Người truyền cảm xúc cho sỏi đá

Lựu Nguyễn| 31/05/2022 01:00

Vẽ tranh trên giấy, trên lụa, trên gỗ đã thấy nhiều, ít ai hình dung một chất liệu đơn sơ lại còn gồ ghề như những viên sỏi lại cũng có thể dùng để vẽ. Có một người phụ nữ đã quyết định khởi nghiệp với nghề vẽ tranh trên sỏi.

Ý tưởng “thổi hồn” vào sỏi

IMG-4360-5425-1653547425.jpg

Chị Nhung đến với sỏi nghệ thuật một cách rất tình cờ. Trước đây, em trai chị kinh doanh hồ cá thủy sinh. Nhờ đó mà chị Nhung biết được khách hàng thường thích những viên sỏi trang trí hơn là hồ cá. Chị nhận ra những viên sỏi có thể lưu giữ được nhiều thứ. Vậy là chị Nhung nảy ra ý tưởng “thổi hồn” vào sỏi.

“Lúc đó, tôi đang làm một công việc rất ổn định là tổ chức sự kiện tại một công ty du lịch. Khi nảy ra ý tưởng, tôi quyết định nghỉ việc và kinh doanh tranh vẽ trên sỏi. Thời gian đầu, sỏi nghệ thuật cũng chưa có một văn phòng đàng hoàng. Tôi và chồng phải đến tận Long An, Bình Dương để lựa đá. Cả bãi đá khổng lồ mà chỉ lựa được 1-2 viên vừa ý, cứ cầm lên rồi lại thả xuống. Đi lựa về thì tôi liền giao đá đến nhà các họa sĩ cho họ vẽ, rồi lại chạy tới nhà họa sĩ, lấy sản phẩm, đóng gói rồi gửi cho khách hàng”, chị Nhung nhớ lại. 

Lúc mới khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh bằng tranh sỏi của chị Nhung đã gặp nhiều ý kiến trái chiều. Bạn bè, người thân cho đó là một ý tưởng hay nhưng sản phẩm làm ra khó bán. Nhiều người khác lại nói bán tranh sỏi là ý tưởng “điên khùng” và khuyên chị bỏ nghề.

Khi bán những sản phẩm đầu tiên, chị mới hiểu được cái khó. Sản phẩm tranh sỏi vẽ bằng tay nên có giá thành khá cao. Nhiều khách hàng đến rồi đi cũng vì điều đó. Nhưng chị vẫn quyết làm cho được. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng khó khăn có nghĩa là những điều mới mà cuộc đời mang đến cho mình. Tôi đối diện và đón nhận nó như một quy luật tất yếu của cuộc sống”. 

Nỗ lực không ngừng nghỉ

Từ khi có “nhà sỏi”, chị phải trau dồi, học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng. Có những hôm, chị Nhung làm việc đến 2-3 giờ sáng. Anh Ngô Quốc Võ (32 tuổi) - chồng chị Nhung cho biết, năm đầu tiên bán tranh vẽ trên sỏi thì chị Nhung chỉ có thể nghiên cứu vẽ lại chân dung khách hàng bằng những hình ảnh sống động, dễ thương. Sau đó, khách hàng yêu cầu tranh vẽ ra phải gần giống với hình ảnh thật. Lúc ấy, các họa sĩ cho rằng kiểu tranh đó không thể vẽ được. Nhưng chị vẫn kiên quyết là phải làm được. Nhiều họa sĩ thấy quá khó nên đã xin nghỉ, “nhà sỏi” mất đi số lượng lớn nhân sự.

Chị Nhung đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu, hướng dẫn và hỗ trợ các họa sĩ. Cuối cùng thì Sỏi nghệ thuật G.Art cũng đã có sự chuyển giao về nét vẽ, sinh ra kiểu vẽ truyền thần. Tất cả họa sĩ đều vẽ được thể loại này. “Nếu là một người tiêu chuẩn thấp, không cầu toàn thì sẽ nghĩ kiểu vẽ giống nhân vật rất khó làm, rồi bỏ luôn. Như vậy thì sẽ không có sản phẩm tranh sỏi được nhiều người yêu thích như bây giờ”, anh Võ khẳng định.

Sau nhiều lần thay đổi, phát triển, tranh vẽ trên sỏi ngày càng được nhiều người ủng hộ. Có những tháng, “nhà sỏi” bán được hơn 500 sản phẩm. Chị tâm sự: “Gần 5 năm gắn bó, nhà sỏi đã tạo cơ hội để tôi làm việc chuyên nghiệp hơn”. Mỗi khi có ai hỏi về cái duyên đến với nghề, chị vẫn hay cười: “Có những công việc mình thích thì mình mới làm. Và cũng có những công việc mình làm rồi mình mới thích. Tôi đến với sỏi nghệ thuật là như vậy”. 

Biết cách truyền lửa 

Mỗi ngày, khi đến công ty, việc đầu tiên chị Nhung làm là đi đến từng phòng, hỏi thăm về công việc và hỗ trợ các nhân viên. Một họa sĩ ở G.Art cho biết, chị Nhung luôn tạo cảm giác không phải một người sếp mà là người bạn để chia sẻ mọi khó khăn. 

Khi nhắc về kỷ niệm đối với “nhà sỏi”, chị Nhung nói: “Tôi nhớ từng gương mặt đã đi qua nhà sỏi này. Tôi rất thương các bạn. Khi một cơn bão qua đi, điều duy nhất còn tồn tại ở đây chắc chắn là con người. Nếu sau này nhà sỏi có phá sản hay không tồn tại nữa thì điều khiến tôi tiếc nuối nhất là những con người đã cùng đi với mình”.

Rồi chị nhớ đến lần “nhà sỏi” đổi địa điểm. Ngày dọn khỏi chỗ cũ, chị đã khóc khi chuẩn bị chia tay từng món đồ trong nhà. Cuối cùng chị quyết định mang đi hết, từ cây trầu bà sau nhà, từng cây sen đá trước cổng đến những vật dụng đã lâu không dùng đến.

“Nhà sỏi” của chị Nhung gắn liền với cái tên rất thân thương là “trạm ký gửi cảm xúc”. Từng câu chuyện, kỷ niệm của khách hàng đều được lưu giữ bền bỉ trên tranh sỏi. Chị mang nhiều cảm xúc và cũng là người gói ghém, truyền cảm xúc của người khác vào những sản phẩm của mình.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người truyền cảm xúc cho sỏi đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO