Startup trẻ Nguyễn Đức Máy và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

14/02/2018 06:00

Xuất thân là dân công nghệ, KS. Nguyễn Đức Máy - nhà đồng sáng lập startup Demeter lại được biết đến như là người gắn liền với lĩnh vực nông nghiệp.

Startup trẻ Nguyễn Đức Máy và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Nguyễn Đức Máy phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới ở Bangkok, Thái Lan Ảnh: Digital Age Mag

Thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ cao vào nông nghiệp, Nguyễn Đức Máy cùng các cộng sự đang góp phần thay đổi cách canh tác ở Việt Nam.

Lên đồi, xuống phố

Tháng 10/2015, sau khi trở thành quán quân Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức với đề án Giải pháp nông nghiệp thông minh, Nguyễn Đức Máy và Phạm Ngọc Anh Tùng (một trong những thí sinh đoạt giải Lương Văn Can mùa đầu tiên) cùng các cộng sự thành lập Demeter (Công ty TNHH Công nghệ UFO), hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Ngay sau đó, Demeter hợp tác với Công ty CP Cầu Đất (Cầu Đất Farm), đem đề án này đến Đà Lạt (Lâm Đồng) để ứng dụng vào nông trại Cầu Đất. Demeter đã giúp chuyển đổi Cầu Đất Farm từ một nông trại truyền thống chỉ trồng trà thành một nông trại công nghệ cao với đa dạng nông sản: trà, cà phê và rau củ quả.

Nhóm tiến hành thử nghiệm trên hệ thống nhà kính 1ha, và biến Cầu Đất Farm thành nông trại đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng IoT (internet vạn vật) trong nông nghiệp. Tháng 9/2016, Nguyễn Đức Máy được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Cầu Đất Farm, rồi đầu năm 2017, được Bộ Thương mại Thái Lan mời tham gia Diễn đàn Kinh tế mới tổ chức tại Bangkok với vai trò là diễn giả của Việt Nam.

Đến tháng 5/2017, kết thúc hợp tác với Cầu Đất Farm, Máy cùng đội ngũ Demeter chuyển hướng hoạt động vào TP.HCM. Nhằm mở rộng quy mô, gọi vốn để có thêm nhiều nhà đầu tư cùng chung sức thực hiện các giải pháp công nghệ cho nông nghiệp, Demeter quyết định chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần, đồng thời mở thêm mảng thủy sản.

Nói về bước đi này, Máy chia sẻ: "Việc áp dụng công nghệ vào trồng trọt đòi hỏi giá trị đầu tư ban đầu cao nhưng cần có thời gian dài để thu kết quả. Còn với thủy sản, chúng tôi nhận thấy ngành này đang rất cần các giải pháp công nghệ cao để sản phẩm xuất khẩu đáp ứng các điều kiện thị trường những nước tiên tiến".

Tháng 6/2017, Demeter trở thành đối tác của Tập đoàn Intel trong mảng IoT cho nông nghiệp. Hiện tại, Demeter cùng với Intel và một đối tác Malaysia thực hiện giai đoạn đầu một chương trình về tôm ở Cà Mau trên diện tích 170ha. Máy cho biết, thông thường, để hợp tác với Intel, doanh nghiệp phải có doanh số trên 50 triệu USD/năm, nhưng Demeter được "đặc cách" vì mảng IoT trong nông nghiệp vẫn còn là "một vùng đất mới đang được khai phá”.

"Không chỉ ở Việt Nam, lĩnh vực IoT trong nông nghiệp còn mới mẻ cả trên thị trường thế giới. Người ta đang nói nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng ngành nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở 3.0. Lúc trước, canh tác nông nghiệp được thực hiện bằng máy móc với số lượng lớn, còn xu hướng bây giờ là "canh tác chính xác", tức tưới tiêu chính xác, dự báo chính xác, sản lượng chính xác.

Link bài viết

Thế mạnh của Demeter là phần mềm, chúng tôi tận dụng thế mạnh về phần cứng của Intel cũng như các đối tác khác của Intel để tạo ra giải pháp bền vững, tối ưu cho thị trường. Từ đó, sản phẩm có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, chẳng hạn như nền tảng bảo mật tốt.

Chúng tôi không cần xây dựng nhóm nghiên cứu nữa, mà chỉ tập trung làm việc dựa trên thế mạnh phần mềm của mình" - Máy giải thích về cơ hội hợp tác với "ông lớn công nghệ” Intel. Ba tháng qua, Demeter đang thử nghiệm các giải pháp công nghệ cho mảng trồng trọt tại Đà Lạt, Đắk Lắk, và mảng nuôi thủy sản ở An Giang, Cần Thơ.

Chủ yếu nhắm đến phân khúc B2B, nhưng nhận thấy mô hình nông nghiệp nhỏ lẻ hiện đang chiếm phần lớn trong nền nông nghiệp nước nhà, Demeter muốn góp phần bằng cách "lấn sân" sang B2C. Từ đó, giải pháp trồng trọt cho hộ gia đình D-Family ra đời. D-Family đã giành được giải "Ứng dụng xuất sắc nhất" của cuộc thi Vietnam IoT Hackathon 2017 hồi tháng 10/2017 và đã chính thức ra mắt tại sự kiện TECHFEST 2017 (ngày 14 - 15/11/2017) diễn ra tại Hà Nội.

"Từ khi mới thành lập, chúng tôi đã mong muốn những sản phẩm của Demeter đem đến giải pháp tốt cho nông dân, cho thị trường và cho các nhà đầu tư nông nghiệp. Vấn đề còn lại là thời điểm. Chúng tôi tin rằng, sau một vài năm tiếp cận thị trường, 2018 sẽ là năm nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu tạo ra những sản phẩm có giá trị vượt bậc, trong đó có các sản phẩm của Demeter" - Máy chia sẻ.

Gập ghềnh mà thú vị

"Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi bị nhiều người hỏi tại sao từ bỏ cơ hội ra nước ngoài làm việc để đi con đường bấp bênh như vậy, nhưng sau khi tôi được nhận Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, họ đã thay đổi suy nghĩ.

Sau đó, nhiều người lại hỏi tôi tại sao học kỹ sư mà lại đi làm nông nghiệp, đi "ở ẩn" trên Đà Lạt, nhưng khi tôi tạo ra được những thay đổi, có được một số thành công nhất định, họ lại nghĩ khác đi.

Sau đó, cũng có nhiều người hỏi tại sao đang làm Phó giám đốc Cầu Đất Farm lại nghỉ, chuyển hướng phát triển sang TP.HCM, nhưng tại đây, tôi gặt hái được một số thành công, họ lại thay đổi cách nhìn.

Bây giờ, con đường khởi nghiệp của tôi đã khơi dậy được tinh thần dấn thân nơi nhiều bạn bè, họ cũng bắt đầu "bắt chước" theo. Chính tôi cũng từng được truyền cảm hứng bởi những người dám dấn thân như vậy, chẳng hạn như trưởng nhóm Demeter" - Máy kể.

Tạm gác lại "bầu trời sự nghiệp rộng lớn trước mắt" để làm một điều gì đó khác biệt so với "khuôn mẫu bình thường", Máy tự nhận thấy con đường khởi nghiệp quả là gập ghềnh, thậm chí bấp bênh, nhưng rất thú vị, giúp chàng kỹ sư cơ điện tử 25 tuổi trưởng thành nhanh. Hơn hai năm khởi nghiệp, nếu xét ở lĩnh vực tài chính, Máy cho biết điều mình thu được là... nợ nần.

Máy đầu tư nhiều tiền bạc, thời gian để đi xuyên Việt, đi đến nhiều nước để học hỏi những điều mới. "Khi còn trẻ, trái tim còn giàu nhiệt huyết, trí óc còn ham học hỏi, tôi tự nhận thấy mình phải đi để thấy những mô hình mới mẻ rồi áp dụng vào thực tế ở địa phương mình. Nếu chỉ quanh quẩn trong một môi trường thì sẽ bị "phân vùng hóa", không phù hợp với xu hướng thời đại" - Máy bộc bạch.

Nhờ được va đập, trải nghiệm khá nhiều lĩnh vực trên con đường khởi nghiệp, Máy cho biết cái "được" lớn nhất là niềm vui vì thấy được mục tiêu sống lớn nhất. "Tôi rất thích câu nói "Bạn có thể kiếm nhiều tiền hơn, nhưng không thể có nhiều thời gian hơn". Thời gian của chúng ta vốn hữu hạn, nhưng nhiều người lại nghĩ nó là vô hạn.

Họ nghĩ những phần việc không làm hôm nay thì có thể để ngày mai, nhưng nếu ngày mai họ làm, thì họ lại bỏ mất một cơ hội nào đó, như gặp được một người giỏi, biết được một điều thú vị nào đó. Không một ai, không một công nghệ nào giúp biết được ngày mai, vì vậy, khi đang có thời gian, hãy hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Còn sự giàu có thì có thể ập đến bất cứ lúc nào" - Máy vui vẻ chia sẻ.

Hành trình khởi nghiệp của nhà đồng sáng lập Demeter chưa dừng lại ở đó, hiện Máy còn giữ vai trò tư vấn cho một số chương trình có liên quan đến lĩnh vực du lịch, giáo dục và nông nghiệp tại quê hương là tỉnh Thừa Thiên - Huế.

"Chúng tôi kỳ vọng Demeter gọi vốn thành công, thậm chí có thể tiến tới vòng Series B, Series C để khi có đủ nguồn lực, nền tảng Demeter có thể được ứng dụng không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn mở rộng ra các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia - những quốc gia có nền nông nghiệp mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam" - Nguyễn Đức Máy nói về những kỳ vọng gửi gắm vào Demeter.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Startup trẻ Nguyễn Đức Máy và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO