Câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông chủ hệ thống siêu thị Kids Plaza

PHƯƠNG QUYÊN| 19/03/2016 06:55

Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ, sau gần 7 năm, Đỗ Văn Tuấn - Giám đốc Điều hành Hệ thống siêu thị Kids Plaza - đã sở hữu chuỗi siêu thị đồ dùng mẹ và bé lan rộng trên cả nước và có quy mô lớn nhất nhì Việt Nam.

Câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông chủ hệ thống siêu thị Kids Plaza

Ông bảo, hành trình của mình khởi phát từ một "đại dương xanh", và trước khi đại dương ấy hóa đỏ, Kids Plaza phải tạo được những giá trị kinh doanh riêng để có thể giữ chân khách hàng. Chiến lược ông chọn cho đứa con tinh thần của mình là vừa đẩy mạnh phát triển chuỗi, vừa dốc sức đầu tư cho "kidser" - những người đang góp sức đưa Kids Plaza phát triển lớn mạnh.

Gặp ông chủ của hệ thống 38 siêu thị Kids Plaza tại TP.HCM, ấn tượng đầu tiên về vị doanh nhân đất Bắc này là sự giản dị. Không chỉ đơn giản trong trang phục, cả cách ông nói chuyện, chia sẻ về những ấp ủ với thương mại điện tử nước nhà cũng rất chân thành.

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm 2, khoa Công nghệ thông tin, khi được hỏi vì sao không làm giáo viên mà lại kinh doanh, ông Đỗ Văn Tuấn chỉ cười. Nhận thấy tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam rất lớn, lại sẵn có kiến thức về công nghệ, ông quyết định đem ra ứng dụng, bắt đầu bằng xây dựng thương hiệu trên các diễn đàn.

Thời điểm năm 2007, bộ sách Dạy con làm giàu được chuyển ngữ sang tiếng Việt, tạo nên một làn sóng hâm mộ lớn. Bộ sách này cũng ảnh hưởng không ít đến Đỗ Văn Tuấn. Tuy nhiên, khác với những độc giả khác, ông còn tìm thấy cơ hội kinh doanh sau trang sách.

Ông kể: "Trong bộ sách có đề cập đến bộ trò chơi "Game Cashflow" (Trò chơi dòng tiền), ở nước ngoài, bộ trò chơi này được bán với giá khá đắt. Biết là phần đông người Việt sẽ không chạm đến được bộ trò chơi này, dù rất thích, tôi đặt hàng các đơn vị trong nước sản xuất bộ trò chơi này và bán trực tuyến. Lúc đó, tôi không nghĩ đây là cơ hội kinh doanh mà chỉ đơn giản là sản xuất để nhiều người, trong đó có mình và người thân, có thể thực hành những kiến thức trong trò chơi này".

Đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, 5.000 bộ "Game Cashflow" làm ra được tiêu thụ sạch. Thế nhưng, sự đón nhận của thị trường cùng với khoản lợi nhuận có được không làm Đỗ Văn Tuấn hài lòng. Ông cảm thấy ray rứt do biết điều mình làm là sai vì đã vi phạm bản quyền, lợi dụng tài sản trí tuệ của người khác. "Tôi quyết định dừng lại. Một quyết định không dễ dàng khi phải đặt lợi nhuận và lòng tự trọng ở hai đầu của một cán cân", ông trải lòng.

Khép lại việc kinh doanh "Game Cashflow", Đỗ Văn Tuấn trở về với việc làm thuê, tiếp tục trăn trở tìm đường lập thân. Rồi ông may mắn được một thành viên thuộc Diễn đàn "Dạy con làm giàu" tặng cuốn sách Chiến lược đại dương xanh của hai tác giả W. Chan Kim và Renée Mauborgne. Cuốn sách ấy chính là kim chỉ nam đưa ông đến với việc thành lập Kids Plaza.

Ngày đó, dù chưa lập gia đình nhưng mỗi khi nhìn các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ ở một cửa hàng chuyên bán đồ ngoại nhập ở gần nhà, Đỗ Văn Tuấn đều cảm thấy thích thú. Quan sát thị trường, ông thấy hầu hết đồ dùng cho trẻ em ở Việt Nam thời điểm đó không những chất lượng rất kém mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phần lớn đồ chơi, thức ăn, đồ dùng... đều là hàng Trung Quốc, hàng trong nước thì kém chất lượng...

Thực tế này đã vẽ ra cho ông con đường rộng mở: Kinh doanh những sản phẩm an toàn cho bà mẹ và trẻ em. Vừa đi làm, Tuấn vừa tìm mua các sản phẩm dành cho mẹ và bé ở các phố bán hàng "xách tay" rồi rao bán trên trang web của mình. Dần dà, chủng loại sản phẩm được Tuấn mở rộng thêm.

Tuy nhiên, dù mua trực tuyến nhưng đòi hỏi lớn nhất của khách vẫn là đến cửa hàng để có thể chọn lựa. Nhu cầu này thúc đẩy Tuấn cùng bạn bè dốc vốn đầu tư cửa hàng kinh doanh truyền thống sau ba tháng thử sức với thương mại điện tử. "Chỉ những người dám nghĩ dám làm mới có thể trở nên giàu có!", ông nói vậy.

Những ngày đầu, Kids Plaza chỉ là một căn phòng nhỏ diện tích chưa đầy 30m2, ở tầng 3, số 22 Thái Thịnh, nhưng khách đến mua hàng rất đông. "Những gì học được từ Diễn đàn dayconlamgiau.com tôi đã áp dụng thành công với website bán hàng www.mevabe.com và sau này là www.kidsplaza.vn", Tuấn chia sẻ.

Sau 8 tháng làm việc tại căn phòng này, ông cùng bạn đồng hành quyết định thuê trọn căn hộ. Địa chỉ 22 Thái Thịnh trở thành "căn cứ địa" đầu tiên của Kids Plaza. Kids Plaza Thái Thịnh đạt doanh số 1 tỷ đồng vào tháng 6/2010. Và đó cũng chính là lúc Đỗ Văn Tuấn tìm thêm địa điểm, bắt đầu hành trình đưa Kids Plaza trở thành một hệ thống...

* Xác định từ đầu là sẽ dùng kiến thức công nghệ học được để ứng dụng vào thương mại điện tử, nhưng hình như cơ chế kinh doanh hiện nay của Kids Plaza vẫn là kinh doanh truyền thống?

- Đúng là tôi khởi nghiệp chỉ kinh doanh bằng thương mại điện tử, nhưng càng tiếp cận khách hàng càng thấy thói quen đi mua sắm vẫn giữ vai trò rất lớn. Đến thời điểm hiện nay, khi internet đã phần nào chi phối đời sống, người Việt vẫn thích được "mắt nhìn tay sờ". Tôi nghĩ mình nên kết hợp cả thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống. Chính quyết định này đã giúp Kids Plaza có sự phát triển đột phá sau những ngày đầu chỉ bán trực tuyến, tạo nền tảng cho tôi mạnh dạn hơn với giấc mơ phát triển Kids Plaza thành chuỗi siêu thị.

* Gần bảy năm trên thương trường, theo ông, điều gì khiến Kids Plaza có thể đạt tốc độ phát triển nhanh như hiện nay?

- Không chỉ Kids Plaza, những siêu thị kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé khác cũng có tốc độ phát triển khá nhanh. Đặc trưng của sự phát triển dân số Việt Nam hiện nay là thế hệ 7x, 8x - chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số, bước vào thời kỳ lập gia đình và sinh con, đã tạo nên "thời điểm vàng" cho thị trường kinh doanh sản phẩm an toàn cho mẹ và bé.

Nhu cầu các mặt hàng này hiện nay rất lớn và sẽ còn tăng trong vài năm tới. Đây là thời cơ không phải quốc gia nào cũng có được và có lẽ rất lâu sau này thị trường Việt Nam mới lại có được thời điểm tốt như thế. Dù đang phát triển rất nhanh nhưng các thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục dốc sức để mở rộng. Kids Plaza cũng không ngoại lệ.

Ngoài yếu tố thị trường, sự cảm thông và chân thành với người dùng sẽ là chìa khóa để các thương hiệu cạnh tranh. Ai cũng biết, đối tượng mẹ và bé là khách hàng cần sự chăm sóc và thấu hiểu nhiều nhất.

Lúc Kids Plaza bắt đầu kinh doanh, nhiều người đã ngạc nhiên vì sao chúng tôi có thể áp dụng chính sách giao hàng miễn phí với hóa đơn trên 400.000 đồng, hay có chính sách cho đổi, trả hàng thoải mái.

Các bà mẹ có con nhỏ tất nhiên là thiếu thời gian để chạy đến cửa hàng, hay khó khăn trong việc mang hàng về nhà. Trẻ con thì sự phát triển và sở thích của chúng "muôn hình vạn trạng" nên sản phẩm dành cho chúng không thể nào đúng y kích cỡ. Kids Plaza lắng nghe những nhu cầu này để có thể tạo sự thoải mái nhất cho khách hàng khi mua sắm ở cửa hàng chúng tôi.

Yếu tố cuối cùng là giá cả. Các mẹ "bỉm sữa" thường hay thích thú khi mua được một món đồ rẻ hơn người khác, dù chỉ vài nghìn đồng. Chấp nhận lợi nhuận ít hơn một chút nhưng bù lại Kids Plaza chinh phục được số đông.

Chúng tôi phát triển nhờ những "chiêu thức" nhỏ nhặt nhưng hết sức thiết thực như thế. Quyền lực của thị trường không thuộc về người bán mà thuộc về người mua. Hãy cứ chân thành với khách hàng, họ sẽ giúp bạn phát triển, tôi quan niệm thế!

* Những ngày đầu, Kids Plaza chinh phục khách hàng với những sản phẩm nhập từ những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức... và có độ an toàn cao. Nhưng nay, tại Kids Plaza đã thấy sự lấn át của các thương hiệu đến từ các quốc gia lân cận?

- Khách hàng hiện nay đã suy nghĩ rất khác và khách thuộc phân khúc cao cấp cũng không nhiều. Nếu chỉ chú trọng đối tượng này, người kinh doanh sẽ tự đánh mất cơ hội của chính mình.

Tuy mở cửa đón nhận những thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Đài Loan..., nhưng chính bản thân tôi cũng chọn lựa từng sản phẩm, cân nhắc rất kỹ và phải biết chắc sản phẩm đó có chất lượng tốt mới đưa vào hệ thống của mình.

Trước khi là doanh nhân, tôi là một ông bố "nghiện" con. Các con của tôi sử dụng sản phẩm do tôi phân phối nên tôi phải đảm bảo những gì tốt nhất cho những vị khách hàng nhí ấy. Đó là lý do Kids Plaza đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu trong việc nhập khẩu sản phẩm.

Không chỉ có sản phẩm từ Đài Loan, Hàn Quốc..., chúng tôi cũng phân phối nhiều sản phẩm "Made in Vietnam". Chúng ta sẽ có nền sản xuất đủ tốt nếu nghiêm túc trong kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Trong năm vừa qua, tôi có thử nghiệm sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng Kiza. Quần áo, nôi, cũi, đai địu... thương hiệu Kiza được khách hàng đón nhận rất tốt vì tôi tận dụng thế mạnh ngành may mặc và sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam.

Ngoài ra, Kiza cũng có dòng sản phẩm điện tử như máy hâm sữa, máy tiệt trùng bình sữa... đặt hàng sản xuất từ "công xưởng của thế giới". Như đã nói, tôi không đặt nặng vấn đề sản phẩm sản xuất ở đâu mà coi trọng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đưa chúng đến tay người dùng.

Xu hướng kinh doanh của thế giới hiện nay là cắt bỏ khâu trung gian. Amazon hay Walmart đều đang làm việc trực tiếp với nhà sản xuất. Tôi nghĩ mình sẽ phát triển theo hướng này.

* Chỉ trong năm 2015, Kids Plaza phát triển thêm 37 cửa hàng trên toàn quốc. Tốc độ phát triển như vậy có quá nhanh? Liệu ông đã đủ thời gian để chuẩn bị cho vấn đề quản trị khi doanh nghiệp tăng trưởng nóng như thế?

- Đúng là áp lực lớn nhất hiện nay của Kids Plaza là vấn đề tăng trưởng. Nếu tăng trưởng quá nhanh mà không quản trị tốt thì dễ "đứt tay" vì đó là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, tôi cho rằng doanh nghiệp nào cũng sẽ có giai đoạn phát triển nóng. Và áp lực là điều tốt thúc đẩy con người cố gắng nhiều hơn để có thể vượt qua chính bản thân mình.

Nếu sức tôi chỉ có một, tôi sẽ đặt ra mục tiêu cho mình là ba để có thể dốc cạn sức lực mà hoàn thành. Nếu chẳng may không được ba, ít nhất tôi cũng đạt được hơn một, nghĩa là cũng vượt qua được bản thân mình.

Mục tiêu tôi đặt ra trong năm 2016 là Kids Plaza sẽ phát triển thêm 70 cửa hàng nữa. Chúng tôi đang cật lực lao động để đạt mục tiêu này.

* Nhưng mục tiêu đó là nhằm phát triển cơ nghiệp của ông, còn nhân viên chỉ là những người làm công ăn lương...

- Kids Plaza hiện vẫn chưa đủ tiềm lực để trả lương cao nhưng chúng tôi lại giàu tinh thần lạc quan. Lợi ích lớn nhất mà những "kidser" có được là suy nghĩ tích cực và tinh thần phấn đấu không ngừng khi tham gia vào ngôi nhà chung Kids Plaza. Để có được điều này, tôi thường tài trợ cho nhân viên tham gia các khóa học để họ có thể mở rộng nhận thức, kỹ năng.

Bản thân tôi cũng thường dành thời gian tham gia các khóa học, những buổi chia sẻ của các doanh nhân thành đạt để hiểu biết hơn về quản trị, điều hành... Kiến thức lĩnh hội được, tôi cũng chia sẻ lại trong những buổi sinh hoạt với nhân viên. Một công ty vận hành cũng như một đội bóng ra sân, tất cả mọi thành viên đều phải có thực lực thì mới có thể ghi bàn.

* Ngoài chăm lo cho Kids Plaza, ông có kế hoạch gì riêng cho bản thân?

- Có một mục tiêu tôi luôn theo đuổi là phát triển nhận thức cho bản thân. Đầu tư cho một dự án có thể thành hay bại, nhưng đầu tư cho trí óc không bao giờ thừa. Mọi thứ sẽ theo sau mình nếu mình có tri thức và khát khao làm việc.

Tôi vẫn nói với nhân viên, khi không còn muốn học nữa thì đó là lúc chúng ta tụt lại đằng sau. Hai con tôi còn quá nhỏ để có thể nhận thức được điều này nhưng đó sẽ là điều tôi nói với con nhiều nhất khi chúng trưởng thành.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông chủ hệ thống siêu thị Kids Plaza
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO