Không nhanh chân “leo lên mạng” sẽ tụt lại

Ngọc Thoại| 24/10/2020 08:22

Trong bối cảnh “nhà nhà lên mạng, người người lên mạng”, doanh nghiệp (DN) nếu không thích ứng với việc chuyển đổi số để tiếp cận thị trường sẽ gặp khó khăn, theo ý kiến các chuyên gia tại “Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020” (Vietnam Online Marketing Forum – VOMF) vừa tổ chức tại TP. HCM mới đây.

Không nhanh chân “leo lên mạng” sẽ tụt lại

Các diễn giả tại "Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2020”.

Ăn nên làm ra nhờ online

Vòng đời trung bình của doanh nghiệp (life span) đã sụt giảm gần 70%, từ 61 năm vào những năm 1960, còn 18 năm trong những năm thập niên 2020 này, ông Lê Hoàng Long, quản lý bộ phận tư vấn chuỗi bán lẻ, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, trích dẫn một báo cáo gần đây của McKinsey. Chính vì vậy, ông Long cho rằng những doanh nghiệp muốn sinh tồn trong môi trường cạnh tranh gay gắt và đầy rủi ro như vậy, chỉ có cách chuyển đổi số và tiếp cận các giải pháp số hóa để tăng doanh thu, đặc biệt từ thương mại điện tử (TMĐT) và giảm chi phí vận hành.

Đại dịch đang xảy ra làm thay đổi xu hướng tiêu dùng. Mua sắm online đang trên đà đi lên, và việc bùng phát đại dịch là một cái cớ “hợp lý” để môi trường online bùng nổ hơn nữa. Một khảo sát của Nielsen Infocus mới đây cho thấy số người tiêu dùng cho biết họ sẽ tăng mua sắm online lên 25%, trong khi ở các kênh truyền thống như siêu thị, chợ và tạp hóa chỉ tăng lần lượt 7%, 3% và 6%.

“Đây là tình thế bắt buộc DN phải chuyển đổi số, tăng cường hoạt động TMĐT”, ông Long nói thêm.

Cũng theo khảo sát của Nielsen Infocus, có đến 55% người tiêu dùng mua sắm online ở độ tuổi 18-29, trong đó 63% là phụ nữ, 65% là nhân viên văn phòng, 70% có thu nhập cao, và họ thường mua sắm với tần suất 1.6 lần/ tháng. Trong số đó, 55% thực hiện mua sắm qua các ứng dụng di động (mobile app). Trước xu hướng này, các chuyên gia cho rằng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đang có tiềm năng tăng trưởng và các DN cần tập trung xây dựng trải nghiệm mua sắm qua mobile app, và tuy người tiêu dùng chủ yếu thanh toán trực tiếp khi nhận hàng (COD) nhưng ngày càng chuộng ví điện tử.

Be-7344-1603502266.jpg

Các mobile app như MoMo, Be, Zalo, và Now trên đường trở thành Super App còn tương đối xa.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc điều hành Baemin Việt Nam cũng chia sẽ một trường hợp DN khai thác môi trường kinh doanh online thành công. Đó là Mì Trộn Tên Lửa, khởi đầu với chỉ một cửa hàng có doanh thu tháng khoảng 30 triệu đồng. Khi hợp tác với nền tảng TMĐT - mobile app Baemin, Baemin kết nối cho Mì Trộn Tên Lửa đến với nhiều khách hàng hơn thông qua những chương trình khuyến mãi và truyền thông.

“Kết quả là Mì Trộn Tên Lửa đã chuyển hoàn toàn từ offline sang online sau khi hợp tác cùng Baemin, với số lượng cửa hàng tăng lên 5 và doanh số hàng tháng tăng 15 lần”, ông Thành cho biết, đồng đưa ra lời khuyên DN cần có chiến lược số hóa để bắt kịp xu hướng, vì công thức để thành công online có nhiều khác biệt so với offline. Ông nói thêm: DN cần điều chỉnh về sản phẩm, vận hành và tiếp thị để thành công. Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro, họ nên áp dụng chiến lược 2 trong 1 (cả online và offline cùng lúc).

Dẫn trường hợp thành công của các sàn thương mại điện tử thế giới, theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Việt Nam, môi trường kinh doanh online đang trở thành một mỏ vàng cho các DN khác thác, như trường hợp ứng dụng WeChat của Trung Quốc, với 1 tỷ người dùng hàng ngày trên toàn cầu, 2/3 người dùng TQ. WeChat mang đến nhiều tiện lợi như di chuyển, đi chợ, mua sắm, đặt đồ ăn, thanh toán hóa đơn, và chuyển tiền.

“Trong khu vực ASEAN, Grab đang nổi lên như một đối thủ của WeChat. Còn tại Việt Nam, các mobile app như MoMo, Be, Zalo, và Now trên đường trở thành Super App, nhưng con đường đi hãy còn tương đối xa,” ông Hưng đánh giá.

Chiến lược sinh tồn: “đánh du kích”

Các chuyên gia nhận định việc duy trì và phát triển các super app chỉ thích hợp với các DN lớn và cực lớn, đặc việt là các DN nước ngoài có lợi thế huy động vốn từ thị trường tài chính chính quốc tế lẫn nội địa thông qua các quỹ đầu tư. Trong khi, Việt Nam tập trung nhiều DN vừa và nhỏ (SMEs), phải cạnh tranh như thế nào khi thiếu hẳn nguồn lực cũng như động lực để có thể biết thành các super app, vốn đang được các tập đoàn đầu tư theo hình thức “đốt tiền” để dành miếng bánh thị trường ở hầu hết các mảng và lĩnh vực như vậy?

mua-hang-my-online-1-9986-1603502266.jpg

Các SMEs không có mâu thuẫn về lợi ích cần liên minh đề cùng tạo ra những Super app.

Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade Việt Nam, các SMEs nên cân nhắc dùng chiến thuật “đánh du kích” trước các đối thủ tầm cỡ. Đó là chiến thuật: mọi người cùng làm Super app.

“Từ trước đến nay trong môi trường kinh doanh website, chúng ta cho phép đối tác đặt các backlink và banner liên kết với các trang bán sản phẩm và dịch vụ của họ, và cách này cũng làm tăng traffic (lưu lượng truy cập website) mà các bạn làm SEO lâu nay vẫn làm”, ông Hưng phân tích.

Thế nhưng, ông lại cho rằng trong môi trường mobile app, ngoại trừ một số yếu tố thiên về kỹ thuật có thể khắc phục được, chúng ta vẫn chưa làm. Do đó, DN phải cởi mở tư duy, và nên nghĩ đến việc thành lập các nhóm liên minh các SMEs không có mâu thuẫn về lợi ích để cùng làm app và đặt các dịch vụ và sản phẩm của nhau trên app nhằm bán chéo cho nhau.

Ví dụ, anh bán thức ăn, anh để đối tác làm khách sạn, làm spa, làm dịch vụ rửa xe…vào app của mình, thì một khách hàng sáng ra đặt đồ ăn, có thể đặt sẵn dịch vụ rửa xe để sau khi ăn xong, chở vợ ra spa, rồi đi rửa xe, sau đó đặt bữa trưa sang chảnh ở nhà hàng, thành một vòng tròn sản phẩm và dịch vụ khép kín mang lại doanh thu cho tất cả các bên như vậy. 

“Như trên Mắt Bão có hàng triệu SMEs, có những đối tác bán dịch vụ đào tạo, làm SEO, thiết kế website, mua tên miền, marketing online, nếu ta làm như vậy thì tất cả các bên đều bán được hàng. Nhưng lưu ý đối với SMEs là phải thật tập trung vào mảng thế mạnh của mình và làm tốt nhất chỉ ở mảng đó, sẽ bán hàng tốt”, ông Hưng kết luận

Theo VECOM, với tốc tốc độ tăng trưởng được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% thì quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt 15 tỷ USD vào cuối năm nay, tăng hơn 3,5 tỉ USD so với năm 2019.

Năm 2019, theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) cho cả giai đoạn 4 năm 2016 - 2019 khoảng 30%.

Theo báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%, và quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không nhanh chân “leo lên mạng” sẽ tụt lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO