Những bông hoa trên gối

ĐẶNG QUÝ YÊN| 16/10/2013 05:23

Không được đào tạo bài bản, những thiết kế của Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cô chủ nhỏ của Ardeli, xuất phát từ cảm nhận của người dùng. Những gì đi từ trái tim ắt đến được trái tim, cảm xúc ấy đã truyền đến khách hàng và mang đến cho Hạnh những cơ hội bất ngờ.

Những bông hoa trên gối

Không được đào tạo bài bản, những thiết kế của Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cô chủ nhỏ của Ardeli, xuất phát từ cảm nhận của người dùng. Những gì đi từ trái tim ắt đến được trái tim, cảm xúc ấy đã truyền đến khách hàng và mang đến cho Hạnh những cơ hội bất ngờ.

Đọc E-paper

Cực như... Hạnh

Ngày 7/10, Ardeli, cửa hàng cung cấp đồ trang trí nội thất "handmade" khai trương rộn ràng trên đường Xuân Thủy, Thảo Điền, TP.HCM. Tập trung vào các sản phẩm trang trí theo phong cách cổ điển, những cái cốc, giỏ mây, đèn ngủ... của Ardeli được thêm thắt các chi tiết trang trí khá đẹp mắt.

Nhưng ấn tượng hơn cả là những chiếc gối trang trí hiện diện khắp cửa hàng. "Đó là sản phẩm chủ lực của Ardeli trong thời gian này. Tất cả sản phẩm của Ardeli đều được làm bằng tay, được thiết kế hoa văn riêng nên rất ít khi bị "đụng hàng", Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ nhân của Ardeli, giới thiệu.

> 9 loại hình để khởi nghiệp kinh doanh trên mạng
> Học cách khởi nghiệp thành công
> Những điều đáng lưu ý khi khởi nghiệp
> Lập kế hoạch kinh doanh khi khởi nghiệp
> 7 lý do nên khởi nghiệp ngay bây giờ

Sáu năm làm việc trong ngành trang trí nội thất, có vài ba năm tự thiết kế, sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhưng chẳng quan tâm đến xây dựng thương hiệu nên sản phẩm của Hạnh dù có mặt tại khá nhiều trung tâm phân phối lớn như Crescent Mall, Boutique Art, Art Net... nhưng vẫn chỉ "vô danh tiểu tốt".

Hạnh nhớ lại: "Hồi đó, ban ngày đi làm thuê, buổi tối thì thiết kế và tự tay chăm chút từng đường kim mũi chỉ nên cứ nghĩ đến bán được sản phẩm và sản xuất đủ hàng để ký gửi ở các trung tâm phân phối là đã mừng lắm rồi".

Học lên đại học với Hạnh là cả một thử thách, vậy nhưng cô đã nỗ lực hết mình và tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học. Gia đình không đủ điều kiện nên tốt nghiệp trung học phổ thông, Hạnh phải đi làm công nhân may mặc.

Sau một năm tích cóp, số tiền kiếm được đủ giúp Hạnh đặt chân vào giảng đường đại học ở TP.HCM và cũng đủ để thắp lên trong cô gái nhỏ này ước mơ về một công xưởng nhỏ mà theo lời Hạnh là "để may những sản phẩm thị trường chưa có”. Có lẽ suy nghĩ này đã khiến Hạnh không theo đuổi việc nghiên cứu các vấn đề xã hội mà xin vào làm ở các công ty sản xuất sản phẩm trang trí nội thất ngay sau khi ra trường.

Biết mình không có chuyên môn, Hạnh nỗ lực tự học, tự tìm hiểu các xu hướng rồi mày mò thử sức với những chiếc gối trang trí. Vẫn với những kiểu gối trang trí truyền thống nhưng Hạnh mạnh dạn đem hoa lên gối.

Cô dùng những phần vải hoa làm điểm nhấn, sáng tạo các đường nối để tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Nhờ vậy, những chiếc gối hoa của Hạnh đã vào được những trung tâm phân phối lớn.

Lấy ngắn nuôi dài

Đơn đặt hàng ngày một nhiều, dù Hạnh đã gắng sức đến rạc người nhưng sản phẩm làm ra vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Lúc này, Hạnh bắt đầu chuyên môn hóa bằng việc đưa mẫu thiết kế, nguyên liệu cho các "vệ tinh" sản xuất.

Muốn không ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, Hạnh ra Phan Rang, Biên Hòa... để nhờ thợ thủ công ở đấy gia công. Mỗi sản phẩm làm xong, Hạnh đều kiểm tra chất lượng cẩn thận.

Nhờ vậy, bộ máy sản xuất của Hạnh ngày càng trơn tru, cô mở một cửa hàng nhỏ ở khu vực quận 7, TP.HCM để làm nơi giao dịch. Cô chủ nhỏ tiết lộ, sở dĩ cô thuê nhân công ở tận Phan Rang, Biên Hòa là vì hai địa phương trên cũng là "kho" nguyên vật liệu của cô.

Bởi ngoài gối Hạnh còn cung cấp cả đèn trang trí làm bằng gốm, sắt..., rồi trang trí bằng vải hoa để sản phẩm sinh động hơn. Các khách sạn rất ưa chuộng sản phẩm này, nhiều hợp đồng trang trí trọn gói cho khách sạn thuộc về cô cũng nhờ phong cách riêng này.

Khách hàng ngày một nhiều hơn nên Hạnh phải nghĩ đến việc kinh doanh bài bản. Mời thêm kiến trúc sư trẻ Hồ Viết Tân làm bạn đồng hành, Hạnh đưa Ardeli danh chính ngôn thuận ra thị trường. Không chỉ kinh doanh sản phẩm, Ardeli còn hướng đến dịch vụ tư vấn kiến trúc trọn gói cho nhà hàng, khách sạn và các công trình nhà phố.

"Cái khó lớn nhất của tôi là tài chính. Hiện sản phẩm của Ardeli 60% là nguyên vật liệu, 20% là công thực hiện, phần còn lại phải trang trải cho tất cả những phát sinh khác", Hạnh chia sẻ.

Biết là phần lợi nhuận không còn được bao nhiêu nhưng cô chủ nhỏ vẫn chấp nhận để "lấy ngắn nuôi dài" bởi Hạnh biết, ra đời trong bối cảnh nền kinh tế chưa hồi phục, nếu không tính toán để có giá tốt, thất bại sẽ nhanh chóng đến với mình.

Điều đáng mừng là từ cái khó ấy lại giúp Hạnh tìm được cơ hội mới. Một khách hàng thân thiết của Hạnh nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm và dịch vụ Hạnh cung cấp, đã đồng ý đầu tư vốn cho Hạnh khuếch trương Ardeli.

Lợi nhuận tất nhiên là chia theo tỷ lệ. Nhờ vậy, Ardeli nhanh chóng có cơ sở thứ hai chỉ sau cửa hàng đầu tiên ít ngày. Hạnh cho biết, với doanh nghiệp còn thiếu thốn tài chính như Ardeli, đây sẽ là hướng kêu gọi đầu tư để Ardeli tiếp tục phát triển.

Cùng lúc chuẩn bị cho hai cửa hàng ra mắt, vừa quản lý sản xuất, kinh doanh..., Hạnh làm việc, đến mức chẳng đủ thời gian chăm sóc ngoại hình nhưng vẻ rạng ngời, hạnh phúc thì luôn hiện diện trên gương mặt. Có lẽ, với Hạnh, hành trình lao động để từng bước đến với thành công chính là niềm vui lớn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những bông hoa trên gối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO