"Đốt tiền" để giả lập khí hậu mang vườn vào nhà

Vân Ly| 19/02/2020 00:00

Nghiên cứu và phát triển máy giả lập khí hậu để đưa vườn vào nhà, Phạm Anh Tuấn đã "đốt" số tiền lên tới 14 tỷ đồng. Anh cho rằng, khởi nghiệp là bắt đầu một hành trình nỗ lực và phấn đấu để tạo ra giá trị mới...

T-farm của Phạm Anh Tuấn cho phép người dùng tạo ra khu vườn trong nhà với thao tác đơn giản là bỏ hạt và "bấm máy" bằng điện thoại di động. Mọi công đoạn trong quá trình chăm sóc cây trồng trong nhà, từ pha chế chất dinh dưỡng, cấp ánh sáng, tưới tiêu, sục rửa vệ sinh đều được tự động hóa. 

T-farm hiện sở hữu hai bằng sáng chế tạm thời tại Mỹ và đã giành giải nhất Việt Nam Startup Wheel năm 2019. Tuy nhiên, khi tham gia gọi vốn ở Shark Tank, dự án này đã bị 5 nhà đầu tư từ chối, nhưng cuối năm 2019, startup của Phạm Anh Tuấn vẫn cho ra đời dòng sản phẩm T-Hamorny trồng các loại hoa trong nhà. Theo Phạm Anh Tuấn, hiện tại sản phẩm đang được khối văn phòng và chung cư ưa thích bởi tính thẩm mỹ cao và dễ dàng phối lắp với đồ nội thất đi kèm.

Phạm Anh Tuấn - Founder Công ty TNHH Treant Protector Việt Nam

Phạm Anh Tuấn - Founder Công ty TNHH Treant Protector Việt Nam

Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với Phạm Anh Tuấn - Founder Công ty TNHH Treant Protector Việt Nam - startup nghiên cứu và thương mại hóa T-farm để biết cụ thể hơn về quá trình khởi nghiệp của anh.  

* Để có được những thành tựu đó, anh đã phải "trả giá" thế nào?

- Những khó khăn đầu tiên đến từ gia đình. Khi tôi nghiên cứu về T-farm cũng là khi vợ mang thai đứa con thứ hai, bao tiền bạc tích góp, kể cả khoản dành cho con ra đời đều đổ vào chương trình này. 

Mọi sự ngờ vực từ những người xung quanh khiến tôi luôn có cảm giác cô độc và thêm kiên trì. Đến khi tôi gọi được vốn từ nhà đầu tư thiên thần, tiếp tục đốt tiền để cho ra sản phẩm thành công mới có thể lấy lại niềm tin từ những người xung quanh.

Trong quá trình nghiên cứu, có thể phải đối mặt với việc "đi nhầm định hướng sản phẩm", bế tắc trong các giải pháp công nghệ, sản phẩm thử nghiệm lỗi. Ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam chưa phát triển nên nhiều phụ tùng, linh kiện phải nhập khẩu cũng như một số chi tiết phải gửi ra nước ngoài gia công. Chính những khâu ấy "đốt tiền" nhiều nhất trong startup của tôi.

* Vậy số tiền anh "đốt" là bao nhiêu và nguồn từ đâu? 

- Số vốn ban đầu của cá nhân tôi là 1 tỷ đồng. Sau đó, cùng với vốn góp của các nhà đầu tư thiên thần, lên tới 14 tỷ đồng. 

* Từng tham gia gọi vốn ở Shark Tank nhưng bị 5 nhà đầu tư từ chối, vậy anh làm thế nào để tiếp tục phát triển công ty khi rất cần vốn? 

- Trước khi tham gia Shark Tank, tôi đã trải qua quá trình thuyết phục các nhà đầu tư và đi gọi vốn liên tục trong ba năm nghiên cứu để hoàn thành T-farm. Và khi lên Shark Tank là giai đoạn gọi vốn để thương mại hóa kết quả nghiên cứu này, nên sự từ chối đối với tôi đã trở nên "quen thuộc". Tôi tin rằng phía sau mỗi lời từ chối luôn có những cơ hội khác lớn hơn đang chờ đợi. 

Phía sau 5 shark trên truyền hình còn nhiều shark chìm. Và một phần công việc chính của founder là phải tìm những shark chìm này để chia sẻ sứ mệnh và tầm nhìn, thuyết phục họ cùng đồng hành. Bởi vậy, những sự kiện Shark Tank phát trên tivi đã đem lại cho tôi cơ hội tiếp cận với nhiều shark chìm hơn và hơn hết là đem lại nguồn khách hàng tìm đến sản phẩm, giúp Treant Protector Việt Nam có dòng thu ổn định.

* Anh có thể cho biết quan điểm về khởi nghiệp?

- Theo tôi, khởi nghiệp là sứ mệnh và trách nhiệm của giới trẻ. Khi khởi nghiệp là bắt đầu hành trình nỗ lực và phấn đấu để tạo ra giá trị mới cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Kết quả đạt được từ khởi nghiệp là quá trình phấn đấu không có điểm dừng, đó là quá trình lao động và theo đuổi những chuẩn mực mỗi lúc một cao. Trải qua quá trình có thể nhiều va vấp này, người khởi nghiệp sẽ trưởng thành và chắc chắn họ sẽ lan tỏa giá trị tốt hơn cho cộng đồng.

Tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ về thuế, nguồn vốn, kết nối thị trường cho các công ty khởi nghiệp. Tôi có tiếp xúc với các startup của Hàn Quốc và Singapore, việc đầu tiên khi khởi nghiệp là họ được các tổ chức hỗ trợ về định hướng, nó có đem lại giá trị tích cực cho xã hội hay không. Và thị trường họ hướng đến ngay khi bắt đầu khởi nghiệp là Đông Nam Á, châu Á. 

Một số sản phẩm của Trent Protector.

Một số sản phẩm của Treant Protector.

* Với kinh nghiệm khởi nghiệp, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ? 

- Khi khởi nghiệp, việc đầu tiên là hãy hướng tầm nhìn về thị trường thế giới trước. Lập mục tiêu mình sẽ là ai và đứng ở đâu trong thời gian 3-5 năm tới? Sau đó, tập trung chiếm lĩnh thị trường nội địa trong thời gian đầu và vươn xa dần. Bởi lẽ thị trường nội địa là thị trường các bạn hiểu nhất và lớn lên trong nó. Phải thành công với thị trường nội địa trước tiên mới có thể vươn đi xa được.

Một điểm rất quan trọng nữa giúp bảo vệ công ty khởi nghiệp khi cạnh tranh trên thị trường là sử dụng đúng công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Nếu thực hiện được hai khâu quan trọng này thì công ty startup sẽ đứng vững chắc và phát triển. Và điều cuối cùng đối với các startup là không có gì trên thế giới này có thể thay thế được sự bền chí. Một mình sự bền chí và lòng quyết tâm là có tất cả sức mạnh. 

Theo Phạm Anh Tuấn, ý tưởng tạo ra T-farm là góp phần giảm biến đổi khí hậu, góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến đô thị hóa, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp và ô nhiễm không khí, thực phẩm. Công nghệ mà T-farm áp dụng là khí canh với việc sử dụng nước và dung dịch phun bọt khí vào rễ cây, giúp tiết kiệm nước, tăng oxy. 

Năm 2018, T-farm đã vượt qua 1.319 bài dự thi đến từ 68 quốc gia để đạt giải thưởng finalist Lexus Design Award 2018 với máy giả lập khí hậu và thổ nhưỡng Vnwalls Garden, phiên bản đầu tiên của T-farm hiện nay. Thiết kế sản phẩm được trưng bày trong tuần triển lãm thiết kế Milan 2018 tại Ý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Đốt tiền" để giả lập khí hậu mang vườn vào nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO