Con đường không trải thảm đỏ

HỒNG NGA| 12/11/2010 06:31

Mỗi năm cả nước có hàng trăm ngàn sinh viên ra trường và số người khởi nghiệp cũng không ít. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng thành công, bởi muốn thành công thì phải biết chọn hướng đi đúng cộng với lòng kiên nhẫn, niềm đam mê, nhiệt huyết trong công việc và vốn kiến thức vững vàng.

Con đường không trải thảm đỏ

Mỗi năm cả nước có hàng trăm ngàn sinh viên ra trường và số người khởi nghiệp cũng không ít. Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng thành công, bởi muốn thành công thì phải biết chọn hướng đi đúng cộng với lòng kiên nhẫn, niềm đam mê, nhiệt huyết trong công việc và vốn kiến thức vững vàng.

Nghề đã chọn mình thì hãy dấn thân

Từ một xưởng làm bánh nhỏ, sau 23 năm, Kinh Đô đã phát triển thành tập đoàn đa ngành nghề - Ảnh: Quý Hòa

Ai cũng biết, khởi nghiệp thì phải có vốn, nhưng các doanh nhân đã tạo dựng được sự nghiệp lại không cho đó là vấn đề mấu chốt. Với ông Trần Kim Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, để khởi nghiệp thành công thì việc xác định hướng đi đúng là điều kiện quan trọng nhất.

Tại buổi giao lưu với sinh viên do Câu lạc bộ LBC (Câu lạc bộ các doanh nghiệp dẫn đầu) phối hợp với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, ông Thành cho biết, vốn của Kinh Đô ban đầu chỉ có vài chỉ vàng. Ông kể, ngày trước ông rất thích làm bánh mì, nhưng bánh mì thì không để được lâu.

Trên thị trường lúc đó có bánh bích - quy rất được yêu thích và cũng chưa có bánh ngon. Nhìn thấy “khe hẹp của thị trường”, ông nhờ gia đình giúp đỡ đầu tư vào lĩnh vực này. Với vài chỉ vàng làm vốn (chỉ đủ mua lò than và mấy cái mâm để làm bánh), hằng ngày ông ra chợ mua bột về làm bánh.

Bốn tháng trời chăm chỉ nhồi bột, làm bánh và liên tục thay đổi công thức đã mang lại kết quả lạc quan: lượng khách hàng đặt mua bánh ngày càng tăng. Và mỗi ngày ông phải mất đến 15 tiếng đồng hồ để làm 10kg bánh cung cấp cho khách hàng. Ông nghĩ mình khó có thể giàu được nếu không tìm cách nhân con số 10kg ấy lên nhiều lần.

Thế rồi sau 23 năm miệt mài làm việc, ông đã đưa Kinh Đô trở thành tập đoàn đa ngành nghề (thực phẩm, bất động sản...) như hiện nay. Ông Thành cho rằng, mình thành công vì đã đi đúng hướng. “99% người Việt Nam không nấu ăn sáng.

Thế nên, bánh mì của Kinh Đô ra đời đã giúp mang đến bữa điểm tâm nhanh, tiện, gọn mà vẫn cung cấp đủ năng lượng. Như vậy, Kinh Đô thành công chính là do đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội”, ông Thành phân tích.

Cũng như Kinh Đô, Công ty Kiến trúc TTT được thành lập với số vốn vỏn vẹn 150USD do ba người bạn có chung chí hướng góp lại. vậy mà đến hôm nay, TTT đã trở thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng.

Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty TTT, cho rằng, lòng trung thành, sự thật thà chính là chất liệu quan trọng tạo nên tiếng nói chung, sự đồng hành giữa những người cùng chung chí hướng. Và đôi khi nghề chọn mình, chứ không phải mình chọn nghề.

Khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng được, nhưng phải có niềm đam mê. Nếu không đam mê, không nhiệt huyết với công việc thì khó thành công.

Ông Bá Thông là một trường hợp như thế. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, khoa Địa chất, nhưng ông lại làm về kiến trúc và thành danh ở lĩnh vực này. “Thành công sẽ đến với những người hết mình vì công việc”, ông Bá Thông đúc kết.

Còn đối với ông Lê Trí Thông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, khởi nghiệp thành công nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc, dù công việc đó không phải là sở trường của ông.

Ông Trí Thông cho biết, từ nhỏ đã thích kinh doanh nhưng lại học Đại học Bách khoa, ra trường làm việc ở các công ty sản xuất. nhưng cuối cùng niềm đam mê lúc nhỏ đã chiến thắng, mang đến cho ông cơ hội đi du học ở nước ngoài, ngành quản trị kinh doanh, rồi làm việc ở lĩnh vực này cho đến hôm nay.

Thắng không kiêu, bại không nản

Con đường đi đến thành công không phải là con đường trải thảm đỏ. Ông Trí Thông tâm sự đã từng mơ trở thành doanh nhân thành đạt, nhưng cái gì cũng có giá của nó. Nhiều lúc ông cảm thấy cô đơn vì không tìm được người đồng cảm với ý tưởng, ước mơ, hoài bão của mình.

“Khó khăn nhất là làm sao cân bằng giữa tình cảm và lý trí. Nếu thiên về tình cảm thì điều mình mong mỏi không đạt được, còn nếu nghiêng về lý trí thì sứt mẻ tình cảm với người thân, gia đình”, ông Trí Thông chia sẻ.

Còn theo ông Lê Bá Thông, khó khăn nhất là phải dám liều, vì có thành công thì cũng có thất bại. “Người kinh doanh có bản lĩnh là người biết chấp nhận thất bại và không nản lòng”, ông Bá Thông đưa ra quan điểm của mình.

Riêng với ông Thành, những thách thức về vốn, về con người, về thị trường, về năng lực quản lý... luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nhân. Khi khởi nghiệp, vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất, nhưng khi phát triển công ty thì vốn lại là vấn đề sống còn.

Kinh Đô sau khi thành lập cần có thiết bị sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín để có những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng.

Máy móc trong nước không có, ra nước ngoài mua thì một dây chuyền sản xuất đáp ứng được yêu cầu của công ty giá thấp nhất cũng phải đến 1 triệu USD (khoảng 2.000 lượng vàng). Vào thời điểm đó, số tiền ấy là quá sức đối với Kinh Đô.

Ông Thành đành hạ tiêu chuẩn xuống và nhập một dây chuyền sản xuất một loại bánh khác với giá 500.000USD. Và để có dây chuyền sản xuất này, ông phải lên phương án thuyết phục gia đình bỏ vốn đầu tư. Máy nhập về lại trục trặc không sản xuất được, nhưng nhờ có học qua cơ khí nên ông mạnh dạn cải tiến và đã thành công.

Từ đó, Công ty liên tục đầu tư, trang bị máy móc, đào tạo nhân lực... Và để lãnh đạo được Kinh Đô như hôm nay, bản thân ông Thành phải tham gia rất nhiều khóa học về nhiều lĩnh vực cũng như tham khảo thêm sách vở. Có năm ông dành tới 30.000USD để mua sách học. Bởi với ông, kiến thức không bao giờ là đủ cả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường không trải thảm đỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO