Startup Vietnam Foundation: “Bà đỡ” của các startup

16/05/2019 02:27

Sau thời gian "chạy nền", năm 2014 Startup Vietnam Foundation (SVF) chính thức đi vào hoạt động. Đây là quỹ hỗ trợ khởi nghiệp phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam "đỡ đầu" cho các dự án khởi nghiệp, phát triển trên nền tảng khoa học - công nghệ. Bước sang năm thứ 5, 90% đơn vị đánh giá tốt lợi ích mà SVF mang lại.

Startup Vietnam Foundation: “Bà đỡ” của các startup

Thành quả ấy là sự nỗ lực của khoảng 50 thành viên cốt cán tại SVF và hàng trăm cố vấn, nhà đầu tư, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp tại TP.HCM, Hà Nội và 24 tỉnh -thành khác. Năm 2019, SVF là một trong ba đơn vị phối hợp cùng Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can lần thứ 9.

Không chỉ rèn luyện kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các chương trình đào tạo, từ tổ chức quản lý doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ cho đến bán hàng, phát triển kênh phân phối, SVF còn giúp kết nối người khởi nghiệp với các nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nhân, đối tác phân phối trong nước và nước ngoài.

Điểm khác biệt giữa SVF với các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp khác là tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu của SVF là làm sao nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, cũng như trở thành cầu nối để liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp sạch Việt Nam phát triển.

Hiện tại, 70% danh mục hỗ trợ và đồng hành của SVF chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như trang trại nuôi thỏ ứng dụng kỹ thuật sinh học ở Tây Nguyên, thu mua và chế biến sản phẩm từ trái thanh long ở Nam bộ, chiết xuất tinh chất curcumin với kích thước nano từ nghệ tươi ở một số tỉnh miền Bắc. Các chương trình này đang trong giai đoạn hoàn thiện công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Hoạt động của SVF không còn gói gọn tại Việt Nam mà còn kết nối đến 13 nước là Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật, Úc, Mỹ, Canada, một số nước châu Âu, bắt đầu đưa nguồn lực từ các nước đó về Việt Nam.

Để biết thêm về hoạt động của "bà đỡ” của các startup, phóng viên Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã hỏi chuyện bà Mandy Nguyễn - Giám đốc Điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp SVF.

* Dù là quỹ khởi nghiệp phi lợi nhuận, nhưng ở khía cạnh nào đó, SVF cũng là một startup, vậy trở ngại đầu tiên khi bắt đầu là gì, thưa bà?

- Đầu tiên là sự khác biệt giữa kiến thức nước ngoài, hệ quy chiếu nước ngoài liên quan đến khởi nghiệp so với tình hình thực tế ở Việt Nam. Tiêu chí khởi nghiệp theo hệ quy chiếu nước ngoài là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs); quy mô nhỏ nhưng tốc độ phát triển cao, dùng công nghệ tiếp cận thị trường lớn. Tuy nhiên, nếu áp dụng thì tại Việt Nam chỉ có 1% SMEs là đáp ứng được yêu cầu đó. SVF đứng trước thách thức là phải xây dựng chương trình, dự án để giúp đỡ các nhóm SMEs, người khởi nghiệp để lập nghiệp, khởi nghiệp để thoát nghèo. Nói đơn giản, cách của SVF là năng cao về mặt nhận thức cho các thành tố và bản thân các doanh nghiệp. Họ cần gì và phải làm gì. Thứ hai là kết nối họ với những nguồn lực cần thiết, từ đó họ có thể sử dụng để phát triển doanh nghiệp. Ngay từ đầu, SVF chú trọng định hướng nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương, cán bộ hỗ trợ, nhà đầu tư khởi nghiệp, cố vấn khởi nghiệp để mọi thứ đi đúng hướng.

* Hiệu quả các dự án của SMEs trước và sau khi gặp SVF như thế nào?

- Trong doanh nghiệp có con người, công nghệ và kinh doanh. Đầu tiên SVF chọn cột trụ là con người. Do đó, SVF xây dựng mối liên kết bền chặt với doanh nhân. Họ tin tưởng SVF như một người bạn đồng hành, có thể chia sẻ nhiều thứ. Có hai trường hợp xảy ra khi các SMEs gặp SVF. Thứ nhất, họ sẽ bỏ dự án vì thấy không khả thi, nhưng sẽ quay trở lại với một mô hình khác, ý tưởng khác, độc đáo hơn. Thứ hai, họ nhận ra nó vẫn rất tiềm năng và vẫn đam mê. SVF giúp họ tiếp tục hành trình đó.

Mỗi năm, SVF hỗ trợ chính thức và trực tiếp khoảng 40 - 50 doanh nghiệp khởi nghiệp. Số lượng doanh nghiệp, tài năng trẻ tiếp nhận chương trình đào tạo khoảng 4.000 người/năm. Chúng tôi tạo nên nền tảng mà trên đó nhiều người có thể tương tác và giúp đỡ lẫn nhau.

* Cụ thể các bước hỗ trợ cho SMEs, thưa bà...

- Có chín bước, là chương trình đã được SVF hoàn thiện trong hai năm. Điều quan trọng nhất là "khám bệnh". SVF đến một địa phương, tìm hiểu thế mạnh nơi đó là gì, cán bộ có thực sự muốn thúc đẩy khởi nghiệp hay không, nguồn lực nào đang và chưa có. Với những cán bộ khởi nghiệp tại địa phương, chúng tôi phải đo lường xem ai là người chủ chốt. Người chủ chốt đó thuộc sở, ban, ngành nào, làm sao giúp họ tốt nhất có thể. SVF tận dụng nguồn lực của địa phương vì có thế mạnh riêng. Nếu họ đã có ngọn lửa thì SVF giúp ngọn lửa ấy lớn hơn, chưa có thì khơi lên ngọn lửa ban đầu, làm sao giữ lửa. Thành công đó là của địa phương, SVF chỉ hỗ trợ, thúc đẩy quá trình khởi nghiệp nhanh hơn, bền vững hơn.

* Bà có thể cho biết định hướng của SVF trong thời gian tới?

- Bản thân SVF cũng giống một startup, qua  thử nghiệm có những sản phẩm tốt nhưng cũng có những sản phẩm có thể tốt hơn. Năm nay SVF tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ khởi nghiệp địa phương về mặt công nghệ. Với chương trình tăng tốc được đánh giá cao trên thị trường, SVF sẽ thúc đẩy hợp tác với những đối tác, đưa những gì tốt nhất cho họ, để lan tỏa tốt hơn.

* Trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, SVF sẽ hỗ trợ gì cho thí sinh?

- Đầu tiên là chương trình đào tạo cho thi sinh. SVF giúp thí sinh xây dựng ý tưởng kinh doanh có yếu tố công nghệ, xây dựng kế hoạch kinh doanh sát với thực tế nhất, cung cấp kỹ năng trình bày bài dự thi. Thứ hai, SVF cung cấp công cụ tư vấn, giúp các anh chị doanh nhân truyền lửa đến sinh viên qua đối thoại, từ đó nuôi dưỡng sự sáng tạo đồng thời giúp thí sinh kiến thức và kinh nghiệm thực tế. Thứ ba, SVF làm việc với sinh viên Việt Nam đang theo học ở Đức, Szech, Úc, cung cấp nền tảng kiến thức để các em có thể khởi nghiệp ở nước sở tại lẫn về Việt Nam.

* Bà từng rời bỏ công việc đầu tư ở một công ty công nghệ, bây giờ tiếp xúc nhiều với những doanh nghiệp thành công và cả những SMEs, startup, bà nghĩ thế nào về thành công?

- Với chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu tố đầu tiên tôi nghĩ là bản thân họ có cảm thấy đang làm công việc thực sự có ý nghĩa hay không. Họ có yêu thích nó không. Nó có phát huy được năng lực của bản thân. Thành công đó mang lại giá trị gì cho người khác và cho xã hội. Nếu chọn đúng điểm này, tôi nghĩ là thành công vì họ sẽ có tiền, có người đồng hành. Do đó, thay vì đi tìm kiếm những gì hoàn hảo, xa xôi, hãy chọn đúng điểm mình thấy cần.

Riêng cá nhân tôi, tại thời điểm rời bỏ việc đầu tư, không khó để tôi tìm một công việc khác, nếu đặt việc kiếm tiền lên hàng đầu. Nhưng mọi thứ đều có cái giá của nó. Tôi thấy mình không hài lòng, không hạnh phúc với những gì mình đang làm. Tôi đã đánh đổi quá nhiều thời gian và sức khỏe, đánh đổi việc khám phá những khả năng lớn hơn của bản thân. Tại thời điểm đó, tôi nhìn mọi thứ nhỏ bé, gói gọn trong cuộc sống của mình và gia đình, bạn bè. Nhưng đến với SVF, tôi mơ ước rất nhiều. Đó là làm gì cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp gì cho Việt Nam? Khi theo đuổi ước mơ lớn hơn và thực sự say mê nó, sẽ cho ta năng lượng để đi tiếp.

* Rất cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup Vietnam Foundation: “Bà đỡ” của các startup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO