khán giả hay khách hàng. Tôi làm để những người thân, bạn bè ở Việt Nam hiểu công việc mà tôi đeo đuổi những năm qua ở trời Tây là như thế nào. Nó như một cách “báo công” với tổ tiên, dòng tộc”, Thiện Lê chia sẻ.

Họa sĩ... lạc đường

Sang Canada lúc còn nhỏ, ký ức về Việt Nam với Thiện Lê giống như một dải khói sương mờ ảo, chỉ ẩn hiện, chẳng rõ ràng nhưng lúc nào cũng tồn tại. Anh nói được tiếng mẹ đẻ nhưng không thành thạo, còn khả năng viết thì... chào thua.

May mắn được đào tạo bài bản ở nước ngoài, Thiện Lê định hướng được và phát triển thế mạnh và đam mê của mình là hình họa. Anh dành 3 năm trung học để lĩnh hội các kiến thức về mỹ thuật.

Tốt nghiệp loại ưu, 17 tuổi, Thiện Lê đã có triển lãm tranh đầu tay trên đất khách. “Các tác phẩm của tôi ngày đó được các giáo sư của trường đánh giá cao, triển lãm chưa đến giờ khai mạc chính thức, các tác phẩm đã được người chơi tranh mua hết”, Thiện Lê khoe. Không những vậy, anh còn được trường giữ lại để đào tạo thêm rồi nhanh chóng trở thành giảng viên trẻ của trường.

Thành công đến quá sớm khiến cậu học trò vừa tốt nghiệp đã bị mất phương hướng. Thiện Lê thổ lộ, thành công trong lĩnh vực hội họa không làm anh thỏa mãn mà trái lại, không biết phải đi những bước tiếp theo thế nào khi thiếu động lực để phấn đấu.

Anh dành gần 2 năm đi làm thuê cho một công ty kinh doanh văn phòng phẩm như một cách tìm không gian mới, nhưng rồi cũng nhanh chóng nhận ra đó không phải là con đường của mình.

Không muốn chìm trong những ngày chán nản, Thiện Lê quyết định sẽ đi theo hành trình của bạn bè đồng trang lứa, bắt đầu từ việc đăng ký tuyển sinh vào đại học. Thành tích cũ dễ dàng mang đến cho anh suất học bổng chuyên ngành mỹ thuật ở một trường đại học danh tiếng ở Pháp, nhưng đó không phải là lựa chọn của Thiện Lê.

Anh kể: “Trong những ngày mê mải ở thư viện, tôi phát hiện được khá nhiều sách viết về ngành may mặc, nhất là thiết kế thời trang và thực sự tò mò, muốn biết làm cách nào để tạo ra được những sản phẩm có thể làm tăng sự quyến rũ của phụ nữ như thế”.

Thắc mắc này đưa Thiện đến quyết định học thiết kế thời trang. Để rút ngắn thời gian, vừa đi học, anh vừa đi làm thêm ở một cửa hàng thiết kế thời trang với chức danh... sai vặt. Những ngày nỗ lực không ngừng ấy với Thiện Lê thật đẹp vì nhờ đó mà anh phát hiện được đâu là đam mê của mình.

Năm 2000, Thiện Lê “ra riêng” với một xưởng may gói gọn trong diện tích 8m x 2m, bắt đầu hành trình xây dựng thương hiệu thời trang Thiện Lê. Trong vòng 1 năm, cơ ngơi của Thiện đã là xưởng may với hơn 50 nhân lực nhưng Thiện Lê chỉ nhận gia công, tạo mẫu, ẩn mình dưới nhãn hiệu của các cửa hàng thời trang.

Số đối tác của anh lên đến 70 cửa hàng. “Bộ sưu tập đầu tiên của tôi có đến 90 mẫu. Chúng mang đến lợi nhuận ngay từ những sản phẩm đầu tiên. Cung cấp thiết kế cho ngần ấy cửa hàng thời trang ngốn của tôi gần như tất cả thời gian”, anh cho biết.

Tiếng gọi của quê hương

Hơn 13 năm vừa điều hành, vừa sáng tạo, Thiện Lê luôn là người đầu tiên đặt chân đến xưởng và cũng là người cuối cùng ra về. Đến lúc đủ lực, anh mới mạnh dạn đứng tên thương hiệu và đưa sản phẩm của mình sang các quốc gia lân cận.

Giá thành không quá cao nhưng thiết kế lại sang trọng, sản phẩm của Thiện Lê nhanh chóng chinh phục thị trường. Anh mạnh dạn kêu gọi đầu tư, lập thêm thương hiệu thời trang thể thao Le.T với những bước tiến mạnh mẽ.

Đáng tiếc, khủng hoảng kinh tế phủ màu đen lên nhu cầu mua sắm của khách hàng từ châu Âu đến châu Mỹ, những thiết kế của Thiện Lê cũng chịu chung số phận. Anh kể, khó khăn đến nhanh, những thông báo cắt hợp đồng khắp nơi lần lượt đổ về. Lúc đó, anh thấy hoang mang lắm.

Xác định thất bại của mình là vấn đề của kinh doanh, Thiện Lê quyết định chuyển hướng sản xuất. Thay vì những thiết kế phục vụ khách hàng tầm trung, anh buộc những sáng tạo của mình phải cao cấp hơn, chăm chút từng tiểu tiết trên sản phẩm, chất liệu, đồng thời giới hạn số lượng các sản phẩm, hướng đến khách hàng thuộc phân phúc cao cấp.

Anh chia sẻ: “Tôi biết hướng đi của mình hoàn toàn khác với những người xung quanh, họ thường hướng đến sản xuất hàng giá rẻ để đón đầu việc thắt lưng buộc bụng của người dùng, nhưng vẫn tin cảm giác của mình với thị trường là đúng”.

Quả thật, dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu mua sắm của khách hàng cao cấp vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Những chiếc túi, những đôi giày giá chục nghìn USD của Dior, Chanel... vẫn được tiêu thụ tốt, các thiết kế của Thiện Lê cũng nằm trong guồng quay ấy.

Khi sản xuất bắt đầu được khôi phục, tiếng thở dài đã thành tiếng reo hân hoan trong lòng cũng là lúc Thiện Lê nghĩ nhiều về những được, mất. Anh càng chiêm nghiệm nhiều hơn khi được tin bà ngoại qua đời.

Tiếng gọi từ quê hương vốn đã réo rắt từ lâu trong lòng, nay mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Phải về thôi, dẫu có là một nhà thiết kế nổi tiếng ở nước ngoài thì dân bản địa vẫn xem mình là khách”, anh nói vậy.

Bước đầu tiên trong hành trình về cội của Thiện Lê chính là làm chương trình thời trang, sau đó là ký hợp đồng, đảm nhận vai trò sáng tạo với Vivien, thương hiệu thời trang khá nổi tiếng của Hàn Quốc đang chọn Việt Nam làm điểm đến và sẽ đẩy mạnh đầu tư trong năm 2014.

Thiện Lê bảo, đây chính là cách để anh quan sát cách làm thời trang ở Việt Nam bởi thời gian tới, anh đã quyết gắn mình nhiều hơn với quê hương, xứ sở, bắt đầu từ việc tạo thêm việc làm để giải quyết bớt gánh nặng cho xã hội, và sau nữa là tổ chức những chương trình thiện nguyện để xây đắp những điều tốt lành cho cuộc sống này, như anh đã từng làm ở xứ người.

Thiện Lê tỏ vẻ tự tin: “Hành trình của tôi trên vùng đất quê hương sẽ còn dài và còn nhiều thử thách, tôi biết thế và sẽ bình thản đi, bình thản đón nhận”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm lại mình trên mảnh tình quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO