Người trẻ Việt cần chủ động chuẩn bị cho hội nhập

ĐẶNG QUÝ YÊN| 22/12/2015 04:32

Hơn 600 lãnh đạo trẻ Việt Nam đã cùng hội tụ tại...

Người trẻ Việt cần chủ động chuẩn bị cho hội nhập

Hơn 600 lãnh đạo trẻ Việt Nam đã cùng hội tụ tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam (Vietnam Young Leaders Forum 2015) do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức vào ngày 18/12 tại TP.HCM. Vấn đề lập thân của người Việt trẻ trong bối cảnh xã hội đổi mới trở thành chủ đề được quan tâm. 

Đọc E-paper

Nhiều hạn chế

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), Phó chủ tịch YBA, đánh giá, dù có khá nhiều gương mặt ấn tượng nhưng nhìn chung, "phần lớn người trẻ vẫn mắc tư duy làng nhàng, mì ăn liền".

Trong các dự án, họ thường chọn việc dễ để đạt cái lợi trước mắt hơn là đưa ra chiến lược cụ thể cho đời mình. "Không dừng lại ở đó, các bạn trẻ ngày nay thường đòi hỏi nhưng không chấp nhận chia sẻ, không dám trả giá và không có khát vọng lớn", ông Quỳnh nhận định.

Theo ông Quỳnh, có dịp đi các nước mới thấy thanh niên các nước đã tích cực chuẩn bị cho hội nhập. Đơn cử như khá nhiều bạn trẻ trong khu vực bắt đầu học tiếng Việt để đón đầu cơ hội, nhưng việc đó vẫn chưa thấy nhiều ở Việt Nam. Sự thiếu chủ động của những bạn trẻ Việt Nam cho thấy việc thế hệ kế cận tận dụng được lợi ích từ những thỏa ước kinh tế trong khu vực cũng như toàn cầu chưa cao.

Đồng quan điểm, ông Lâm Ngọc Minh, CEO Công ty Nệm mousse Liên Á, Phó chủ tịch YBA, cảnh báo: "Dòng chảy của lao động và dịch chuyển đầu tư sau thỏa ước AEC là có thật. Cạnh tranh sẽ nhiều hơn giữa các doanh nghiệp cùng ngành, trong khu vực. Việc thu hút đầu tư cũng sẽ như thế”.

Đơn cử như ngành cao su Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với Indonesia, hay ngành gỗ và trang trí nội thất sẽ phải cạnh tranh với Malaysia, Philippines...

Số liệu khảo sát thị trường ASEAN cho thấy, trong năm 2015, số hộ gia đình trong khu vực tăng cao rất đáng kể, điều này đồng nghĩa với nhu cầu mua sắm cũng sẽ cao hơn. Quan trọng hơn cả là tầng lớp thu nhập cao cũng tăng, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường theo hướng ngày một cao cấp hơn.

Đây chính là cơ hội để người trẻ có thể triển khai các kế hoạch kinh doanh cũng như lập nghiệp ở các nước, bởi khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, lao động trong 8 ngành nghề cũng sẽ được tự do chuyển dịch.

Nếu so với các quốc gia trong khu vực, rõ ràng Việt Nam đang nằm trong nhóm dưới bởi có các quốc gia khác mạnh hơn. Giới trẻ Việt Nam lại đang bị hạn chế về ngoại ngữ và hội nhập sau nên gặp rào cản về cọ xát quốc tế.

Nếu không chủ động hơn, việc hưởng lợi từ các cộng đồng chung rõ ràng là sẽ ít hơn đối mặt với thách thức. Ông Minh khẳng định: "ASEAN chỉ là một cộng đồng nhỏ. Việt Nam còn tham gia vào những hiệp định khác lớn hơn. Các bạn trẻ cần phải chuẩn bị từ bây giờ để có thể trở thành một công dân toàn cầu".

Không ít cơ hội

Chia sẻ câu chuyện lập thân của mình, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó tổng giám đốc Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, cho biết, bà làm việc ở công ty, tập đoàn đa quốc gia từ khi mới tốt nghiệp.

Hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing cho các tập đoàn lớn như LG, Dutch Lady, Unilever... và hiện tại là Suntory PepsiCo, đam mê phát triển thị trường là nội lực để bà luôn thành công ở vị trí thủ lĩnh marketing của những tập đoàn hàng đầu.

Hơn 8 năm đồng hành cùng Suntory PepsiCo Việt Nam, bà đã khá thành công trong việc làm cho các nhãn hàng của Suntory PepsiCo trở thành lựa chọn thường xuyên của người dùng. "Tôi đang làm chủ công việc của chính mình", bà Liên chia sẻ.

Để bước đến vị trí đó, bí quyết của bà là không đòi hỏi và luôn khát khao. Bà kể: "Bảy năm trước tôi vẫn là một nhân viên, không lính nhưng cũng không có cả sếp. Một mình phải chuẩn bị tất cả mọi thứ, từ lên kế hoạch quảng bá sản phẩm ra thị trường đến việc fax, photocopy... hay chạy đi giao tài liệu, nhưng tôi vẫn tận hưởng công việc của mình".

Bước qua những thử thách ban đầu, bà gặt về trái ngọt, ghi tên mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam. "Các bạn trẻ cần có thái độ lập thân mới, phải lăn xả và đừng bao giờ hỏi "tại sao là tôi?" khi công việc đến, mà hãy hết mình trước đã, xem như đó là cơ hội của chính mình dù rằng việc được giao gần như chẳng liên quan gì đến chuyên môn hay nhiệm vụ của mình", bà Liên tư vấn.

Với những người xác định sẽ khởi nghiệp bằng một dự án của riêng mình, hầu hết các diễn giả đều thống nhất, cơ hội từ thị trường trong nước cũng như trong khu vực là không thiếu.

Chỉ cần người trẻ kiên trì với con đường của mình, sáng tạo và dám dấn thân, thành công sẽ mỉm cười. "Khởi nghiệp ở Việt Nam, dù có là "đại dương đỏ” thì vẫn có chỗ dành cho những người biết làm tốt hơn những người đi trước", bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp, khẳng định.

>Kiến tạo tương lai người Việt trẻ

>Báo Doanh Nhân Sài Gòn phát động Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2016

>Startup cần biết “chi tiêu thông minh” sau khi gọi vốn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người trẻ Việt cần chủ động chuẩn bị cho hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO