Tận dụng nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo

TUYẾT ÂN| 04/07/2018 07:00

Để tận dụng nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần cơ chế nuôi dưỡng và ươm tạo từ Nhà nước, kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích các nhà khoa học trẻ tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như cơ chế tài chính rõ ràng cho các giá trị sáng tạo.

Tận dụng nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo

Các doanh nghiệp (DN), chuyên gia và nhà quản lý đã đề cập những vấn đề trên tại Diễn đàn Kết nối startup Việt - sự kiện lớn nhất từ trước đến nay về thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo do Bộ Ngoại giao và UBND TP.HCM tổ chức.

Phát biểu khai mạc, ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - khẳng định: "Nguồn lực cho khởi nghiệp ở chính sự cam kết từ chính quyền TP.HCM trong việc nuôi dưỡng, ươm mầm starup ở thành phố có nền kinh tế, nền khoa học - công nghệ phát triển nhất của Việt Nam hiện nay".

Chú trọng hệ sinh thái mới

Chia sẻ tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân - cho rằng, Thành phố đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển kinh tế nhưng việc kết nối giữa giới khoa học và DN còn hạn chế. Thứ nhất, làm sao để sản phẩm khoa học đến được với DN và DN hình thành thói quen đặt hàng nhà khoa học. Thứ hai, ngay từ khi thành lập, các DN mới cần lựa chọn kết hợp giữa công nghệ và kinh doanh.

Theo ông Nhân, hiện chúng ta đã có các chương trình của Chính phủ, thành phố, nhưng chỉ khi nào nhà khoa học xem đó là chương trình của chính mình và họ quyết liệt thực hiện thì mới thành công. Thành phố quan tâm khuyến khích sản xuất, cung cấp dịch vụ mới theo công nghệ mới để tạo ra được sản phẩm chất lượng và năng suất cao, đầu tư lớn.

Ông so sánh Israel và một số nước châu Á đã đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo và gặt hái thành công, vậy Việt Nam và TP.HCM cũng có thể làm được với điều kiện phải có phương thức hỗ trợ, phải hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối trong và ngoài nước.

TP.HCM chi 90 triệu USD cho khởi nghiệp sáng tạo
Theo thống kê của Vietnam Startup Ecosystem, trong hai năm 2016 - 2017, TP.HCM đã chi 90 triệu USD cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, trong đó 50% dành cho đầu tư phát triển khoa học - công nghệ.
Từ năm 2011 đến nay, có 222 startup được ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà nước, khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư, 70% đang ở các giai đoạn đầu gọi vốn. TP.HCM cũng tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp qua việc kết nối 24 cơ sở ươm tạo, 12 không gian làm việc chung với tổng diện tích 22.000m2; có 145 chuyên gia cố vấn về khởi nghiệp và 40 quỹ đầu tư tham gia, trong đó 13 quỹ mạo hiểm của tư nhân...

Liên quan đến hành trình khởi nghiệp sáng tạo, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT của Rynan Holdings, là người sở hữu 200 bằng phát minh khoa học tiêu biểu về công nghệ bản kẽm nhiệt CTP được cho thuê bản quyền với số tiền lên đến hàng triệu USD mỗi năm, cũng đã chia sẻ câu chuyện của chính mình.

Ông trải qua nhiều công ty về điện toán và công nghệ in ấn toàn cầu trước khi về Việt Nam khởi nghiệp. Ông đã sáng lập và đồng sáng lập 8 DN chủ yếu hoạt động tại Trà Vinh, 3 trong số đó tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp.

Hiện đã ở tuổi 65, ông tiếp tục khởi nghiệp với công ty làm lúa gạo mà không cần sở hữu mảnh ruộng nào. Ông chia sẻ: "Tôi bắt đầu xem lại chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam và thấy trong chuỗi đó nhà nông mình còn quá nhiều cái làm chưa chuẩn, từ giống, phân bón, cách gieo trồng đến thu hoạch... Chúng tôi bắt đầu với sản xuất phân vi sinh, thiết kế xe gieo sạ bón phân, cải tiến những máy có sẵn và gắn chíp để nông dân có thể điều khiển bằng smartphone theo cách đơn giản và rẻ tiền nhất".

"Xu thế công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội. Các bạn trẻ cần xác định khởi nghiệp là tư duy cách làm khác để tạo ra sản phẩm tốt hơn, với mô hình kinh doanh có thể nhân rộng nhanh chóng, giải quyết nhu cầu của cộng đồng. Khởi nghiệp là từ cái nhỏ nhưng nghĩ lớn, thay đổi nhanh chóng và đột phá trong lĩnh vực mình tham gia", ông Mỹ khuyến cáo.

Phải biết dựa vào người khổng lồ

Bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) - Giám đốc Facebook Việt Nam (nguyên Giám đốc Tài chính Misfit) - chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công là không tự mãn quá sớm và phải biết dựa vào "người khổng lồ”.

Misfit khởi nghiệp thành công với sản phẩm vòng đeo theo dõi sức khỏe và nhà thông minh, được Tập đoàn Fossil mua lại vào năm 2015 với giá 265 triệu USD.

Bà Trang nhớ lại khi Misfit ra đời, thị trường đã có hơn 20 sản phẩm đeo tay. Nhưng nhóm của họ nhất quán với quan điểm "dùng thiết kế để chiến đấu", tập trung làm sản phẩm phải đẹp, họ thắng hầu hết các giải thiết kế của thế giới.

Lúc đầu thị trường mê sản phẩm Google, Misfit biến sản phẩm của mình thành vật đa tiện ích hơn, làm sao để nó kiểm soát được chung quanh, thực hiện được cuộc thoại, tắt, mở đèn văn phòng; tiếp theo là chạy bằng năng lượng mặt trời thay cho pin mà không cần sạc..., nhưng vẫn trung thành với tiêu chí lấy thiết kế làm đầu.

Để có nguồn thu tiếp tục đổ vào nghiên cứu và phát triển, Misfit nhanh chóng bán sản phẩm đến 50 nước trên thế giới bằng cách tìm cơ hội gắn kết với các công ty lớn toàn cầu. Đầu tiên là đi với Coca-Cola ở World Cup 2014, gắn kết với hệ thống Victoria Secret như một sản phẩm nữ trang; sản phẩm cho người bơi lội thì gắn liền với các giải bơi lội đẳng cấp quốc tế...

Misfit chọn sản xuất ở Hàn Quốc nhưng tận dụng nguồn kỹ sư nghiên cứu tài năng của Việt Nam đang du học ở nước ngoài tham gia R&D và tạo cho Misfit lợi thế thu hút được các thủ khoa tài năng trong nước.

"Làm sao tận dụng được ý tưởng của người làm kỹ thuật, đánh giá đúng kỹ năng và sự hiểu biết, tính phù hợp và chia sẻ mục tiêu lâu dài và ý nghĩa công việc là cách thức giúp chúng tôi khởi nghiệp thành công. Các bạn trẻ đừng thỏa mãn sớm với sự thành công, vì cần con đường dài", bà Trang chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tận dụng nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO