Phạm Quỳnh Anh: Thắt ý trao tình trong mỗi bó hoa

Hoàng Linh Lan| 13/06/2019 08:00

Mỗi bó hoa bước ra từ Padma de Fleur hẳn nhiên là đẹp. Nhưng giá trị câu chuyện được gởi gấm phía sau mới là điều giữ cho nó có sức sống. Chị Phạm Quỳnh Anh, bà chủ của Padma de Fleur được bạn bè, khách hàng tặng biệt danh “người đàn bà hoa”, còn chị thì thú nhận, thích hoa sen vì tính nhã, đẹp, không vướng bụi trần và cả tính… hữu dụng của nó.

Phạm Quỳnh Anh: Thắt ý trao tình trong mỗi bó hoa

Câu chuyện đằng sau mỗi bó hoa

“Nhà” của Padma không choáng lộn vẻ đẹp vô hồn nhan nhãn khắp nơi, cũng không cố tình phủ bụi ra dáng cũ kỹ. Màu thời gian trên bức tường loang lỗ, con mèo trắng đốm đen ung dung đi lại trên gác, xuống khoảng sân… Tất cả đều toát lên vẻ đẹp chân thật, yên bình như chính tình yêu và giá trị chị Quỳnh Anh gầy dựng từ những ngày đầu cho tiệm hoa này. Padma de Fleur sau chặng đường 8 năm đã định hình rõ hướng đi, không chỉ là một tiệm hoa mà trở thành một phong cách sống, một điểm dừng chân của những tâm hồn yêu cái đẹp tự nhiên, đơn sơ.

“Nhiều người nghĩ tôi mê hoa đến độ bỏ hết mọi thứ nhưng không phải vậy. Tôi thích hoa đẹp nhưng ngay từ lúc bắt đầu, tôi đã sử dụng hoa như một món quà gởi đi tâm tình của người tặng. Tôi yêu những câu chuyện đó hơn là bản thân một bó hoa đẹp. Càng gắn bó với nghề, tôi càng nghe được nhiều câu chuyện hay ho phía sau mỗi bó hoa. Một người đến đặt hoa, mình biết tại sao đặt, tặng cho ai, người được tặng đã làm gì mà người ta trân quý, gởi tặng hoa như vậy... Khi cuộc sống mỗi ngày một nhanh, ai cũng bận rộn, quay cuồng, được nghe những câu chuyện tình cảm đó, tôi nhận ra mọi người vẫn rất quan tâm đến nhau. Việc tôi cần làm là tạo ra một kênh giao tiếp để mọi người thể hiện sự quan tâm đó, trao đi những tình cảm tốt đẹp”.

hoa-05-6225-1560415009.jpg

Một bó hoa của Padma de Fleur

Từ Padma, hoa mới trở thành một nghề gắn liền với cụm từ “thiết kế” thay vì chỉ là những người thợ, trở thành một tác phẩm nghệ thuật, gói tâm tình người tặng. Hoa của Padma còn len lỏi và bước lên mâm cơm, điểm xuyến cho ly café, ly cocktail, trở thành điểm nhấn khó trộn lẫn; vào tiệc cưới, những chương trình của các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm danh tiếng, trở thành sợi dây xuyên suốt định dạng thương hiệu.

hoa-01-1739-1560415010.jpg

Một góc nhỏ ở Padma de Fleur

Như nhiều câu chuyện khởi nghiệp phổ biến khác (có chăng là sớm hơn, trước khi phong trào khởi nghiệp ra đời), 12 năm trước, chị Quỳnh Anh rời bỏ công việc với mức lương cao ngất trong ngành quảng cáo tại công ty nước ngoài mở tiệm hoa. “Không có gì điên cuồng như mọi người vẫn nghĩ đâu. Tôi đi học tiếng Pháp, được một người bạn là nhà thiết kế hoa (flowrist) trong lớp chỉ cách làm một bó hoa. Cùng với tôi còn có hai người bạn nữa. Điều thú vị là mỗi người, mỗi tính cách khác nhau sẽ tạo ra những bó hoa khác nhau. Trong vòng 3 năm, mỗi cuối tuần, mình vẫn hay gói hoa để tặng cho bạn. Đến cuối năm 2006 ý nghĩ mở tiệm hoa bất chợt lóe lên, không có kế hoạch gì. Vậy là Padma ra đời”.

Khơi cảm hứng từ giá trị thực

Vì làm theo cảm hứng, Padma de Fleur hoạt động được một năm thì… cạn vốn. Quỳnh Anh đóng cửa tiệm hoa, trở về với ngành quảng cáo. Tìm một công việc mới với khả năng và kinh nghiệm của chị khi đó không khó. Nhưng chị không trụ lâu được ở bất cứ công việc nào quá hai, ba tháng. Khủng khiếp hơn, đến chính bản thân chị cũng không nhận ra sự bất ổn đó. Bạn bè Quỳnh Anh bảo tốc độ nhảy của chị còn hơn cả tốc độ phát triển của Việt Nam. Chị giật mình: “Có lẽ đã đến lúc phải làm cái gì đó mình thực sự thích nó và nằm trong vòng kiểm soát của mình. Nghĩa là phải thay đổi, chứ nếu còn ở trong ngành quảng cáo thì tình trạng đó chắc chắn sẽ tiếp diễn. Nếu mình đang đi đúng con đường mình muốn thì đã không thay đổi liên tục như vậy”. Năm 2011, Padma de Fleur mở cửa trở lại.

hoa-04-3134-1560415010.jpg

Cũng là hoa, nhưng lần này Padma lại kể một câu chuyện khác

Không đi theo hướng thị trường, ba năm đầu tiên, Padma gần như không đủ doanh thu để tồn tại, lương của Quỳnh Anh và nhân viên thua cả lương công nhân. Quỳnh Anh nói, có lúc chị hoang mang và tự hỏi: “Nếu không trụ được thì sẽ làm cái gì tiếp theo? Đó không chỉ là mình mà còn là cuộc sống của những người đã đồng hành cùng mình”. Nhưng thị trường đã cho chị câu trả lời xác đáng, giữ chị ở lại với nghề. “Tôi tự rút cho mình một số bài học. Thứ nhất, muốn xây cái gì thì phải nhìn xa và xây cái móng cho chắc, tương tự như xây nhà vậy. Rồi tùy vào khả năng, mình tiếp tục xây từ từ. Thứ hai, bắt tay làm một cái gì đó thì điều quan trọng nhất là phải đi đúng nhịp của mình. Ham muốn nhiều, muốn đi nhanh nhưng nhanh hơn nhịp của mình thì rất dễ té ngã” - Quỳnh Anh chia sẻ.

hoa-06-6251-1560415010.jpg

Các món ăn ở Padma không cầu kỳ nhưng luôn được bày trí đẹp mắt

“Phần lớn, thước đo thành công của mọi người là số tiền họ kiếm được. Họ đi xe gì, ở nhà như thế nào. Còn tôi dùng những chỉ số như niềm vui, hạnh phúc”. Nhân viên của Padma là những chàng trai, cô gái học hành bài bản ở các ngôi trường tiếng tăm nhưng họ không thấy vui với những điều đã chọn. Họ tìm đến Padma, rồi ở lại và gắn bó với những giá trị này, người mới nhất cũng phải 4-5 năm, vì ở đó, mỗi sáng, họ thức dậy và háo hức với công việc. Họ bận rộn nhưng không tất bật.

hoa-02-8196-1560415010.jpg

Từng góc bàn, đồ ăn, thức uống ở Padma đều thấm đẫm tinh thần thư thái và vẻ đẹp của hoa

Những ngày này, Quỳnh Anh và nhân viên đang tất bật với khu vườn tại Sa Đéc mang cái tên hết sức nên thơ Hoa bay bướm lượn. “Mọi người đến Padma hay bảo như đến phòng khách nhà mình, có lẽ đã đến lúc mời họ vào phòng ngủ, để có thể ở lại. Vườn một mặt mang đến cho khác hàng có thêm trải nghiệm, mặt khác có thể trồng những loại hoa mà chúng tôi không mua được ngoài tiệm”. Không dừng lại ở dịch vụ thiết kế hoa, mang đến trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, vườn tược, Padma còn hướng đến việc làm ra những thực phẩm ăn được từ hoa hữu cơ, bắt đầu từ những loài hoa quen thuộc trong mâm cơm Việt như: hoa súng, hoa điên điển, so đũa.

Ảnh chụp Phạm Quỳnh Anh: Justin Mott trong bộ ảnh 'My Vietnam'

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phạm Quỳnh Anh: Thắt ý trao tình trong mỗi bó hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO