Khách hàng là thầy của tôi

Ý NHI| 30/12/2010 09:58

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ và nhiều năm làm giám đốc dự án trong ngành CNTT tại Mỹ, Lê Đặng Nguyên ấp ủ giấc mơ sản xuất những phần mềm xuất khẩu “made in Vietnam”.

Khách hàng là thầy của tôi

Tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ thông tin (CNTT) Trường Đại học Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ và nhiều năm làm giám đốc dự án trong ngành CNTT tại Mỹ, Lê Đặng Nguyên ấp ủ giấc mơ sản xuất những phần mềm xuất khẩu “made in Vietnam”.

Viết phần mềm, cứng quyết tâm

Để làm cuộc “cách mạng” ra riêng (theo cách nói của Nguyên), trước đó Nguyên đã phải học hành nghiêm túc và trải qua nhiều công việc để tích lũy kinh nghiệm. Nguyên nói: “Ở Mỹ, sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng rất khó xin việc làm và các công ty khi tuyển dụng cũng không quan tâm nhiều đến bằng cấp, mà chỉ đòi hỏi kinh nghiệm”.

Vì vậy, ngay từ lúc còn học ở trường, Nguyên đã xin thầy giáo cho đi trợ giảng để ôn luyện kiến thức, rồi ngoài giờ học lại đi làm thêm cho các công ty thuộc lĩnh vực CNTT để học hỏi kinh nghiệm.

Sau một năm vừa học vừa làm, Nguyên xin được việc ở một công ty làm về CNTT và lại có điều kiện cọ xát nhiều hơn với thực tế thông qua việc thiết kế website, tư vấn phần mềm quản lý nguồn lực, phần mềm quản lý kế toán...

Nguyên chia sẻ: “Đa số sinh viên du học đều phải tìm việc làm thêm để có tiền trang trải chi phí học tập, và cách có lợi nhất là nên chọn những công việc thuộc chuyên môn của mình. Một điều quan trọng khác nên nhớ, là bạn sẽ mất điểm ngay từ đầu nếu trong bản lý lịch của mình xuất hiện lỗi chính tả, câu cú lủng củng”.

Xin được việc đã khó, làm sao để thăng tiến càng khó hơn, nhất là với một sinh viên mới ra trường. Thế nên, Nguyên đã làm việc cật lực, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, và nhanh chóng được thăng chức, từ quản lý web, quản lý hệ thống máy chủ, lập trình viên đến kỹ sư trưởng, giám đốc dự án và quản lý một đội lập trình.

Nguyên kể: “Một ngày tôi làm việc tới 12 tiếng. Khi sắp ra một sản phẩm mới, tôi còn làm tới 14, 15 tiếng/ngày, Tết cũng không nghỉ. Có lần vừa hoàn thành dự án phần mềm tích hợp các hệ thống ERP mà tôi làm chủ nhiệm, mắt tôi mờ luôn, không đọc được chữ nữa”.

Khi người Việt không tin sản phẩm Việt

Tin vào năng lực của Nguyên, công ty cử anh về Việt Nam mở chi nhánh. Thời gian này Nguyên cũng có nhiều dự án mới và muốn thực hiện kế hoạch sản xuất các phần mềm xuất khẩu. Nguyên phân tích: “Phần mềm là ngành không có biên giới, khi đóng gói xuất khẩu không phải tốn chi phí chuyên chở, khấu hao, tồn kho.

Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam lại gần gũi với các nước dùng mẫu tự Latinh hơn các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, nên phần mềm của Việt Nam chắc chắn sẽ có tính cạnh tranh cao”. Tuy nhiên, mong ước của Nguyên không được ban giám đốc ủng hộ, nên anh quyết định về hẳn Việt Nam mở công ty riêng.

Song, có ý tưởng là một chuyện, bắt tay vào thực hiện lại không dễ chút nào. “Khó khăn lớn nhất tôi gặp phải là quá bỡ ngỡ với thủ tục, luật lệ, cung cách làm việc cũng như những mối quan hệ tại Việt Nam, nhất là người Việt lại không tin tưởng sản phẩm do chính người Việt mình sản xuất. Hầu như tôi không có được sự hỗ trợ nào, đã vậy lại mở công ty đúng lúc diễn ra cơn sốt cao ốc văn phòng nên tôi phải mất ba, bốn tháng mới tìm được mặt bằng, còn vốn liếng thì dốc hết tiền dành dụm cũng chỉ được 80.000USD”, Nguyên nhớ lại.

Vào thời điểm đó, tuy các quỹ đầu tư cũng có hỗ trợ cho các dự án CNTT, nhưng họ chỉ đầu tư cho các dự án có sản phẩm ứng dụng tại Việt Nam và tương đối khả thi, nên dự án của Nguyên dù ý tưởng mới mẻ, mang tính đột phá, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cũng không được ủng hộ.

Tuy nhiên, do làm việc trong ngành lập trình khá lâu, nên Nguyên dễ dàng rủ rê các bạn sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa loại giỏi về làm với mình, và anh chọn kinh doanh bản đồ du lịch, bản đồ các dự án xây dựng..., vì nghĩ lĩnh vực này còn mới so với mặt bằng chung của thế giới. Hơn nữa, đây cũng là đề tài Nguyên ấp ủ từ lâu và trong thời gian làm việc ở Mỹ, anh đã được Nhà xuất bản O’Reilly hợp tác với Google mời trình bày về đề tài này tại một sự kiện tổ chức cho những người chuyên làm bản đồ trên internet.

Do vậy, khi biết Nguyên về Việt Nam, nhóm thực hiện dự án bản đồ trực tuyến của Google đã tìm đến đề nghị hợp tác với anh. Song, do không có đủ kinh phí, nên họ chỉ làm bản đồ Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, chỉ công ty Nguyên tiếp tục thực hiện dự án ở các tỉnh, nhưng sau một thời gian, anh phải chuyển sang công nghệ cổng thông tin quy hoạch vì các tỉnh không có nhu cầu làm bản đồ.

Nguyên tiết lộ: “Do hầu như tỉnh, thành phố nào cũng đều muốn thu hút các nhà đầu tư trong nước và cả nước ngoài bằng cách cung cấp cho họ thông tin quy hoạch của tỉnh, thành phố mình, nên dự án của tôi đã được đón nhận ngay từ đầu. Và để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước, tôi còn ứng dụng sản phẩm ở nước ngoài để giúp họ truy cập thông tin các nước”.

Theo Nguyên, lợi thế của dự án này là không cần quảng cáo vẫn có nhiều người truy cập vì đây là lĩnh vực thông tin đang rất được quan tâm.

Tuy nhiên, phải đến khi có nhiều khách hàng lớn trong lĩnh vực bất động sản tham gia giới thiệu thông tin của họ ở cổng thông tin qhoach.com, như: Bình Chánh, Resco, Sadeco... và hằng ngày có một lượng người đáng kể truy cập địa chỉ này cùng với các website địa ốc sử dụng công nghệ của qhoach.com, như: diaoc.skydoor.net, bcci.com.vn, sadeco.com.vn để tìm hiểu các dự án, đồng thời doanh thu của công ty đã tăng ổn định, có thể thu hồi vốn thì Nguyên mới tin dự án của mình sống được và thật sự có ích cho cộng đồng.

Nói về thành công, Nguyên khiêm tốn: “Do cổng thông tin của tôi chưa có ai làm nên khách hàng rất ủng hộ và dễ dàng bỏ qua những nhược điểm và còn góp ý cho tôi sửa chữa, nâng cấp dự án ngày một hoàn chỉnh hơn. Chính khách hàng là thầy tôi, người mang lại thành công cho tôi. Hiện tại, các dịch vụ kèm theo đang được triển khai và đó cũng là nền tảng để tôi tiếp tục thực hiện bước hai: tìm nhà đầu tư để sản xuất phần mềm xuất khẩu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khách hàng là thầy của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO