Bắt đá trổ màu

ĐẶNG QUÝ YÊN| 22/04/2010 08:26

Không chỉ mạnh dạn mở thị trường tại nhiều quốc gia, Lê Văn Ánh còn lập ra làng nghề Tấn Dị để chế tác đá hoa cương thành đồ mỹ nghệ.

Bắt đá trổ màu

Không chỉ mạnh dạn mở thị trường tại nhiều quốc gia, Lê Văn Ánh còn lập ra làng nghề Tấn Dị để chế tác đá hoa cương thành đồ mỹ nghệ. Những viên đá thô mộc đã chịu khuất phục dưới bàn tay những người thợ yêu nghề, khát khao thành công, để trổ màu rực rỡ thành những sản phẩm tinh tế...

Ba năm, một bài học

Chọn cho cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của mình cái tên rặt Tây: Vietnammese House, Lê Văn Ánh sớm xác định con đường chính là xuất khẩu. Tuy vậy, anh vẫn không ngừng nỗ lực, sáng tạo các sản phẩm phù hợp và đem sản phẩm đi chinh phục khách hàng trong nước. Với anh, dù sản phẩm có thành công ở nước ngoài đến mức nào mà dân mình không biết đến thì thành công ấy cũng chưa trọn vẹn.

Gặp Lê Văn Ánh ở Sài Gòn. Giữa cái nắng oi nồng đầu hạ, mái tóc dài lãng tử của anh khiến nhiều người ngán ngẩm. “Dù đã đi theo kinh doanh nhưng cái máu nghệ sĩ cũng còn mà”, anh xuề xòa giải thích vậy. Năm năm trên thương trường là một chặng đường chưa thể gọi là dài, nhưng tính cả quãng thời gian Ánh bắt đầu rời sân khấu hát chèo, tỉ mẩn tìm đường làm giàu thì con số ấy đã dài gấp đôi.

Ánh kể, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 18 tuổi, như bao nghệ sĩ khác, anh chỉ biết dốc toàn lực cho ánh đèn sân khấu. Nghệ thuật chèo ngày ấy khá phát triển. Ánh cùng đoàn lưu diễn khắp nơi. Thế hệ nghệ sĩ trẻ như Ánh được giao nhiệm vụ đến những vùng sâu, những bản làng xa ở vùng Đông Bắc, đem tiếng hát góp vui cho đồng bào.

Lấy thú sưu tập đá làm vui, nên đêm đi hát, ngày Ánh tranh thủ tìm những mẩu đá độc đáo. Quan sát đời sống ở vùng cao, điều làm Ánh ngạc nhiên nhất là váy áo thổ cẩm. Anh chẳng hiểu, làm thế nào từ những sợi lanh thô kệch, những người phụ nữ của núi rừng lại có thể tạo nên trang phục sặc sỡ đến như vậy. Tìm hiểu kỹ thuật nhuộm của đồng bào chỉ để thỏa mãn sự tò mò, bản thân Ánh cũng không ngờ, có ngày kiến thức ấy lại giúp được mình nhiều đến như vậy.

Thế nhưng, phát triển kinh tế khiến những bộ môn nghệ thuật truyền thống ngày một thu hẹp đất sống. Cái khó ló cái khôn, Ánh thử liên kết kỹ thuật nhuộm của người dân tộc thiểu số với những phiến đá mà mình yêu thích, gắng công tìm con đường riêng, mà theo anh, lúc ấy vẫn chưa thành hình. Năm đầu tiên, đá “ăn” màu nhưng dính vào nước là màu trôi đi hết. Năm thứ hai, màu lấp hết các vân hoa rực rỡ của đá, chẳng khác nào một mảng màu dán chồng lên đá.

Buông tay đầu hàng mấy bận nhưng tiếc công, thấy mình chưa làm hết sức, Ánh bắt đầu lại trên những thất bại. Kiên trì bền bỉ, đến năm thứ ba, những phiến đá hoa cương với độ cứng chỉ sau đá quý qua bàn tay Ánh đã “chịu phép”, “nghe lời”, trổ những sắc màu rực rỡ mà vẫn giữ tinh hoa vốn có của đá. “Không có gia đình ủng hộ, có lẽ tôi đã không vượt qua được thử thách của thời gian”, Ánh chia sẻ.

Ngày đá đơm hoa

Có được kỹ thuật nhuộm màu cho đá, Ánh đến làng Chiết, Hà Tây, địa phương nổi tiếng với nghề điêu khắc đa,ù tìm nghệ nhân để học nghề. Rước thầy về Tấn Dị (Hưng Yên), ngôi làng mình đang sinh sống, để dạy cho người dân cách chế tác trên đá, dần dà, Ánh có được đội ngũ nhân công khá lành nghề. Công nhân học tới đâu, anh học theo đến đấy. “Giữ vai trò quản lý, càng biết về công việc của cấp dưới thì càng thuận lợi cho công việc của mình. Trong trường hợp cần thiết, mình cũng có thể hỗ trợ ngược lại cho nhân viên”, Ánh chia sẻ.

Lấy tiêu chí “đơn giản, tinh tế”, tuy là hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng Ánh quyết định không dùng những bản khắc rườm rà như rồng, phụng..., thay vào đó là chân dung thiếu nữ, hoa hay phong cảnh. Vì điều này mà những chiếc hộp đá, chụp đèn, bình... của
Vietnamese House nhanh chóng chinh phục được khách hàng ngoại quốc.

Năm 2005 đánh dấu bước ngoặt của Ánh trên thương trường khi anh xuất được lô hàng đầu tiên, trị giá 1.000USD sang thị trường Mỹ. Ánh cho biết: “Hợp đồng nhỏ nhưng nó cho tôi biết mình đang đi đúng con đường, giúp tôi tự tin hơn hẳn”. Đó cũng là nguồn thu để Ánh mua thêm nguyên liệu, đầu tư thêm màu sắc và nhất là khâu thiết kế. Đến nay, tài sản của Ánh có được là hơn 300 mẫu sản phẩm, trong đó, có hơn 30 mẫu “sống” được từ khi Ánh thành lập công ty đến nay.

Hiện nay, đơn đặt hàng Ánh nhận về từ hơn 10 quốc gia, trong đó chủ yếu là Mỹ, các quốc gia ở châu Âu... Ánh bảo, có được khách hàng là nhờ chịu khó tham gia các hội chợ triển lãm. Tuy nhiên, cũng có lần, vì chọn nhầm hội chợ mà Ánh mất công, mất hơn 25.000USD, số tiền anh dành dụm được trong những ngày đầu khởi nghiệp, mà chẳng thu được thành quả gì. “Mỗi hội chợ đều có đối tượng riêng. Nếu không nghiên cứu kỹ, rất dễ thất bại”, Ánh chia sẻ.

Đến Thanh Hóa, Quảng Ninh để mua đá tảng, chuyển về cơ sở rồi mới chế tác, con đường làm ra sản phẩm của Vietnamese House khá gian truân. Phức tạp hơn nữa là ở công đoạn điều chế màu. Theo Ánh, màu nhuộm đá đều phải chiết xuất từ cỏ, ruột cây, hoa..., có như vậy màu mới đi vào lòng đá, hiển thị sắc nét mà không bao giờ phai.

Sẵn sàng nhận thợ học việc, từng mở lớp dạy nghề miễn phí cho 200 học viên để mở rộng làng nghề, nhưng khi được hỏi về việc truyền thụ lại cách nhuộm màu cho đá, Ánh vẫn bảo nguyên quan điểm của mình: “Chỉ truyền bí quyết ấy cho người thực sự đam mê và hiểu về đá”. Bởi vì, với anh, đây là con đường chỉ có thể đi khi đã sở hữu sự kiên nhẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bắt đá trổ màu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO