Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam: Các founder hãy chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Linh Lam| 23/03/2020 05:45

Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, Eddie Thái - Giám đốc quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam, vừa có bài viết chia sẻ "cẩm nang sinh tồn" trong thời đại dịch cho startup.

Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam: Các founder hãy chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất

Eddie Thái - Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam. Ảnh: VnExpress

Theo ông Eddie Thái, thời điểm này là lúc các founder cần phải tinh gọn và linh hoạt hoá để có thể sống sót trước mắt và phát triển dài hạn.

"Để làm được điều này, bạn cần phải bình tĩnh và có nhìn nhận đúng đắn về tình hình chung, về doanh nghiệp của mình và cả chính bản thân mình. Bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần đưa ra những quyết định khó khăn một cách dứt khoát. Nhưng đồng thời, bạn cũng phải hành động một cách nhân văn. Dù thế nào, hãy làm việc với các bên liên quan trên tinh thần thẳng thắn và rõ ràng", ông Eddie Thái chia sẻ.

Giám đốc 500 Startups Vietnam khuyên các startup nên hy vọng về một tương lai tươi sáng nhưng đừng quên chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất.

Dưới đây là một vài bí quyết giúp các startup sống sót qua giai đoạn khó khăn này, theo ông Eddie Thái:

Link bài viết

Tính cách sống sót trong 18 tháng

Theo Giám đốc 500 Startups Vietnam, không ai biết được tình hình đại dịch sẽ kéo dài đến bao giờ (có người dự đoán tháng 6, người lại dự đoán phải mất một năm nữa). Ngay cả khi thế giới hồi phục sau đại dịch, bạn sẽ phải cạnh tranh với những 'kẻ sống sót' khác trong cuộc chiến gọi vốn.

Ở trong bối cảnh hiện tại, hãy chỉ tính đúng số tiền bạn có trong tài khoản thay vì tính cả những khoản phải thu. Bạn cần phải giả định rằng mình sẽ không thể thu về 100% những khoản phải thu. Nếu bạn còn những khoản như vậy, hãy tập trung tuyệt đối vào việc thu những khoản đó về. Nếu bạn có nhà đầu tư nào chưa giải ngân hết, hãy làm việc với họ ngay. Kể cả khi họ không có tiền cho bạn, thà biết ngay từ bây giờ thay vì chờ đến khi bạn đã cạn tiền.

Các startup hãy nhìn vào tập khách hàng của mình và nghĩ thật kỹ xem ai sẽ bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Có thể đó là những khách hàng làm việc nhận lương theo giờ và sắp bị cắt giảm giờ làm. Có thể đó là một hãng hàng không lớn đang sử dụng phần mềm của bạn, và giờ đây doanh thu của họ đã giảm tới hơn 90%.

"Dù đó là ai đi chăng nữa, hãy tính xem doanh thu dự kiến của bạn sẽ giảm bao nhiêu, rồi nhân đôi con số cần giảm lên để đề phòng một số trường hợp như bạn bỏ sót khách hàng nào đó hay thời gian chốt sales sẽ kéo dài hơn trước đây", ông Eddie Thái khuyên.

Sau đó, lấy số tiền trong tài khoản cộng với doanh thu dự tính, rồi chia cho 18 để ra ngân sách tối đa hàng tháng cho mọi chi phí của công ty trong 18 tháng tới.

Cắt giảm chi tiêu thật mạnh tay

Theo ông Eddie Thái, đây là một việc cực khó khăn và đau đớn, nhưng bạn càng mạnh tay và làm càng sớm bao nhiêu thì cơ hội sống sót cho startup càng cao bấy nhiêu, đồng thời bạn cũng sẽ tránh được đau đớn sau này.

Nếu bạn nghĩ việc sa thải 10% nhân viên của mình trong mấy tháng tới là một điều khó khăn, hãy nghĩ xem đến lúc công ty phá sản và toàn bộ nhân viên mất việc thì còn khó đến mức nào. Các khoản chi phí cần ra soát như: chi phí nhân sự, sales & marketing, chi phí mở rộng sản phẩm/thị trường, chi phí thuê văn phòng...

Nhìn vào lợi nhuận cận biên (không chỉ nhìn vào doanh thu)

Khi tình hình thuận lợi, các startup chỉ cần nghĩ tới việc tăng doanh thu mà không quan tâm đến chi phí và các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư.

Nhưng khi các nhà đầu tư đang hoảng loạn và bạn vẫn phải tìm đường sống, bạn cần phải tập trung vào lợi nhuận cận biên (contribution). (Lợi nhuận cận biên bằng doanh thu trừ đi các chi phí trực tiếp. Chi phí trực tiếp là các chi phí biến đối theo doanh thu, bao gồm một số chi phí marketing và quảng cáo, hoa hồng bán hàng, các chi phí liên quan tới thực hiện đơn hàng…)

Nói cách khác, các startup cần phải kiếm đủ doanh thu để ít nhất là trang trải đươc các chi phí liên quan tới việc mang doanh thu về và phục vụ cho các doanh thu đó. Startup cần tập trung vào những biện pháp duy trì lợi nhuận cận biên cao nhất có thể. Đối với nhiều doanh nghiệp, một trong những việc họ có thể làm là giữ chân những khách hàng sẵn có. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh hiện tại khi mà các khách hàng tiềm năng đang bị phân tâm hoặc dè chừng với các sản phẩm và dịch vụ mới.

Link bài viết

Tranh thủ tìm vốn khi bạn còn có thể

Các nhà đầu tư đều đang cảnh giác cao độ. Họ sẽ hoàn thành nốt các thương vụ gần xong, nhưng đồng thời họ cũng cảnh giác đề phòng những diễn biến sắp tới và phải tìm cách sống sót giống như startup vậy. Do đó, chiến lược của họ bây giờ là bảo tồn nguồn vốn.

Bản năng của họ sẽ là "thu quân" về để hỗ trợ cho các startup trong danh mục đầu tư hiện tại của họ. Nếu bạn nhận được những hỗ trợ như vậy từ các nhà đầu tư hiện tại của bạn thì rất tốt. Hãy suy nghĩ thật kĩ xem bạn có nên gọi vốn trong bối cảnh hiện tại không.

Gọi vốn có thành công hay không phụ thuộc vào đà tăng trưởng của bạn, xu thế thị trường và nhu cầu từ phía nhà đầu tư. Khả năng thiên thời, địa lợi, nhân hoà -  cả 3 yếu tố trên đều thuận lợi vào lúc này - là rất thấp. Vì thế, các founder nên dành thời gian và trí lực vào việc khác.

"Nhận định của tôi là: trừ khi bạn đang chuẩn bị hoàn thành một vòng gọi vốn hoặc bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng về dòng tiền (ví dụ đường băng còn dưới 6 tháng), bạn không nên gọi vốn mà nên chú tâm vào điều hành startup của mình", ông Eddie Thái chia sẻ.

(Theo Người Đồng Hành - Tựa bài do DNSG đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam: Các founder hãy chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO