Chiếc gậy Eureka

KHOA TƯ| 13/02/2012 08:05

Chỉ những người khiếm thị mới thấy hết giá trị của cây gậy dò đường, nó cũng như đôi mắt của người bình thường. Nhưng làm thế nào để cây gậy ấy trở thành “đôi mắt” của người khiếm thị đúng nghĩa?”.

Chiếc gậy Eureka

“Chỉ những người khiếm thị mới thấy hết giá trị của cây gậy dò đường, nó cũng như đôi mắt của người bình thường. Nhưng làm thế nào để cây gậy ấy trở thành “đôi mắt” của người khiếm thị đúng nghĩa?”.

Từ trăn trở đó, một nhóm bốn sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM, trong đó có đến ba người bị khiếm thị, đã mày mò chế tạo ra “chiếc gậy thông minh”.

Sản phẩm tưởng như rất bình thường này đã giúp những chủ nhân của nó chiến thắng ở cả hai cuộc thi Eureka 2011 và Tài năng trẻ khoa học Việt Nam.

Những chủ nhân dự án gậy thông minh

Nhóm bốn tác giả của đề tài “Nghiên cứu mô hình gậy có gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị” gồm: Nguyễn Anh Tuấn, Hồ Phạm Uyên Phương, Nguyễn Thị Thùy Dung và Nguyễn Hữu Cảnh cùng là sinh viên năm 4 Khoa Giáo dục đặc biệt (Đại học Sư phạm TP.HCM).

Đồng cảnh ngộ và cùng học một ngành đặc biệt, thấu hiểu sự cần thiết của các phương tiện hỗ trợ cho người khiếm thị, nên khi Cảnh đề xuất ý tưởng, cả nhóm đồng ý bắt tay vào thực hiện.

“Ở Việt Nam, người khiếm thị thường “có gì dùng nấy” nên khi ra đường dễ gặp bất trắc. Chúng tôi muốn làm ra chiếc gậy có khả năng phát ra âm thanh khi gặp chướng ngại vật, đồng thời có thể phát sáng để xe cộ nhận ra và tránh được”, Cảnh nói về ý tưởng của mình.

Khi bắt tay vào nghiên cứu, trong nhóm chỉ có Thùy Dung là người duy nhất sáng mắt, nhận trách nhiệm lên mạng internet để tìm hiểu về các loại gậy dùng cho người khiếm thị. Từ những thông tin có được, cả nhóm biết rằng những chiếc gậy phát ra âm thanh đã được sản xuất hàng loạt.

Tuy nhiên, loại này giá rất đắt, không phù hợp với khả năng của người khiếm thị Việt Nam vốn đa phần khó khăn về kinh tế. Hơn nữa, đường sá ở Việt Nam lại gồ ghề, nhiều chướng ngại vật nên âm thanh phát ra liên tục dễ khiến người sử dụng bị “nhiễu”.

Sáu tháng ròng rã tìm hiểu, cuối cùng bản thiết kế của cả nhóm hoàn thành với chiếc gậy dài hơn 1m, làm bằng các thanh inox. Ở tay cầm cấu tạo bằng nhựa có các thiết bị cảm ứng giúp nhận biết chướng ngại vật để phát ra âm thanh.

Chiếc gậy còn được gắn đèn led để phát ra ánh sáng, có tác dụng tương tự như một đèn tín hiệu giao thông. Tổng chi phí mua vật liệu để hoàn thành chiếc gậy chỉ chừng 200.000 đồng.

Trong ngày thuyết trình trước Ban giám khảo cuộc thi Eureka 2011 vừa qua, chiếc gậy thông minh của bốn sinh viên đã khiến cả hội trường ngỡ ngàng về sự tiện dụng và hữu ích cho người khiếm thị, giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Trong cuộc thi “Tài năng trẻ khoa học Việt Nam”, công trình của cả nhóm một lần nữa thuyết phục được Ban giám khảo và đoạt giải Nhất.

Hữu Cảnh chia sẻ: “Mối quan tâm của chúng tôi hiện nay là làm sao để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa và đưa vào sản xuất chiếc gậy này để những người khiếm thị thực sự được hỗ trợ và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Với những người gặp nhiều khó khăn như chúng tôi, rất cần đến sự trợ giúp từ cộng đồng, có như vậy những ý tưởng và giá trị của sáng tạo sẽ trở nên toàn vẹn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiếc gậy Eureka
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO