Để nhân rộng mô hình "Mỗi làng một sản phẩm"

THANH NHÃ/DNSGCT| 03/10/2016 04:31

Đã có hơn 40 nước học tập và ứng dụng thành công mô hình phát triển nông nghiệp "Mỗi làng một sản phẩm". Việt Nam cũng đã áp dụng mô hình này ở nhiều tỉnh thành.

Để nhân rộng mô hình

Mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” khởi xướng tại Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước đã giúp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đến nay đã có hơn 40 nước học tập và ứng dụng thành công.

Đọc E-paper

Việt Nam cũng đã áp dụng mô hình này ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ mới có Quảng Ninh đạt kết quả khả quan.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản và Thái Lan

Cuối những năm 70 của thế kỷ XX, ông Morihiko Hiramatsu - người đứng đầu chính quyền quận Oita (vùng cực Nam của Nhật Bản), đã đề xuất thực hiện phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh nhằm giữ chân người lao động tại vùng nông thôn đồng thời tạo ra sự chuyển dịch để cân bằng về kinh tế – xã hội giữa vùng nông thôn và các thành phố lớn.

Chỉ trong vòng 20 năm (từ 1979 - 1999), phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản đã đạt được những thành công lớn trong quá trình phát triển nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Phong trào này đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng trong các sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Các mặt hàng nông sản phổ biến của địa phương từ chỗ ít được biết đến ngay trên thị trường nội địa như nấm khô, rượu cất sochu từ lúa mạch, cam, chanh… đã trở nên phổ biến và có giá trị bán khá cao.

Thị phần nội địa của nấm khô Shiitake tăng từ 1% đã tăng lên 32%; rượu sochu tăng từ 1% lên 30,7%… Năm 2000, doanh thu từ các sản phẩm của phong trào tại quận Oita đạt 1.300 triệu USD (so với 330 triệu USD năm 2000) và thu nhập bình quân đầu người đạt 26.100 USD/người/năm (tương đương với thu nhập tính theo đầu người tại Mỹ). Nguồn nhân lực của quận Oita cũng được nâng cao, cơ sở hạ tầng và du lịch phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ các công ty lớn như Toyota, Canon, Toshiba…

Tại Thái Lan, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP) do nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng năm 2001. Qua quá trình thực hiện bài bản, những sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ truyền thống tại vùng nông thôn Thái Lan nay đã phát triển sản phẩm OTOP đa dạng từ nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đến sản phẩm công nghiệp, dịch vụ, địa điểm du lịch, văn hóa địa phương và truyền thống văn hóa.

Chương trình OTOP được tổ chức xúc tiến thương mại từ hội chợ cấp trung ương, khu vực, cấp tỉnh, hội trại thanh niên, hội thi làng, lễ hội làng du lịch… Các sản phẩm OTOP không chỉ được bày bán tại các địa điểm bán hàng truyền thống mà còn được đưa vào cả trụ sở hành chính các cấp, nhà ga, sân bay, các khách sạn, nhà hàng…

Thực tế triển khai ở Việt Nam

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam từ đầu những năm 1990 nhưng đến nay vẫn còn có nhiều khó khăn. Chỉ một số sản phẩm phát triển bứt phá như: bánh tráng Cù Lao Mây, (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) hay sản phẩm từ bài thuốc tắm của người Dao đỏ (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) nhờ áp dụng khoa học trong hoạt động sản xuất và tự chủ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường nhưng vẫn chỉ xuất hiện manh mún, chưa có sự kết nối.

Người nông dân chưa thể nắm bắt thị trường, chưa có sản phẩm chất lượng tốt, thậm chí chưa nhận thức được những thế mạnh của mình. Hơn nữa, trong nội bộ mỗi làng, do tập quán giữ bí quyết làng nghề còn nặng nề, nên chưa có sự chia sẻ giữa các gia đình về kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, việc phát triển mỗi làng một nghề cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đáng chú ý là đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2013 - 2016. Trong buổi hội thảo “Tài chính thương mại và Phát triển sản phẩm” tổ chức vào tháng 8/2016, đại diện Ban OCOP Quảng Ninh cho biết trong hơn 2 năm thực hiện, đề án đã giúp nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình OCOP Quảng Ninh đã thực hiện được 3 lần hội chợ giới thiệu hàng nông sản. Kỳ hội chợ thứ 3 được tổ chức tháng 5/2016, tổng doanh thu của 93 gian hàng OCOP của Quảng Ninh đạt hơn 4 tỷ đồng. Nhiều gian hàng OCOP đạt doanh thu lớn như: Vân Đồn đạt gần 600 triệu, Đông Triều là gần 520 triệu, Tiên Yên đạt gần 433 triệu, Cô Tô là hơn 380 triệu đồng.

Ông Vũ Văn Diện - Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết: “Nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Tiên Yên như: gà Tiên Yên, kẹo lạc hồng, bánh gật gù, khau nhục… đã và đang được xây dựng thương hiệu. Các doanh nghiệp nay sẽ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa”.

Còn ông Lê Quang Thắng - TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long thì cho rằng đề án OCOP sẽ là cơ hội, cơ sở pháp lý để công ty ông tiếp tục mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhiều loại sản phẩm có thương hiệu của Quảng Ninh.

Bài học cho các tỉnh thành khác

Theo ông Ngô Tất Thắng - Phó ban chuyên trách ban điều hành OCOP, phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” muốn thành công thì phải làm sao cho mỗi người dân ở địa phương đều có thể tham gia một cách tự nguyện vào phong trào này với tư cách là chủ nhân của các hoạt động. Chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò trợ giúp cho những nỗ lực, cố gắng của người dân chứ không phải là hướng dẫn hoặc ra lệnh cho họ.

Ngoài ra, chương trình cần tập trung khuyến khích phát triển sản phẩm, dịch vụ thông qua tổ chức hợp tác xã (HTX). Hình thức HTX sẽ ràng buộc được các thành viên trong tổ chức sản xuất bởi quyền lợi của họ được hỗ trợ thông qua HTX.

Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung cấp tỉnh; cấp huyện đã hoàn thành 100% quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch sản xuất của từng xã. Một số HTX đã lập xong quy hoạch chi tiết vùng như HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong – Đông Triều, HTX Dược liệu xanh Đông Triều, HTX Mật ong Thống Nhất – Hoành Bồ, HTX Song Lan – Móng Cái…

HTX tại các địa bàn sẽ thu hút và giải quyết được lực lượng lao động tại chỗ thông qua việc tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ. HTX trở thành chủ nhân công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị.

“Tóm lại, việc thành lập và hỗ trợ HTX phát triển hết sức có ý nghĩa trong chương trình OCOP nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, nhất là phát triển kinh tế vùng nông thôn. Và nếu được thực hiện một cách bài bản các bước phát triển sản phẩm từ ý tưởng đến hỗ trợ thành lập HTX và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho các HTX thì chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” sẽ phát triển thành nội dung trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước”, ông Ngô Tất Thắng nói.

>Thái Lan đẩy mạnh chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”

>Làng nghề: Vẫn là xuất khẩu hàng gia công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để nhân rộng mô hình "Mỗi làng một sản phẩm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO