Phan Lily, cô "tiểu đại sứ" văn hóa

ĐẶNG QUÝ YÊN| 10/10/2014 09:31

Nhìn về văn hóa Việt Nam bằng đôi mắt của người đứng ngoài nhưng lại sở hữu trái tim nóng của người trong cuộc, Phan Lily dễ khiến người xung quanh ngạc nhiên vì tình yêu cô dành cho đất mẹ.

Phan Lily, cô

Nhìn về văn hóa Việt Nam bằng đôi mắt của người đứng ngoài nhưng lại sở hữu trái tim nóng của người trong cuộc, Phan Lily dễ khiến người xung quanh ngạc nhiên vì tình yêu cô dành cho đất mẹ. Nó không xa vời hay đầy ắp hoài bão mà giản dị trong từng cánh hoa, vạt nắng... và vừa đủ để cô gái này quyết tâm dành phần lớn tuổi trẻ của mình truyền bá những nét đẹp ấy, cũng như vẽ lại số phận của những phụ nữ đang sống trên mảnh đất tình quê này.

Đọc E-paper

Giấc mơ trên cù lao An Bình

Gặp Phan Lily trên đường cô ra sân bay cho kịp chuyến về Singapore, những phụ kiện cô mang khiến nhiều người chú ý. Không valy, không balô..., hành trang của Lily là chiếc túi đeo nhỏ, làm bằng vải bố và một túi vải in hình hoa sen đỏ, để vừa vặn chiếc laptop.

"Những gì tôi mang trên người đều là sản phẩm của Viet Artisans. Mình không sử dụng sản phẩm mình làm ra thì làm sao thuyết phục được khách hàng", Phan Lily bắt đầu câu chuyện như thế.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng 11 tuổi, Phan Lily đã cùng gia đình sang định cư ở Mỹ. Sống sung túc nơi xứ người nhưng mỗi lần về thăm quê ngoại, Phan Lily lại xót xa khi thấy những phụ nữ trạc tuổi chị và mẹ mình dù chăm chỉ làm lụng vẫn chẳng thể thoát khỏi cái nghèo.

Và Lily đã tìm được người đồng cảm khi chia sẻ nỗi thương cảm ấy với dì của mình, chị Tô Thị Hồng Lan. "Chúng tôi quyết định cùng nhau thực hiện một dự án phi lợi nhuận mang tên Viet Artisans, tặng "cần câu" cho những người phụ nữ cả đời chỉ biết cày thuê cuốc mướn ấy", Lily kể.

Với sứ mệnh tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống, Viet Artisans chính là nơi dạy nghề thủ công mỹ nghệ để các chị em có thêm thu nhập và tự tin hơn. Bắt đầu từ những vật dụng bỏ đi như vỏ bao gạo, bao bố..., Lily và những cộng sự đã làm thành những chiếc túi xách tiện dụng.

Lily và dì đã bỏ tiền túi của mình và vận động những người thân trong gia đình để có vốn triển khai các hoạt động của Viet Artisans. Cũng may, khi thấy được tính nhân văn của dự án, không chỉ các thành viên trong đại gia đình Lily mà ngay cả bạn bè cô cũng góp tay ủng hộ.

Chọn cù lao An Bình, Vĩnh Long làm nơi dạy và sản xuất, Viet Artisans bắt đầu với 5 người thụ hưởng và đến nay, số các chị được dạy nghề và làm việc ở đây đã lên đến 12 người.

Mười hai đôi bàn tay ngày xưa làm mướn chai sần nay đã biết đóng sách, đan giỏ, vẽ, thêu, in... thành thạo. Cộng với đội ngũ thiết kế, bán hàng..., nhân sự của Viet Artisans gần 30 người nhưng chi phí vận hành tương đối ít.

Phan Lily phấn khởi: "Tôi may mắn có được đội ngũ tình nguyện cùng chí hướng, họ cùng tôi đóng góp bằng chính sức trẻ của mình để giúp những người bất hạnh". Điều này tạo điều kiện để nguồn thu của Viet Artisans được dùng trọn vẹn cho việc chăm lo đời sống các chị cũng như tái đầu tư, mở rộng việc dạy nghề cho các chị em khác.

Phan Lily (bìa phải) cùng các nhân viên Viet Artisans

Và con đường dùng văn hóa làm đại sứ

Sau hai năm hoạt động, sản phẩm của Viet Artisans đã có mặt ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các trung tâm mua sắm trên tuyến đường du lịch Đồng Khởi... Thiết kế ấn tượng nhưng vẫn giữ phong cách cổ điển, sổ, thiệp, túi xách của Viet Artisans thu hút được lượng lớn khách hàng ngoại quốc.

Nhất là những khách hàng có nhu cầu quà tặng "độc quyền", gắn với tính cá nhân, như thêu, in tên người nhận lên sản phẩm chẳng hạn. Tuy nhiên, với người bản địa thì sản phẩm chưa hấp dẫn lắm. "Người Việt không ngại chi tiêu, chỉ là làm thế nào để họ hiểu được mục đích, ý nghĩa việc làm của Viet Artisans và thông điệp mà Viet Artisans gửi gắm", Lily nhận định.

Đó chính là lý do cô gái 8X này ấp ủ giấc mơ xây dựng một trung tâm quà tặng tình thân, nơi khách hàng có thể đến học, làm cũng như mua các sản phẩm thủ công tặng nhau. Lily phân tích: "Trẻ em Việt Nam hiện nay ít biết đến hàng hóa "handmade", chúng quen với các sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng loạt nên trung tâm ấy sẽ giúp các em có nơi sinh hoạt, tìm hiểu văn hóa lẫn truyền thống".

Tuy nhiên, trước khi thử sức với dự án ấy, nhiệm vụ của Lily vẫn là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho Viet Artisans để tạo nền tảng. Trước mắt, cô gái này đang hướng đến các doanh nghiệp có nhu cầu quà tặng độc đáo.

"Mỗi công ty có lịch sử riêng, văn hóa riêng. Khi có dịp tặng quà, mỗi món quà là một cơ hội quý báu để công ty chân thành cảm ơn sự ưu ái và lòng tin khách đặt nơi mình. Tuy nhiên, do bận rộn nên họ thường mua những món quà dễ tìm nhất, không phải là món quà có ý nghĩa nhất. Viet Artisans hướng đến đáp ứng nhu cầu này", Lily tiết lộ.

Trò chuyện với Phan Lily, chủ đề chính cô đề cập vẫn là những hình ảnh đẹp ở Việt Nam mà cô và các tình nguyện viên của Viet Artisans vừa ghi được.

Đó là những xe bán hoa lưu động ở Hà Nội, là vòng tay ôm siết con mình của một bà mẹ trẻ, là cánh sen hồng thanh tao khoe mình trong nắng mới..., những hình ảnh ấy chính là nền tảng và cũng là cảm hứng để đội ngũ thiết kế của Viet Artisans sáng tạo.

Lily vẫn nhắc đội ngũ thiết kế của Viet Artisans rằng, mỗi thiết kế của mình chính là một thông điệp, một "tiểu đại sứ" để giới thiệu về quê hương. Nếu thông điệp ấy không hay, không đẹp, thì cái nhìn của mọi người về Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Khi ý thức được vai trò của mình, các bạn trẻ cũng cân nhắc và chịu đầu tư hơn cho sản phẩm", Lily chia sẻ.

>Trách nhiệm với ước mơ
>Gian nan thiệp hồng
>
Giá trị của thất bại
>Quà tặng cho "bóng cả”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phan Lily, cô "tiểu đại sứ" văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO